Triển lãm 'XOM 2020': Biến khó khăn dịch bệnh thành cơ hội nghệ thuật
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua 19/8, cuộc trưng bày mang tên XOM 2020 đã bắt đầu tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội với những góc nhìn độc đáo về đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới.
X.O.M đồng thời cũng là tên nhóm nghệ sĩ gồm các tác giả: Yến Năng, Lê Thị Minh Tâm, Bùi Hoàng Dương, Nguyễn Xuân Hoàng, Hà Huy Mười và một tác giả khách mời Hendrik Jakobus Lubbe (Nam Phi). Vừa thành lập cách đây không lâu, nhưng đã được nhiều người trong giới và những tín đồ yêu nghệ thuật biết đến qua những hoạt động online khá chất lượng.
Trong cái khó, ló cái hay
Khoan hãy “đào sâu” vào ý niệm của các tác phẩm. Trước hết phải nói về tinh thần của các nghệ sĩ khi chung tay mở triển lãm này. Đó không gì khác chính là một tinh thần rất… nghệ sĩ! Bởi, trong thời điểm mọi ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh họ lại xem đó là một cơ hội để thể hiện quan điểm, thái độ sống về chính những gì mà dịch bệnh đang gây ra cho đời sống xã hội, trong đó có bản thân mình.
- Xem triển lãm đặc biệt về kiến trúc 6 ngôi làng Việt cổ
- Khai mạc triển lãm ảnh về những khoảnh khắc của cuộc sống thời COVID-19
Hơn thế, X.O.M còn “chơi lớn” khi quyết định mở hẳn một triển lãm - việc thường bị cho là không hiệu quả và chỉ mang lại sự tốn kém. Như chia sẻ, XOM 2020 mở cửa như là một sự đối diện, không “cúi đầu” trước khó khăn, với cảm hứng được truyền đến người xem: Hãy mạnh mẽ lên biến khó khăn thành những cơ hội - như cách chúng tôi đang bày một sự kiện đẹp để tặng cho mọi người thưởng lãm với mong muốn tạm thời xua đi những u ám, đơn điệu trong mùa dịch bệnh này.
Không khí ngày đầu triển lãm khá trầm lắng. Có người nói vui, ngày 19/8, theo âm lịch rơi đúng vào ngày đầu tiên của “tháng cô hồn”, dân gian thường kiêng kỵ không làm những việc như khai trương, động thổ… nên các nghệ sĩ cũng… kiêng, không ca nhạc ồn ào? Nhưng, theo như nghệ sĩ Yến Năng (thành viên X.O.M). “Nghệ sĩ chúng tôi thì không có kiêng khem gì. Lý do chúng tôi không tổ chức lễ khai mạc là bởi, ngày 19/8 cũng là ngày đầu tiên Hà Nội nâng cao các biện pháp phòng chống dịch: Các quán cà phê, nhà hàng ăn uống phải đo thân nhiệt cho khách, bố trí nước sát khuẩn và giãn cách tối thiểu 1m, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang nơi công cộng, không tập trung quá 30 người, người dân không nên ra khỏi nhà khi không cần thiết… Chúng tôi thật lòng hoàn toàn ủng hộ chủ trương ấy của Hà Nội”.
Chưa biết hiệu quả của triển lãm đến đâu, nhưng việc vừa tổ chức trưng bày, vừa vừa thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch của Hà Nội đã cho thấy sự lạc quan của XOM, cũng như trách nhiệm của những người nghệ sĩ.
“Giả chết” để... biết hết xung quanh
Tại triển lãm, cảm xúc của người xem được dẫn đầy biến ảo qua phong cách tranh của từng họa sĩ. Nếu như tranh của họa sĩ Hà Huy Mười với hình ảnh những sinh vật lạ lẫm khiến người xem liên tưởng đến sự hắc ám của dịch bệnh đương thời, thì tranh của họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng lại bay bổng như khát vọng của con người vươn lên và khám phá những tầm cao.
Trong khi đó, tranh của họa sĩ Bùi Hoàng Dương là cả một thế giới yêu thương cuộc sống thông qua hình tượng những con chó muôn sắc màu. Lê Thị Minh Tâm thì thể hiện niềm tin vào thế giới tâm linh qua những màu sắc lên mặt phẳng. Họa sĩ đến từ đất nước Nam Phi Hendrik Jakobus Lubbe vẽ như một sự trình bày về xuất thân văn hóa của mình, trình bày tâm tưởng của kẻ xa xứ về quê hương, gốc gác mình, trình bày cách nhìn về nơi anh đang sống (anh đang tạm sống và làm việc tại Việt Nam)…
Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với người xem là các tác phẩm của nghệ sĩ Yến Năng. Phía trong nhà triển lãm, Yến Năng sắp đặt tác phẩm Cánh đồng được làm từ những búi thép được phá ra từ những công trình xây dựng. Trên cánh đồng ấy có những bụi cây, bụi cỏ nhưng không mọc dưới đất mà bay lơ lửng trong không trung và không phải màu xanh mà là màu sắt gỉ. Yến Năng gọi đó là cánh đồng chết. Anh bảo, đôi khi trong cuộc sống hiện tại, con người chúng ta cũng “hít” phải những “tín hiệu xấu” là những bụi cây, khóm cỏ mang màu sắt gỉ bay lơ lửng ấy mà không hề hay biết, mà câu chuyện của dịch Covid-19 chỉ là một trong những điển hình.
“Nặng ký” hơn Cánh đồng, ngoài sảnh chính nhà triển lãm, Yến Năng cũng tận dụng sắt gỉ sắp đặt một tác phẩm cao từ sàn đến trần nhà. Trên đó, anh “đính kèm” những hình người dù kích thước, màu sắc khác nhau, nhưng tất cả đều có dáng giống nhau: Đưa hai tay ra đằng trước, sờ soạng tìm kiếm…Ý niệm của Yến Năng ở tác phẩm này là đôi khi trong cuộc sống (nhất là trong thời buổi dịch bệnh COVID-19 hành hoành), nhiều người bị dẫn dắt bởi những tin đồn vô căn cứ mà không biết, chỉ biết đi lòng vòng mãi mà chẳng biết lối nào mà ra.
Dưới chân tác phẩm, Yến Năng cởi trần, nằm xoắn vỏ đỗ, mặt phủ một chiếc áo, giả chết với ý đồ mô phỏng lại hình ảnh ở bên trên. Nhưng “chết cũng không yên”, việc Yến Năng nằm gọn trong tấm thảm, bố cục đẹp, xung quanh còn nhiều khoảng trống nên vô tình đã “gợi hứng” cho các nghệ sĩ khác, thậm chí là khán giả vào xem triển lãm tương tác với anh (tuân thủ việc đeo khẩu trang). Người thì mở nhạc hiếu ảo não, quỳ vái anh như vái một cái xác, người thì nhét vào tay anh cái khẩu trang, người thì đặt chai sát khuẩn, người thì “khử trùng” anh bằng sơn xịt, hoặc viết, vẽ lên cơ thể anh những thông điệp và cả những lời cảm ơn…, khiến cơ thể Yến Năng như vừa đi xăm trổ ở đâu về.
Thông điệp mà Yến Năng muốn truyền tải đến công chúng qua màn trình diễn này cũng không khó hiểu: Đôi khi, dù không hài lòng nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận mọi thứ đang diễn ra ở xung quanh. Giống như trước tình hình dịch bệnh hiện nay, cách tốt nhất là mọi người hãy cùng nhau tích cực chống dịch, hãy lặng im trước những đồn đoán, thông tin không có căn cứ để không làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Các tác phẩm trong triển lãm:
Sẽ trình diễn "người trên toan" ở bãi giữa sông Hồng “Khi đã có nhóm rồi thì chúng tôi sẽ luôn hoạt động tích cực. Sau XOM 2020, chúng tôi dự định sẽ làm một cuộc trình diễn mang tên là Thên - Người trên toan và được thực hiện ở bãi giữa sông Hồng. Ngoài ra, mỗi năm chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm một lần” - Nghệ sĩ Yến Năng. |
Phạm Huy