Trọng tài ở V-League: Kiến ăn cá, cá ăn kiến
(Thethaovanhoa.vn) - Trận đấu vòng 13 giữa Sài Gòn FC và XSKT Cần Thơ (tỷ số 0 – 1) trở nên nóng hơn, khi về những phút cuối, trợ lý trọng tài (TT) Nguyễn Trung Hậu bị cầu thủ và BHL đội chủ nhà tố giác là đã lăng mạ họ và thậm chí còn doạ đánh?!
- Sài Gòn FC 'tố' trọng tài chửi bậy
- 'Trò cưng' của Miura gia nhập Sài Gòn FC
- Sài Gòn FC 'chấp tướng', B.Bình Dương vẫn không thắng
Nhắc lại trận đấu với B.Bình Dương ở vòng 11, V-League 2016, HLV Nguyễn Đức Thắng đã phải nhận án kỷ luật cấm chỉ đạo hết lượt đi, phạt tiền 5 triệu đồng, do lỗi “phản ứng” (điều 60, Quy định về kỷ luật), buộc phải chỉ đạo từ khán đài, trận tiếp XSKT Cần Thơ.
Cá nằm trên thớt
Tuy sự nghiệp cầm quân còn khá ngắn ngủi, nhưng HLV Nguyễn Đức Thắng và các đội bóng của ông từng không ít lần “vướng” vua áo đen, đồng thời phải nhận án kỷ luật, với các mức độ khác nhau. Cũng tại mùa giải năm nay, trận gặp Đồng Tháp (vòng 2), HLV Đức Thắng đã phải nhận án phạt cảnh cáo vì hành vi phản ứng. Cũng tại Cao Lãnh, trợ lý HLV Nguyễn Đức Thịnh (anh ruột của Đức Thắng – PV) đã bị Bản kỷ luật phạt 10 triệu đồng và đình chỉ 3 trận, vì vi phạm Điều 40 “Hành vi xúc phạm danh dự, hành vi thiếu văn hóa”.
Trước đó, mùa giải hạng Nhì năm 2014, khi HLV Nguyễn Đức Thắng khởi nghiệp với bóng đá chuyên nghiệp ở CLB Công an Nhân dân, vị tướng trẻ này từng phải nhận án rất nặng (đình chỉ làm nhiệm vụ 12 tháng – PV), khi vi phạm vào điều 40 và khoản 1 điều 62 của Quy định kỷ luật VFF: “Hành vi xúc phạm danh dự người khác bằng cử chỉ, lời nói, bị đình chỉ ít nhất 3 trận, phạt tiền ít nhất 10 triệu đồng. Cố tình làm gián đoạn trận đấu sẽ bị đình chỉ thi đấu, đình chỉ làm nhiệm vụ trận đấu ít nhất 2 trận và phạt tiền tối thiểu 5 triệu đồng”.
HLV Nguyễn Đức Thắng đang chỉ đạo cầu thủ khi bị cấm ngồi khu kỹ thuật của Saigon FC - Ảnh: Quang Liêm
Quyết định số 210/QĐ-LĐBĐVN ghi rõ: “Đình chỉ làm nhiệm vụ 12 tháng và phạt 15 triệu đồng đối với ông Nguyễn Đức Thắng, HLV trưởng đội bóng đá Công an Nhân dân do vi phạm Điều 40 và khoản 1 Điều 62, Quy định về Kỷ luật của VFF trong trận đấu giữa Tiền Giang và Công an Nhân dân ngày 19/5/2014 trên SVĐ Quảng Nam". Năm 2010, tại VCK U19 quốc gia và năm 2013, VCK U21 quốc gia, HLV Đức Thắng cũng từng dính án kỷ luật, vẫn do lỗi phản ứng, dù ở Hải Phòng năm ấy, U21 Hà Nội T&T của ông lần đầu tiên đăng quang.
Nhiều lần dính “phốt”, HLV Nguyễn Đức Thắng bị cho là như “cá nằm trên thớt” và chỉ cần một động thái nhỏ khiến các ông vua sân cỏ gai mắt, là “ăn đòn” ngay. Diễn biến ở Thống Nhất cuối tuần trước, có thể loại trừ khả năng, các học trò của HLV Nguyễn Đức Thắng cố tình “gài” trợ lý TT Nguyễn Trung Hậu, một “người quen”, vào tròng, trả đũa. Câu kinh điển: “Bằng chứng đâu” của Ban TT lại được nhắc tới, để bật lại quy kết của Sài Gòn FC. Chỉ không hiểu sao, 2/3 lượt trận gần nhất của Sài Gòn FC, TT Ngô Duy Lân đều cầm còi và đều có vấn đề?!
Thế giới ngầm trọng tài
Chúng ta một lần nữa phải thừa nhận, TT là đội ngũ khó cầm nhất và cũng ít thông tin nhất. Không một ai biết họ làm gì, trước, trong và sau các trận đấu. Một ngày đẹp trời, họ có thể đưa trận đấu về đích an toàn, nhưng nếu cáu kỉnh, thì cầu thủ, HLV và các đội bóng có thể trở thành các nạn nhân và ngược lại. HLV hay cầu thủ gặp vấn đề với TT là chuyện bình thường, nhưng như đã nhắc ở trên, cũng có những HLV phải vía với vua áo đen, nên mới phải nhận án. Trước đây, HLV Calisto hay Lê Thuỵ Hải cũng không ít lần phản ứng, lại chẳng hề hấn gì.
Một bộ phận không nhỏ người trong cuộc khẳng định rằng, Trưởng Ban TT và các Uỷ viên đã không hoàn thành nhiệm vụ ở các mùa giải gần đây, đồng thời, việc phân công TT làm nhiệm vụ cũng không hẳn thuộc quyền quyết định của “thái thượng hoàng”. TT Ngô Mạnh Cường (Thái Nguyên) cầm còi hơn chục trận mùa trước, thì cho đến thời điểm này, tức V-League 2016 đã qua lượt đi, anh vẫn chưa một lần được cất nhắc, mà toàn phải ngồi bàn. Cường “chè” không hề dính phốt, nhưng lỗi lớn nhất của anh có lẽ là chơi thân với “những kẻ bị ghét”.
Cho đến thời điểm này, việc hơn chục TT bỗng dưng mất tích trong khoảng 2 mùa giải gần đây, đã và vẫn không bao giờ có câu trả lời thoả đáng, tại sao và như thế nào. Những người như Nguyễn Văn Đông, Phi Long, Trung Hiếu, Quốc Hưng, Đinh Hải Dương, Hà Anh Chiến, Kiều Việt Hùng…, hẳn vẫn chưa hết ẫm ức. Trong khi đó, các vị trưởng – phó Ban TT vẫn ngồi đó, như chưa từng có cuộc chia ly nào cả. “Bước vào thế giới này, là sống để bụng chết mang theo. Bạn phải tuân thủ luật im lặng”, một TT gạo gội đã giải nghệ từng chia sẻ như thế.
Xử lý hay đề xuất xử lý, với các trường hợp như HLV Nguyễn Đức Thắng, chỉ là chuyện vặt, việc ứng xử với cấp trên hoặc sếp của cấp trên để làm sao không bị ghét, để tiếp tục được phân công nhiệm vụ, mới là vấn đề đáng quan tâm của giới TT. Khi nhu cầu trẻ hoá lực lượng cầm cân nảy mực được cho là điều tiên quyết, trong bối cảnh đội ngũ TT chịu một cuộc khủng hoảng thiếu, có thể là con dao hai lưỡi. Vì “TT cũng là con người”, nên sai lầm là một phần của bóng đá. Chỉ trọng tài FIFA được cả châu Á tín nhiệm Võ Minh Trí là bất khả xâm phạm, nhưng Trí còn được mấy mùa mưa?!
Các TT luôn được phân công theo tổ và họ luôn đi cùng nhau, có thể “dí” một vài đội bóng “chết” cho bõ ghét. Trợ lý TT Nguyễn Trung Hậu có dám manh động, nếu người ngồi bàn (TT bàn) ở trận Sài Gòn FC – XSKT Cần Thơ không phải “đại ca” người đồng hương Nguyễn Trọng Thư, con ruột của Trưởng Ban TT Nguyễn Văn Mùi?! Cũng cần nhắc lại rằng, trước đó, ở lượt trận thứ 9 trên sân Cẩm Phả, Trung Hậu đã làm trợ lý cho TT chính Nguyễn Trọng Thư với pha cắt còi thổi penalty oan nghiệt vào những phút cuối trận, mà nạn nhân là Sài Gòn FC.
Nhất thân, nhì quen, hoặc là bạn phải có điều kiện, trước khi bước chân vào nghề cầm còi, cầm cờ, rồi sau đó mới hy vọng có cơ hội gỡ gạc khi được phân công.
Rõ là trọng tài V-League vẫn luôn phức tạp hơn người ta tưởng.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần