Triển vọng Phố Wall năm 2023: Dấu hiệu tích cực đã xuất hiện nhưng liệu có đáng tin cậy?
Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đang đặt kỳ vọng vào một loạt tín hiệu thị trường cho thấy Phố Wall nhiều khả năng sẽ trải qua một năm giao dịch lạc quan trong năm 2023, với giá cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng bất chấp lo ngại rằng kế hoạch siết chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Điều này đã phần nào được chứng minh trong tháng 1/2023, khi phần lớn các cổ phiếu đều chuyển động tích cực, chỉ số S&P 500 đạt “chữ thập vàng” (golden cross) - là tín hiệu tăng giá trong đó đường trung bình trượt ngắn hạn vượt lên trên đường trung bình trượt dài hạn - và nhiều cổ phiếu đã tạo đỉnh thay vì đáy mới.
Tuy nhiên, điều đáng nói là kỳ vọng này đang đi ngược lại với những tín hiệu mà giới đầu tư thường dựa vào để đưa ra quyết định đầu tư. Triển vọng yếu kém của các “gã khổng lồ” như Amazon và Microsoft, cùng khả năng Fed sẽ tiếp tục kiên trì với chính sách siết chặt tiền tệ trước những diễn biến tích cực mới nhất trên thị trường việc làm Mỹ, đã tạo ra những dấu hiệu bất ổn mới cho thị trường, mặc dù chỉ số S&P 500 đã tăng 7,7% từ đầu năm đến nay.
Những tín hiệu tích cực của tháng Một
Những số liệu cho thấy sự cải thiện ổn định về thước đo động lượng và tâm lý giới đầu tư trong những tuần gần đây đã củng cố quan điểm của một số nhà đầu tư cho rằng giá tài sản có thể đang hướng tới một giai đoạn ôn hòa hơn sau khi chứng kiến chỉ số S&P 500 mất đến 19,4%, mức giảm hằng năm lớn nhất kể từ năm 2008, vào năm ngoái.
Ryan Detrick, Giám đốc chiến lược thị trường của Tập đoàn Carson, nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng một bức tranh lành mạnh đang được vẽ ra”, trong đó có các tín hiệu như mức tăng của thị trường trong tháng Một và nhiều nhóm cổ phiếu đã cho thấy sự tăng giá.
Chỉ số S&P 500 đã tăng 6,2% trong tháng Một, một phần nhờ hy vọng rằng Fed sẽ có thể hạn chế lạm phát gia tăng mà không gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế.
Theo một phân tích dựa trên các dữ liệu từ Chiến tranh thế giới thứ hai do công ty nghiên cứu CFRA thực hiện, trong quá khứ, khi chỉ số S&P 500 tăng vào tháng Một, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 83% số thời gian từ tháng 2-12 của năm đó, với mức tăng trung bình trong 11 tháng là hơn 11%.
Tuy nhiên, nếu chỉ số S&P 500 ghi nhận tăng trưởng sau một năm giảm điểm, theo sau sẽ là mức tăng trung bình 23,1% đối với 92% khoảng thời gian từ tháng 2-12.
Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư trưởng tại CFRA Research, cho biết: “Mặc dù đợt phục hồi gần đây có thể khiến cổ phiếu trở nên tương đối đắt đỏ, nhưng “các số liệu đang cho thấy rằng tiềm năng tăng giá là có”.
Mô hình “chữ thập vàng”
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng đường trung bình động 50 ngày của S&P 500 đã tăng trên mức trung bình động 200 ngày hôm 2/2, cho thấy mô hình “chữ thập vàng”.
Kể từ năm 1950, lợi nhuận trung bình 12 tháng của S&P 500 là 10,5% sau khi hình thành mô hình “chữ thập vàng”, so với mức tổng lợi nhuận trung bình hằng năm kể từ năm 1950 của chỉ số này là 9,1%, theo Adam Turnquist, chiến lược gia trưởng kỹ thuật tại công ty nghiên cứu LPL Research.
Tuy nhiên, nếu “chữ thập vàng” xuất hiện khi đường trung bình động 200 ngày đang giảm - như tình hình hiện tại - thì lợi nhuận trung bình 12 tháng của S&P 500 lại tăng vọt lên 16,8%.
Chiến lược gia Turnquist cho biết trong một bài viết: “Mô hình ‘chữ thập vàng’ gần đây bổ sung thêm cho những bằng chứng kỹ thuật ngày càng rõ ràng về sự thay đổi xu hướng của S&P 500”.
Sự cải thiện nội bộ
Willie Delwiche, chiến lược gia về đầu tư tại All Star Charts, cho biết tất cả 5 chỉ báo được ông sử dụng trong tháng Một đều hướng tới kết quả là một thị trường giá lên, bao gồm các chỉ số về khối lượng tăng và khẩu vị rủi ro - điều chưa từng xảy ra trong năm 2022.
Ngoài ra, một trong những chỉ báo này cũng cho thấy nhiều cổ phiếu được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq đã đạt các mức cao mới của 52 tuần (thay vì các mức thấp hơn). Đây là dấu hiệu cho thấy đợt tăng giá này sẽ được dẫn dắt bởi nhiều nhóm cổ phiếu, thay vì chỉ một nhóm các “cổ phiếu nặng ký”.
Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư tin rằng giá cổ phiếu có thể đã đi trước thị trường. Dữ liệu mới được công bố hôm 3/2 cho thấy tốc độ tăng trưởng việc làm mạnh mẽ của Mỹ trong tháng Một đã một lần nữa khơi lại những lo ngại về việc lạm phát sẽ cản trở sự phát triển của thị trường chứng khoán như hồi năm ngoái và châm ngòi cho một Fed “diều hâu” hơn.
Các nhà phân tích tại Citi viết: “Báo cáo việc làm tháng Một rõ ràng là tốt và sẽ là điểm khởi đầu của một loạt các dữ liệu cho thấy môi trường lạm phát mạnh hơn vào đầu năm 2023”.
"Chúng tôi cho rằng xu hướng mới nổi này sẽ làm chậm lại việc định giá thị trường theo hướng quá ôn hòa".