Triển vọng nào cho việc gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân START mới?
(Thethaovanhoa.vn) - Trong bối cảnh Nga và Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi đầu tháng 8-2019 vừa qua, thế giới hiện đang hướng sự quan tâm đến Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) bởi đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô nhất còn lại cuối cùng giữa hai cường quốc Nga và Mỹ. Nhưng liệu nó sẽ tiếp tục được hai nước gia hạn khi mà thời hạn dự kiến của nó hết hạn vào tháng 2-2021?
Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START)
Hiệp ước New START (hay còn gọi là START-3), được ký kết vào tháng 4-2010 tại Prague (Czech) giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Tại thời điểm này, quan hệ giữa Nga và Mỹ được đánh giá là “nồng ấm” hơn nhiều so với thời điểm hiện tại.
Sau khi được thông qua, Hiệp ước đã chính thức có hiệu lực từ ngày 5-2-2011 và dự kiến sẽ kéo dài ít nhất đến năm 2021. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quy mô lớn mới nhất giữa Nga và Mỹ nhằm giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới có thể triển khai.
Hiệp ước quy định mỗi bên cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược của mình để sau 7 năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực và trong tương lai, tổng số lượng vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như không vượt quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, và không quá 800 bệ phóng tên lửa đã được triển khai và chưa được triển khai.
Quan trọng hơn, New START bắt buộc Nga và Mỹ phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và phương tiện phóng hai lần mỗi năm. Hai nước cũng tổ chức các cuộc họp thường xuyên trong khuôn khổ Ủy ban Tham vấn song phương để giải quyết những bất đồng hoặc những nghi vấn về việc triển khai hoặc thủ tục triển khai. Theo các chuyên gia, điều này giúp New START có tính thực tiễn hơn hẳn so với INF khi cả hai bên đều có thể xác minh được quá trình dỡ bỏ vũ khí diễn ra như thế nào. Đồng thời, giúp hai bên có thể thu thập được thêm thông tin về tình hình kho vũ khí lẫn nhau mà không thông qua các phương pháp thu thập và đánh giá thông tin tình báo truyền thống.
Chính bởi vậy mà lâu nay, Nga vẫn luôn coi Hiệp ước New START, vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021 và có thể được gia hạn tối đa 5 năm nếu có sự nhất trí của đôi bên, là “hòn đá tảng đối với an ninh thế giới” và là “hiệp ước duy nhất nhằm tránh rơi vào một cuộc chạy đua vũ trang toàn diện”. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ dưới thời của Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đề cập khả năng không gia hạn hiệp ước này. Washington cho rằng New START là hiệp ước “thiếu sót” và “lỗi thời” khi không đề cập tới các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng như vũ khí phi hạt nhân mới do hiệp ước này được ký vào năm 2010, trước thời điểm thế giới xuất hiện các cuộc chiến tranh mạng, tên lửa siêu thanh và bệ phóng hạt nhân dưới biển. Theo Washington, cần tập trung vào điều gì “tốt hơn” thay vì gia hạn một thỏa thuận chưa hoàn thiện.
Trong bối cảnh hiệp ước START mới sẽ hết hạn vào tháng 2-2021, Nga đã nhiều lần đề nghị Mỹ thảo luận việc gia hạn hiệp ước này, song chưa nhận được câu trả lời. Nga cũng nhiều lần cảnh báo Mỹ rằng việc từ chối gia hạn START mới sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới.
Triển vọng gia hạn START mới?
Thực tế trước đây, Nga đã từng đưa ra điều kiện để mở rộng Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược-START mới-nhưng sự im lặng của Mỹ trước các đề xuất của Nga khiến Nga lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẵn sàng từ bỏ Hiệp ước này, giống như đã làm với Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Và điều này theo Tổng thống Nga Putin là sẽ làm cho an ninh thế giới trở nên nguy hiểm, bởi khi một trong hai hiệp ước cắt giảm vũ khí song phương giữa Nga và Mỹ là INF đã chính thức sụp đổ từ tháng 8-2019, thì Hiệp ước START mới trên thực tế là công cụ duy nhất để hạn chế chạy đua vũ trang, bắt buộc Nga và Mỹ phải giảm một nửa số bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược của mình.
Hiện Nga cho rằng, nếu hai bên còn chần chừ thì sẽ không đủ thời gian để đàm phán việc gia hạn khi Hiệp ước START mới sẽ chính thức hết hạn vào tháng 2-2021. Gần đây, Nga đã bắt đầu đưa ra tín hiệu đề nghị Mỹ gia hạn New START.
Ngày 27-11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov thông báo, Nga đã đề nghị Mỹ gia hạn New START thêm 5 năm, nếu chính quyền Tổng thống Trump không đồng ý với điều này thì hai bên có thể gia hạn thêm một thời gian ngắn hơn. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Riabkov cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì START mới khi xem đây là “công cụ song phương cuối cùng” trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí phòng thủ chiến lược giữa Nga và Mỹ.
Tiếp đó, ngày 5-12, Tổng thống Nga Putin đưa ra lời hối thúc Mỹ nhanh chóng gia hạn START mới. Ông cho biết START mới (hay START-3) sắp hết hạn, song Moskva tới nay chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào của đối tác về đề nghị gia hạn thỏa thuận kiểm soát vũ khí này. Ông Putin một lần nữa nhắc lại Nga sẵn sàng gia hạn START-3 trước cuối năm nay mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào.
Tổng thống Putin cũng nêu rõ Nga không muốn khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang hay triển khai tên lửa ở những nơi mà chúng đang không hiện diện. Nga sẵn sàng gia hạn START 3, sớm nhất có thể, trước cuối năm nay mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào.
Tuy nhiên, trước sự nôn nóng của Nga thì hiện Mỹ vẫn đang để ngỏ khả năng gia hạn START mới. Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood khẳng định Mỹ có đủ thời gian để đàm phán nhằm gia hạn START mới, và cảnh báo một hiệp ước vội vàng sẽ làm giảm tác dụng đòn bẩy đối với Nga và Trung Quốc.
Theo giới phân tích, việc Mỹ không vội vàng gia hạn START mới là bởi Mỹ hy vọng sẽ có thể đi đến ký kết một thỏa thuận kiểm soát vũ khí rộng hơn, bao gồm sự tham gia của cả Trung Quốc. Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood đã khẳng định nếu Mỹ đồng ý gia hạn hiệp ước ngay tại thời điểm này, điều đó sẽ khiến Washington có ít khả năng thuyết phục được Nga và Trung Quốc tham gia đàm phán một thỏa thuận rộng hơn. Theo ông Rood, việc Trung Quốc không tham gia thỏa thuận hiện nay làm hạn chế việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược và thực thi một chế độ kiểm chứng mạnh mẽ, đồng thời tái khẳng định Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn một thỏa thuận có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay Trung Quốc đã tuyên bố không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về thỏa thuận giải trừ hạt nhân ba bên với Nga và Mỹ với lý do kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc “không thể sánh với Mỹ và Nga”. Bắc Kinh cho rằng, các nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất cần có trách nhiệm “đặc biệt và đi đầu” trong vấn đề giải trừ hạt nhân và nên tiếp tục cắt giảm đáng kể vũ khí hạt nhân theo cách “có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, tạo điều kiện cho các nước khác tham gia tiến trình này.
Chính bởi do Nga, Mỹ và Trung Quốc vẫn đang đưa ra những lập trường riêng khiến cho việc tìm kiếm điểm tương đồng là không mấy dễ dàng. Trong hoàn cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng, một phương thức tiếp cận thực tế đang được tính đến, đó là Nga và Mỹ nhất trí đàm phán về một Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới với giới hạn thấp hơn 1/3 so với quy định của START mới, hoặc thậm chí là hơn thế nữa, nếu như Trung Quốc đồng ý không tăng lượng vũ khí hạt nhân sở hữu và áp dụng các biện pháp kiểm soát minh bạch.
Nguy cơ chạy đua vũ trang
Tuy nhiên, việc đưa ra bất kỳ một giải pháp nào cho vấn đề này cũng cần tới thời gian, trong khi thời hạn hiệu lực của START mới thì không còn dài. Chính vì thế, điều quan trọng hiện nay là các bên cần tỏ rõ thiện chí và tìm ra tiếng nói chung. Nếu trong tương lai vắng bóng một hiệp ước như START mới thì điều này sẽ đồng nghĩa với việc nguy cơ bùng phát các cuộc chạy đua vũ trang và xung đột sẽ càng trở nên hiện hữu, bởi sự chia rẽ và cạnh tranh giữa các cường quốc, ngay cả khi chiến tranh Lạnh đã lùi xa từ 30 năm trước.
Theo các chuyên gia, kể từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 cho thấy, những tín hiệu về cuộc đua năng lực quốc phòng và phát triển vũ khí mới giữa các cường quốc vẫn chưa có điểm dừng. Thực tế, Mỹ đã tăng chi ngân sách quốc phòng năm 2019 là 750 tỷ USD, lượng ngân sách cao nhất thế giới. Trung Quốc cũng thông báo mức chi tiêu quốc phòng năm 2019 tăng 7,5% bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, chi phí quân sự toàn cầu trong năm 2017 đã tăng lên 1,7 nghìn tỷ USD, mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Mặc dù chưa có con số chi tiêu của năm 2018 nhưng xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự trong hai năm qua thì đã rõ. Điều này cho thấy sẽ có nguy cơ lớn với những răn đe về quân sự một khi những cơ chế kiểm soát vũ khí không còn.
Sự mở rộng năng lực hạt nhân cũng là một điều đáng lo ngại. Trên thế giới hiện có hơn 14 nghìn đầu đạn hạt nhân. Nếu như cách đây khoảng 30 năm, năng lực hạt nhân nằm hầu hết trong tay Nga và Mỹ thì ngày nay cả Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel, hay Triều Tiên đều hoàn toàn có thể phát triển vũ khí hạt nhân mà ít phải chịu các cơ chế kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân càng được coi là nền tảng quan trọng cho an ninh thế giới.
Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)