Trọng tài V-League 'khóc ròng'
(Thethaovanhoa.vn) - Trái bóng V-League ngừng lăn cùng dịch dã đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bóng đá. Các trọng tài (TT) Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, cần nhận được chia sẻ, động viên, thậm chí hỗ trợ từ VFF, VPF.
Đã tròn 3 tháng các giải đấu trong nước phải ngưng lại do ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Quyết định mới nhất được được đưa ra đến cuối năm nay trái bóng mới được lăn trở lại. Nếu cầu thủ, quan chức bóng đá vẫn nhận lương đều đặn từ CLB (cũng rất cao so với mặt bằng xã hội) thì những những vị “vua sân cỏ” đâu chỉ là nỗi nhớ nghề, mà còn bị ngừng thu nhập khi trái bóng không còn lăn.
Theo số liệu từ Ban TT VFF, thời điểm này có khoảng trên 100 TT, trợ lý TT làm nhiệm vụ ở 2 giải đấu thuộc hệ thống thi đấu chuyên nghiệp là V-League và hạng Nhất. Không phải tất cả đội ngũ cầm cân nảy mực đều gặp khó khăn về kinh tế trong mùa dịch, nhưng thực tế có nhiều trường hợp đang “lao đao”.
Số TT đỡ lận đận rơi vào những người đang có công ăn việc làm tại ngành thể thao ở các địa phương; cả giáo viên thể chất tại các trường học. Nhưng, không ít TT chỉ vì đam mê mà chọn mỗi nghề “vua sân cỏ”, sau khi xong nhiệm vụ về làm ăn lặt vặt. Có nghĩa, thu nhập chính là thù lao khi điều hành các trận đấu.
Có thể thấy, đa phần các ông “vua sân cỏ Việt Nam” đều xem nghề trọng tài là tay trái, là đam mê. Nhưng, nói thế không có nghĩa nghề này xuống giá, thậm chí chế độ khá cao, đầu vào không hề đơn giản chút nào.
Vậy nên, dịch COVID-19 đã khiến cho giới TT cũng liêu xiêu. Kể cả các TT thuộc cán bộ công nhân viên chức, như đã biết, hệ số lương cũng không cao.
Biết là khó nhưng đội ngũ TT tài cũng phải chịu bởi cả làng đều khó khăn chung. Họ cũng phải động viên nhau, chia sẻ để cùng cố gắng vượt qua “khúc cua” nghiệt ngã của nghề. Biết là vậy, nhưng lúc này, họ càng được nhận được những chia sẻ, động viên từ cơ quan quản lý, điều hành. Thậm chí, những ủy lạo bằng vật chất từ VFF, VPF.
Phía trước là những nỗi lo chuyên môn
Khó khăn, bí bách là có thật nhưng cảm giác nhớ nghề, nhớ sân, thèm được làm việc vẫn giày vò nhất với giới TT lúc này. Cũng như anh em cầu thủ, không được ra sân chơi bóng, giữa tiếng hò reo của hàng nghìn khán giả thì trống vắng vô cùng. Bởi, như đã phân tích ở trên, đa số TT đến với nghề là đam mê. Nghỉ dài hạn, lo lắng chung là “bể thể lực”. Cho nên, mỗi người không còn cách nào khác phải lo một phương án, bài tập dành riêng cho mình để duy trì thể lực. Nếu họ không đặt mình trong tâm thế sẵn sàng đáp ứng điều kiện để trở lại với công việc, đồng nghĩa tự loại mình khỏi cuộc chơi.
"Anh em chúng tôi đều xác định rõ nghề nghiệp của mình nên dù thế nào cũng luôn cố gắng hoàn thiện, trau dồi chuyên môn, thể lực lúc này. Làm nghề phải đảm bảo điều khiển tốt nhất các trận đấu bằng tất cả tâm huyết của mình. Lúc này, nói thật là chân cẳng tôi cuồng hết lên rồi. Thèm ra sân lắm vì bao năm qua đã quen cảm giác cuối tuần được cầm còi, được sống trong bầu không khí sôi động trên sân cỏ cả nước rồi. Giờ ở nhà suốt thế này buồn lắm", đấy chia sẻ không chỉ của riêng cá nhân trọng tài Hoàng Ngọc Hà (Còi Vàng Việt Nam 2020) .
Thời gian qua, cũng may giới TT được học hỏi kinh nghiệm qua các giải như Vòng loại World Cup, EURO, Olympic. Nhưng, như thế là chưa đủ. Cũng như cầu thủ, nếu TT phải nghỉ thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng thể lực, phản xạ chuyên môn. Không đảm bảo được thể lực sẽ bị “rớt” khi tập huấn với những bài test, và cả khi đang làm nhiệm vụ trên sân ngay. V-League ngày càng khốc liệt với thể thức thi đấu mới. Tốc độ các trận đấu bóng đá ngày càng cao nên đòi hỏi các TT phải có nền tảng thể lực, sức bền tốt để theo kịp các pha bóng.
Ai cũng biết nghề đằng sau những hình ảnh nghiêm khắc, thậm chí “hầm hồ” trên sân, giới TT ta chịu rất nhiều áp lực. Từ dư luận, báo chí, cầu thủ, các lãnh đội. Trọng tài chỉ cần khoảnh khắc nào đó không tập trung thì sẽ phạm sai lầm ngay. Khi sai thì có khi bị lôi “cả họ” ra chửi là nhẹ, bị dọa hành hung cũng đã từng xảy ra, không ít TT đã phải bỏ nghề vì không vượt qua nổi áp lực.
Hẳn nhiên, sai đâu thì chịu đó nhưng trong những ngày “lao đao”, những vị “vua sân cỏ” rất cần những sẻ chia, quan tâm. Mặt khác, VFF và VPF cần có phương án tập huấn thật kỹ cho đội ngũ “vua sân cỏ” trước giai đoạn gay cấn, quyết định thành công của giải.
Trần Tuấn