Trọng tài Việt Nam nói gì sau khi làm quen với VAR?
Sau 4 ngày làm quen với VAR, 18 trợ lý và trọng tài hàng đầu của V-League đã bắt nhịp tốt trong khâu quan sát các góc máy, phối hợp với kỹ thuật viên và phân tích các tình huống cơ bản.
Hào hứng khi bao quát được nhiều góc máy nhờ VAR
Từ ngày 20/2 đến 6/3, 18 trợ lý, trọng tài V-League (bao gồm 4 trọng tài FIFA, 12 trọng tài quốc gia, 2 trợ lý FIFA) đã và đang tham gia giai đoạn làm quen VAR trên hệ thống mô phỏng, phân tích các tình huống đơn giản dưới sự hướng dẫn của giảng viên FIFA và giảng viên trọng tài của Việt Nam.
Sau 4 ngày đầu tiên làm quen, các trọng tài Việt Nam đều rất hào hứng với VAR. Trọng tài Hoàng Ngọc Hà chia sẻ: "Anh em trọng tài rất tự tin, nỗ lực tham gia và phấn đấu hoàn thành tốt khóa học về VAR. Sau giai đoạn lý thuyết, chúng tôi đã bước vào giai đoạn 2, làm quen VAR trên hệ thống mô phỏng.
Thông qua các clip được xem và học trên lớp, các trọng tài có thêm sự tự tin rằng mình có thể hoàn thành tốt hơn công việc, với sự xuất hiện của VAR. Khi học VAR, chúng tôi hào hứng. Bởi từ các góc máy, chúng tôi có thể quan sát tốt hơn về một tình huống mà vốn dĩ ở trên sân không thể bao quát được hết. Từ đây, trọng tài ở phòng VAR có thể giúp trọng tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình".
Trợ lý FIFA Nguyễn Trung Hậu bày tỏ: "Trước mắt, điều mà chúng tôi sẽ phải làm được là phối hợp tốt giữa trọng tài và anh em kỹ thuật viên trong phòng VAR. Cũng dễ hiểu khi đây là lần đầu tiên chúng tôi làm quen với VAR.
Trong 10 ngày còn lại của lớp đào tạo, tôi cũng như anh em trọng tài sẽ tiếp thu những gì tốt nhất mà giảng viên truyền đạt và cố gắng hoàn thành bài kiểm tra mà FIFA dành cho chúng tôi".
Sự tiến bộ rõ rệt từ các trọng tài
Đánh giá về 4 ngày học tập vừa qua, ông Võ Minh Trí, Ủy viên Ban Trọng tài VFF, Giảng viên đào tạo Trọng tài VAR, chia sẻ: "Các trọng tài đã đều đặn học tập từng ngày, cứ từ 8 giờ sáng đến 18 giờ sáng, thậm chí có hôm là 19h00. Với nỗ lực từ các trọng tài, tôi nhìn thấy sự tiến bộ rõ rệt khi làm quen với VAR của họ.
Ngày đầu tiên, họ có thể còn bỡ ngỡ. Ngày thứ hai, họ bước đầu làm quen hơn. Ngày thứ 3, thứ 4 thì các trọng tài đã bắt kịp với các tình huống ở một tốc độ nhanh hơn. Đó là điều mà chúng tôi hài lòng.
Sự phối hợp giữa trọng tài và trợ lý, trọng tài với kỹ thuật viên trong việc tìm góc máy phù hợp, thực hiện công đoạn phân tích kỹ thuật và đảm bảo sự phân tích đồng nhất giữa các trọng tài với nhau có sự tiến triển. Đến nay, tôi cho rằng các trọng tài bước đầu đạt được yêu cầu mà giảng viên đề ra.
Trong 10 ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao khả năng phân tích lỗi qua từng clip đơn giản. Chúng tôi muốn thời gian nhận biết xoay quanh những tình huống như khi nào thẻ đỏ, khi nào có bàn thắng, khi nào không có bàn thắng được các trọng tài nhận biết nhanh hơn, phân tích nhanh hơn và kết hợp với kỹ thuật tìm ra góc quay phù hợp nhất.
Sau đợt tập huấn này sẽ là bước C, D của giai đoạn số 2, rồi kế đến là việc phối hợp với các trọng tài trên sân. Hy vọng các trọng tài sẽ làm tốt hơn nữa trong phân tích tình huống".