'Trong mỗi trẻ, luôn đong đầy phẩm chất để trở thành nhà văn'
Ở mùa giải thứ 5, Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn để lại dấu ấn khi chứng kiến sự trưởng thành trong sáng tạo của thiếu nhi với trường hợp tác giả nhí Lê Sinh Hùng (14 tuổi) được vinh danh ở hạng mục Khát vọng Dế Mèn cho tác phẩm bản thảo tranh truyện Thư viện kỳ bí.
Còn nhớ, năm 2022, Hùng cũng đã từng đứng trên sân khấu của Dế Mèn cùng với mẹ và các bạn của mình khi lọt vào Top 8 với bộ sách tranh Covid trong mắt trẻ thơ (NXB Phụ nữ Việt Nam). Bộ sách là tập hợp 7 truyện tranh song ngữ Việt - Anh của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm viết lời, được vẽ minh họa và chuyển ngữ bởi các bạn nhỏ từ 9 - 12 tuổi của "Ô cửa sách" - một dự án phát triển văn hóa đọc, khơi dậy niềm ham mê đọc sách ở trẻ em do Vũ Thị Thanh Tâm sáng lập và vận hành từ năm 2018.
Với bộ sách lọt Top 8 giải Dế Mèn năm đó, Hùng đóng vai trò vẽ minh họa và chuyển ngữ cho một số tập truyện của tác giả Vũ Thị Thanh Tâm, cũng chính là mẹ mình. Sau 2 năm trở lại Dế Mèn, Hùng đã trở thành một tác giả độc lập và giành được giải thưởng chính thức.
Viết truyện vì "chú mèo nhà em qua đời…"
Em đã lên ý tưởng viết bản thảo này cách đây một năm, trong giờ đọc sách "Ô cửa sách" của mẹ em. Nhưng lúc đó, em thấy câu chuyện mà mình nghĩ đến không có triển vọng nên cứ để đấy. Sau đó, chú mèo nhà em qua đời, còn chú chó bỏ đi. Đó chính là nguyên mẫu của 2 nhân vật chính trong truyện. Do vậy, đến đầu năm vừa rồi, em quyết định dành thời gian và hoàn thành bản thảo này.
Trong Thư viện kỳ bí, em muốn nói về hai chủ đề rất đáng quan tâm trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Đó là bảo vệ môi trường và tình bạn. Trước hết, trong cuộc sống hiện đại, mọi người đang ngày càng xa cách nhau bởi vì mạng xã hội. Do vậy, việc cần nuôi dưỡng tình bạn là điều đáng quý
Ngoài ra, môi trường mà chúng ta đang sống không chỉ có chuyện ô nhiễm, mà đang ngày càng đi xuống theo nhiều hướng. Chẳng hạn, nơi em đang ở - Đà Lạt - đã thay đổi nhiều về khí hậu. Bà và mẹ em kể, Đà Lạt trước đây có thời tiết lạnh, mọi người không thể không có một chiếc áo khoác khi ra đường. Còn Đà Lạt mà em đang sống giờ đây đã nóng lên nhiều, cả ngày chỉ mặc một chiếc áo cũng vẫn cảm thấy vã mồ hôi…
Về quá trình sáng tác Thư viện kỳ bí, em cũng gặp khó khăn khi thực hiện khoảng 20 bức vẽ. Em vẽ không đẹp nhưng được mẹ góp ý rằng xấu với đẹp không quan trọng bằng việc làm thế nào để chuyển tải được nội dung. Do đó, mọi người có thể thấy em đã vẽ những nhân vật có tỉ lệ cơ thể không chuẩn, tay chân dài ngắn, không rõ, nhưng như thế em lại cảm thấy tự nhiên nhất (cười).
Hành trình trưởng thành từ Dế Mèn
Trên sân khấu nhận giải thưởng cùng Sinh Hùng, chứng kiến sự trưởng thành của con trai tại Dế Mèn, tác giả Thanh Tâm bày tỏ:
Việc Sinh Hùng được đứng trên sân khấu của Dế Mèn là kết quả của tình yêu sách được vun bồi rất lâu. Và Sinh Hùng sẽ không thể được ghi nhận ở Dế Mèn nếu không kể đến những người bạn trong "Ô cửa sách".
Với tư cách là một giáo viên của Ô cửa sách, đứng trên sân khấu của Dế Mèn, cạnh Sinh Hùng, tôi muốn gửi lời yêu thương tới tất cả các bạn nhỏ còn lại. Những bạn nhỏ mà tôi đã gửi bản thảo đi dự thi nhưng chưa có may mắn để có thể đứng trên sân khấu của Dế Mèn (ở mùa giải Dế Mèn 2024, tác giả Vũ Thị Thanh Tâm đại diện gửi tác phẩm dự thi của 10 thiếu nhi thuộc dự án Ô cửa sách). Nếu không có các bạn nhỏ ấy, nếu không có các hoạt động các bạn làm cùng nhau, những ý tưởng các bạn cùng trao đổi và tình bạn rất đẹp giữa các bạn, thì có lẽ Sinh Hùng đã không thể có được một động lực để con hoàn thành tác phẩm.
Do đó, thành công của Sinh Hùng hy vọng sẽ tạo nên cảm hứng cho các bạn còn lại, cũng như cảm hứng cho tất cả các em bé Việt Nam. Bởi vì nếu như Sinh Hùng làm được thì tất cả các bạn khác đều có thể làm được.
Ở "Ô cửa sách", chúng tôi luôn tin rằng trẻ em có một khả năng sáng tạo mãnh liệt và khi trẻ được tiếp xúc với sách, khi trẻ được vun bồi tình yêu thương, trẻ hoàn toàn có thể là tác giả và có thể đem đến những câu chuyện lay động trái tim của chúng ta.
Cùng cần nói thêm, chúng ta sẽ không thể có ngay một em bé là một tác giả, mà đó là cả một hành trình. Năm 2022, tôi có mặt tại sân khấu Dế Mèn mặc dù chỉ trong Top 8 và không chính thức được nhận giải. Thế nhưng tôi vẫn có mặt tại đây để truyền cho các con một niềm tin rằng chúng ta đã đi rất xa. Năm đó, tôi là tác giả và các em bé là những người vẽ minh họa và dịch cho bộ sách của tôi. Dẫu vậy, tôi chưa bao giờ suy nghĩ rằng mình là một tác giả thực sự. Nhưng tôi đã viết để cho các con thấy rằng việc viết không có gì khó khăn, tôi đã viết để các con có một niềm tin rằng chỉ cần trong lòng chúng ta có một điều gì đó muốn được nói ra thì chúng ta sẽ có thể nói ra được bằng ngôn từ và bằng tranh vẽ. Và, chính vì vậy tôi đã dẫn dắt các con vào con đường sáng tạo từ việc đầu tiên là vẽ minh họa và dịch sách, rồi chính từ những công việc đó để các con tự viết lên những câu chuyện của riêng mình.
Còn nhớ, cách đây 2 năm Sinh Hùng chỉ có mặt với vai trò cộng sự - một họa sĩ vẽ minh hoạ và một dịch giả - nhưng bây giờ con đã có mặt ở Dế Mèn với vai trò một tác giả. Và, tôi đã có thể lui về phía sau để không làm tác giả nữa, mà là người hỗ trợ cho sáng tác của các con.
Mỗi em bé đều là một kho ý tưởng
Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa về khả năng sáng tạo của thiếu nhi, tác giả Thanh Tâm còn cho rằng: Mỗi em bé đều là một kho ý tưởng, bởi các em sẽ nhìn mọi thứ một cách rất sáng tạo, hồn nhiên. Cho nên trong mỗi em bé, phẩm chất để trở thành nhà văn luôn đong đầy. Chỉ là chúng ta có chấp nhận ý tưởng của các em bé hay không và chúng ta có có nâng đỡ, có tạo điều kiện đủ để những ý tưởng này sẽ được các em bé viết ra, vẽ ra.
Tôi muốn thể hiện sự trân trọng, nâng niu nhất có thể đối với các em bé. Như việc các tác phẩm gửi dự thi Dế Mèn có thể có những tác phẩm còn non nớt, nhưng tôi nói với các con rằng, "cô trân trọng tất cả và cô gửi đi tất cả". Và, tôi nghĩ rằng người lớn có thể giúp trẻ em một cách đơn giản nhất bằng sự khích lệ.
Điều tôi vẫn đau đáu nhất đó là làm sao có một nhà xuất bản nào, có một mạnh thường quân nào chịu nâng đỡ những tác phẩm của các em để chúng có thể đến được với các bạn đọc nhỏ tuổi trên toàn quốc để tạo ra một niềm tin đặc biệt. Đó là niềm tin khi trẻ là tác giả, niềm tin trong mỗi em bé đều có một nhà văn… như một đòn bẩy để bẩy lại những công thức vốn đã áp đặt lên các con bấy lâu nay khiến các con không tin vào khả năng của mình.