Trong 24 giờ qua, châu Âu chiếm tới 59% tổng số ca mắc Covid-19 toàn cầu
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8h sáng 15/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 271.707.470 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.336.391 ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 244.203.296 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 607.159 ca mắc mới, trong đó Mỹ ghi nhận mức cao nhất 107.370 ca, tiếp sau là Pháp (63.405 ca), Anh (59.610 ca), Đức (40.795 ca). Tính đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng số ca mắc là 51.135.246 ca, trong đó số ca tử vong đã vượt ngưỡng 800.000 ca.
Châu Âu tiếp tục là điểm nóng dịch COVID-19 khi số ca nhiễm mới ở châu lục này trong 24 giờ qua chiếm tới 59% tổng số ca mắc toàn cầu, trong khi sự lây lan của biến thể Omicron đang là thách thức đối với châu lục này, đặc biệt tại Anh. Các nhà khoa học dự báo số ca nhiễm Omicron thực tế tại Anh trong thời gian tới có thể lên tới 200.000ca/ngày.
Chính quyền Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ bổ sung các quy định phòng dịch như việc đeo khẩu trang, xét nghiệm hằng ngày nhằm tránh phải thực hiện giãn cách xã hội và yêu cầu xuất trình chứng nhận vaccine giống như vùng England đang áp đặt.
Cùng với các nước châu Âu khác, Hà Lan đã đưa ra các biện pháp hạn chế trong ngày 14/12 sau khi Thủ tướng nước này Mark Rutte thông báo các trường cấp tiểu học ở nước này sẽ đóng cửa vào tuần tới và lệnh phong tỏa vào ban đêm sẽ được gia hạn do lo ngại nguy cơ lây lan của biến thể Omicron.
Tại Pháp, quốc gia châu Âu này trong 24 giờ qua đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ tháng 4/2021 với số ca nhiễm mới 63.405 ca.
Ngày 14/12, Chính phủ Italy đã thông qua sắc lệnh kéo dài tình trạng khẩn cấp đến ngày 31/3/2022 đồng thời xem xét mở rộng các biện pháp thắt chặt nhằm ngăn chặn làn sóng COVID-19 mới.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, dự thảo sắc lệnh mới nhấn mạnh tính cần thiết phải điều chỉnh các biện pháp để ứng phó diễn biến của đại dịch COVID-19.
Theo dự thảo, Chính phủ Italy sẽ phân bổ 6 triệu euro trong năm 2022 để nâng cấp cơ sở hạ tầng tại một số cơ sở quân sự nhằm mục đích đảm bảo cơ sở hạ tầng chiến lược ứng phó với dịch COVID-19 cũng như đảm bảo năng lực trong mọi trường hợp khẩn cấp sức khỏe trong tương lai. Ngoài ra, giá xét nghiệm COVID-19 sẽ tiếp tục được kiểm soát hoặc miễn phí trong năm 2022…
- Cập nhật tình hình dịch Covid-19: Thế giới 252 triệu ca, có 5 triệu người đã chết
- Cập nhật tình hình dịch Covid-19: Thêm 4.642 ca mắc mới
Trong khi đó, nhằm ngăn chặn làn sóng COVID-19 từ những người nhập cảnh vào Italy, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cũng ký sắc lệnh mới siết chặt quy định nhập cảnh đối với công dân từ các nước châu Âu.
Theo sắc lệnh, mọi công dân phải trình xét nghiệm âm tính với xét nghiệm phân tử trong 48 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên trong vòng 24 giờ trước khi nhập cảnh vào Italy. Với những trường hợp chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, ngoài kết quả xét nghiệm âm tính vẫn sẽ phải cách ly trong 5 ngày.
Italy cũng gia hạn lệnh cấm nhập cảnh cho đến khi kết thúc tình trạng khẩn cấp đối với những trường hợp đã từng đi qua Malawi, Nam Phi, Lesotho, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Namibia và Eswatini trong 14 ngày qua.
Lan Phương - Hải Linh/TTXVN