Triển lãm điêu khắc 'Sài Gòn - Hà Nội' lần 5: Thú vị, dù không 'mười phân vẹn mười'
(Thethaovanhoa.vn) - Quy tụ 26 nhà điêu khắc của Việt Nam, triển lãm điêu khắc Sài Gòn - Hà Nội lần 5 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97 Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM) từ ngày 25/12/2018 đến ngày 1/1/2019. Đây là sự kiện được tổ chức 2 năm một lần và có vai trò khá quan trọng trong đời sống mĩ thuật.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của họa sĩ - nhà phê bình Nguyễn Quân về triển lãm này.
1. Nếu triển lãm Không gian mới năm 1999 chỉ như cánh cửa mở ra để người ta khẳng định sự hiện diện đầy đủ của điêu khắc hiện đại ở Việt Nam, thì sau đó 10 năm, các triển lãm điêu khắc lưỡng niên Sài Gòn - Hà Nội chính là các không gian mới đầy hấp dẫn. Nó nâng cấp, mở rộng và làm mới liên tục bởi đông đảo các tác giả trẻ từ hai trung tâm nghệ thuật này.
Từ sáng kiến và sự điều phối của Đào Châu Hải và Bùi Hải Sơn, kết nối sáng tạo của hai lớp nghệ sĩ trẻ hơn, triển lãm lưỡng niên (biennale) này đã khẳng định vị thế và sức sống của điêu khắc đương đại, vốn non trẻ.
Không hiếm các triển lãm, trại sáng tác hội họa, đồ họa, nghệ thuật đương đại… cùng ý tưởng và mục tiêu kết nối lan tỏa sức sáng tạo nghệ thuật của hai đầu đất nước như là trục xoay trung tâm của nghệ thuật toàn quốc. Nhưng có lẽ chỉ triển lãm này là thành công, vì được duy trì đều đặn, giữ được chất lượng nghệ thuật chọn lọc luôn thuộc hàng “top”, mà vẫn phần nào bao quát được toàn cảnh và giới thiệu được những cái mới.
Lần thứ 5 này giới thiệu tác phẩm mới của 26 tác giả - 11 từ Sài Gòn, 15 từ Hà Nội. Các chất liệu khá phong phú, nhưng kim loại (nhôm-đồng-sắt-inox) lấn át, tới mức ta có thể ngờ là một triển lãm chuyên đề chất liệu thời thượng này. Các chất liệu gỗ, đá truyền thống hoặc tổng hợp đương đại khiêm nhường hơn.
Khuynh hướng ưa chuộng kim loại dường như hướng vào đời sống đô thị hào nhoáng và “máy móc”, vào sự hội nhập với điêu khắc quốc tế. Các tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền, Hoàng Tường Minh, Trần Việt Hưng, Bùi Hải Sơn, Lê Lạng Lương, Thái Nhật Minh… nhất quán và điệu nghệ trên cơ sở phong cách đã rõ nét, định hình.
Trong khi đó, Vũ Bình Minh, Lê Anh Vũ, Trần Việt Hà, Trần Văn An, Lương Văn Trịnh, Hoàng Mai Thiệp, Đinh Duy Tôn, Phạm Bảo Sơn… là những luyến láy đột biến thú vị. Bên cạnh hình khối gỗ trau chuốt của Lê Lang Biên, hoặc trang trí - biểu cảm mạnh của Trần Mai Hữu Quý, là các bố cục kết hợp các chất liệu khác nhau, tế nhị, dịu dàng của Nguyễn Thị Kim Liên, Vũ Ngọc Lâm.
Trong khi Đặng Đức Thành, Vũ Quang hoặc Phan Phương ve vuốt các khối và mặt phẳng duy mỹ, thì Nguyễn Hoài Huyền Vũ trưng ra các nhân vật đô thị như biểu tượng lỳ lợm; Phạm Thái Bình, Kù Kao Khải dí dỏm, khiêu khích; còn Phạm Đình Tiến, Đỗ Hà Hoài trầm tư, vật vã và tung tẩy.
2. Cái quý nhất, sức sống mạnh của triển lãm lưỡng niên này, là sự phong phú những khác biệt của mỗi cá nhân. Không cần mỗi vị mười phân vẹn mười, nhưng không ai giống ai. Trong tình cảnh hòa trộn (remix), làm lại (remake), phục dựng (recover), tương tự, tương đương… đã thấy quen quá quen mắt, tràn lan trong mỹ thuật, dưới bánh xe toàn cầu hóa, thì sự khác biệt cá nhân, ít nhất là khi đứng cạnh nhau, lại càng quý hiếm.
Hai điều đáng tiếc là tác phẩm tự phải giới hạn ở kích cỡ vừa và nhỏ, trong khi với khá nhiều bố cục, nếu có vóc dáng lớn hơn thì tác động thẩm mỹ cũng sẽ lớn hơn. Dù rằng tác phẩm điêu khắc đương đại luôn tìm cách ứng biến để thích nghi với các không gian khác nhau, thì không gian trong nhà vẫn là sự tù túng đối với khá nhiều tác phẩm ở đây.
Nếu như có sự tài trợ về tài chính và địa điểm, cho phép tác phẩm cỡ lớn xâm lấn vào không gian sinh hoạt đô thị (chẳng hạn phố đi bộ Nguyễn Huệ, hoặc đường Trường Sa, Hoàng Sa bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) thì ta có thể sẽ vươn tới tầm một biennale đạt chuẩn, với hiệu ứng văn hóa được nhân lên gấp mấy lần.
Nguyễn Quân