Triển lãm 'Miền Thăng': 30 yên tĩnh để làm nên 'miền không'
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm cá nhân lần thứ 13 Miền không của Trần Nhật Thăng khai mạc lúc 18h ngày 14/4 tại Hakio Let’s Art (38 Trần Cao Vân, TP.HCM), bày 30 tác phẩm tranh khổ lớn. Mấy chục năm từ khi bước chân vào hội họa đến nay, anh chỉ theo một con đường, chung thủy một đường với hội họa trừu tượng. Một con đường khó, khó vẽ, khó xem.
Đi đường nào thì cũng là để tìm mình, để làm mình, để trở về với mình. 13 lần trưng bày cũng là 13 bước chân, chỉ có những bước chân mới làm ra con đường. Đi để thành đường. Đó là 13 thể nghiệm, 13 băn khoăn, 13 mất ngủ, 13 tìm. Nghệ thuật là tìm.
Thi ca, văn chương, âm nhạc... đều vậy. Hạnh phúc là được tìm. Nhà thơ Đặng Đình Hưng nói: “Tôi đi xa ra phố nửa giờ/ tìm một cái ao ngồi giặt áo cả ngày”. Không có con đường đến hạnh phúc. Hạnh phúc là con đường. Được sống, được làm nghệ thuật đó là hạnh phúc rồi. 13 hạnh phúc.
Triển lãm lần thứ 13 này của Trần Nhật Thăng có tên là Miền không, với 30 bức khổ lớn, acrylic trên toan, 30 yên tĩnh để làm nên miền không. Trừu tượng của Trần Nhật Thăng thiên về hội họa tối giản, nó gần với sự tĩnh lặng. Miền không là miền tĩnh lặng?
Trừu tượng là hội họa không hình, nó không biểu hình, nó đi qua cái nhìn thấy để cảm thấy, nó đi qua cái hữu hình của hiện tượng, của thị giác để cảm xúc, cảm giác, cảm nhận… để cảm. Cảm được là đã có nhau rồi.
Sự tối giản của Trần Nhật Thăng lần này là một bảng màu đơn sắc, chủ yếu là trắng đen với những biến thể sang ghi xám, trắng ngà. Thi thoảng nhấn nhá một màu gì đó, ví dụ một vệt đỏ, một miếng vàng thổ có tính chất điểm xuyết. Hoặc có những bức chỉ một tông xanh - trắng kiểu gốm Chu Đậu, gốm ký kiểu bleu de Hue... Vài ba bức Trần Nhật Thăng thếp vàng quỳ lên mặt tranh, mấy lá thôi. Vàng bạc quỳ của sơn mài truyền thống trong tranh Trần Nhật Thăng như tiếng thì thầm của thời gian vọng về, xưa cũ mà vẫn mới.
Khí quyển chung của Miền không là một kiểu bút pháp tạm gọi là bút pháp không, không vẽ. Những hình, những màu, những nhát bút hoặc bay vẽ ấy đều là nhòe, rơi rớt, loang chảy, nhỏ giọt/giọt gianh tình cờ, ngẫu nhiên, ngẫu hứng, chợt gặp, chợt đến, chợt đi, chợt vui, chợt buồn, chợt yêu. Có nhiều bâng quơ, nhiều vu vơ, nhiều kiểu đắc cái vô đắc, đạt đến cái không đạt gì, vẽ mà không vẽ gì. “Giật mình” thì “lau trắng” đã “trong tay”. Không vẽ không phải là không vẽ gì mà vẽ kiểu không vẽ. “Không” tức là “có”, luôn ở trong nhau. “Không” không phải là không có gì mà là vượt qua khái niệm “có” “không”. Tôi nghĩ về Miền không như vậy.
- Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Né Covid-19 bằng cách vẽ 150 bức tranh
- Trần Nhật Thăng và một “chuyện tử tế”
- Trần Nhật Thăng vẽ tranh cùng trẻ em ung thư
“Cả một đời về không”. Chỉ có chân không mới diệu hữu. Miền không không phải là tấm toan trắng, không vẽ gì, không nói gì. Đó là không/có, là nói mà không nói. Nói kiểu không nói, nói bằng im lặng, vẽ kiểu không vẽ, vẽ không. Miền không là miền Thăng. Chợt nhớ đến bài thơ Đề Nhị Thanh động của Nguyễn Du. “Mãn cảnh giai không hà hữu tướng”, nghĩa là mọi cảnh đều là không, là “miền không” thì làm gì còn hình tướng nữa.
Trần Nhật Thăng sinh năm 1972 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật năm 1996, một tác giả quen thuộc của công chúng yêu nghệ thuật, nhất là hội họa trừu tượng. Chúc mừng Miền không của Trần Nhật Thăng và trân trọng giới thiệu với các bạn.
Lê Thiết Cương