Triển lãm và ra mắt sách 'Nguyệt sáng gương trong'
(Thethaovanhoa.vn) - Dù không khai mạc để đảm bảo an toàn, nhưng trưng bày Nguyệt sáng gương trong của Bùi Tiến Tuấn vẫn diễn ra tại Eight Gallery (8 Phùng Khắc Khoan, TP.HCM), kéo dài từ 23/5 đến hết 6/6/2021.
Đây cũng là dịp ra mắt sách Nguyệt sáng gương trong (NXB Mỹ thuật) - sách tranh lụa khỏa thân đầu tiên của Việt Nam, gồm 58 tranh khỏa thân, 3 phác thảo khỏa thân, chủ đề thiếu nữ thị thành.
“Khi vẽ các bức tranh khỏa thân, thật ra tôi muốn khám phá, khai thác mọi khía cạnh, mọi khả năng của sự quyến rũ nữ tính. Ham muốn này cho phép tôi mang những hình nhân ấy đặt vào những tư thế khác nhau, những không gian khác nhau. Nghĩa là tôi đang không ngừng tìm và thấy sự lãng mạn hóa mọi khả năng mà ở đó cái đẹp của nữ tính hiện diện. Nên đôi khi nó vượt qua tính hợp lý bên ngoài của đời sống để đi đến sự hợp lý bên trong của tính nguyên lý. Bản chất dịu dàng, uyển chuyển của lụa dường như đang đồng lõa với lập trường đó của tôi” - họa sĩ Bùi Tiến Tuấn chia sẻ.
Một hơi thở nhẹ
Nghe rõ lắm “hơi thở nhẹ” trong tranh khỏa thân của Bùi Tiến Tuấn. Nghe rõ cái mỏng manh, điệu đàng, diệu vợi...; nghe cả những mộng mị, hồi hộp thanh nữ/ đàn bà… và còn hơn thế nữa. Nghe cả những táo bạo xác thân, dục tính… của đàn bà; nghe cả những thanh thoát, ẩn hiện, lôi cuốn, gần xa. Bởi vậy, tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn riêng rẽ một tài hoa đầy rung cảm mới lạ của đương thời.
Việt Nam đổi mới và người phụ nữ Việt đổi mới mãnh liệt ở mọi không gian sống. Bùi Tiến Tuấn đã thở cùng nhịp thở mãnh liệt ấy của phái đẹp, thở bằng các biến thể hội họa của mình trong hình tượng khỏa thân. Người phụ nữ trong tranh anh luôn hiện ra mới mẻ ở mọi trạng huống, không gian và thời gian.
Bùi Tiến Tuấn luôn luôn vẽ họ vượt khỏi cái thông thường của hình thể và tâm hồn, của tính cách và hành vi, những thân hình lúc thì kéo ra quá khổ, khi thì cắt xén, dồn gấp lại. Khi thì chân tay vươn dài dẫy đạp, khi thì thân thế, hình dáng bất thường. Khi thì sắc màu, xiêm y mặc sức lênh loang, kín hở cùng những “phụ kiện” thời thượng, khi thì nhặt nhạnh những cánh hoa nhỏ, những hoa văn thiên nhiên để điểm xuyết tài tình…
Thế nhưng, tất cả điều ấy được thể hiện một cách thanh thoát và thanh tao, trẻ trung và đằm thắm, bay bổng và duy mỹ. Dường như Bùi Tiến Tuấn luôn muốn dùng một hơi thở nhẹ trong thuật dưỡng sinh để nhìn đời và nhìn chính mình, không lên gân, không làm dáng.
Một tinh thần mới
Tranh lụa Việt trải qua một chặng đường dài với nhiều thành tựu, cùng nhiều tên tuổi lớn, nên hồn vía cốt cách của nó hóa ra lại là một thành quách vững chãi, thành thử “nặng nề” cho những họa sĩ vẽ lụa đương thời. Nhiều lúc tưởng như không thể khước từ, không thể vượt qua lối nghĩ, lối biểu đạt đã quá định hình, quá tiêu biểu.
Rất ít ai ở thế hệ sau hội họa Đông Dương “thoát được” cái hơi, cái khí lụa truyền thống Việt trong ngôn ngữ tạo hình. Đa số, hoặc ám ảnh về kỹ thuật chất liệu, vật liệu; hoặc ám ảnh về hòa sắc, đường nét, bố cục; hoặc ám ảnh hồn vía “khả kính” của lụa truyền thống.
Những điều trên đây dẫn đến thực trạng người vẽ lụa ngày càng ít, nên những sáng tạo thực sự mới mẻ, vượt thoát ám chiếu của tranh lụa Việt truyền thống gần như không xuất hiện nổi. Điều này làm cho tranh lụa thưa thớt dần và như bị lãng quên trên họa đàn.
- Ngắm mỹ nhân trong tranh lụa Bùi Tiến Tuấn
- Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn: Sợi chỉ đỏ dằn vặt
- Bùi Tiến Tuấn tiếp tục vẽ phụ nữ thành thị
Rồi họa đàn Việt đã xuất hiện sự khẳng định của hơi thở nhẹ, của khỏa thân Bùi Tiến Tuấn, một tinh thần mới của tranh lụa Việt đương đại. Bùi Tiến Tuấn đã bay lên và vượt thoát ngoạn mục bức tường thành kiên cố, nhưng rêu phong, ảm đạm, của tranh lụa Việt truyền thống. Vượt thoát cái truyền thống kê cao gối ngủ vùi trong ký ức kinh kỳ xa ngái. Thế giới rộng lớn đã thực sự có thêm hơi thở nhẹ của một đôi cánh bung lụa Bùi Tiến Tuấn, một hơi thở nhẹ mang nhịp thở của sự sống động, tươi trẻ của hôm nay.
Hình như chỉ riêng Bùi Tiến Tuấn “say” vẽ tranh lụa khỏa thân tới mức khỏa thân gần như là chủ đích sáng tạo của anh. Có vẻ như anh và các hình tượng phụ nữ ấy cùng là chủ thể sáng tạo. Và đó cũng là chặng đường khá dài mà Bùi Tiến Tuấn “lượn bay” với hội họa của riêng mình, bay cùng với khỏa thân và tinh thần hơi thở nhẹ.
Phan Thiết (họa sĩ)