Triển lãm của Lý Trực Sơn, Đào Châu Hải: Một ngày suy tưởng
Trừu tượng 2 (Lý Trực Sơn, màu tự nhiên trên giấy dó, 2010) |
Đây là hai người luôn muốn sống trong đời sống hoàn toàn là nghệ thuật, không phải là cái gì khác, tự họ cũng khắt khe với đồng nghiệp, nghề nghiệp, nhất là với một nền nghệ thuật còn hoạt động rất nghiệp dư, đơn lẻ, thiếu sự liên kết giữa các nghệ thuật và quan hệ mật thiết giữa nghệ sĩ các ngành khác nhau. Cái mâu thuẫn giữa hoàn cảnh sống và nhu cầu sáng tác thực ra đã được giải quyết, ai cũng đủ phương tiện hành nghề, có xưởng vẽ, không quá lo lắng đến cơm áo gạo tiền, nhưng hình như chẳng ai thấy thế là đủ, ai thấy đủ thì mãn nguyện tự dừng nghệ thuật của mình. Nghệ thuật Việt Nam có đủ năng lực để đạt những đỉnh cao, nhưng đối với trường nghệ thuật quốc tế, nó dừng lại ở mức độ phản ảnh đời sống văn hóa. Khi thời điểm giao lưu bắt đầu bằng văn hóa qua đi, nghệ thuật không đẩy sâu được vào thị trường lớn, rồi tự lụi tàn trong rất nhiều quan hệ quốc tế đã có cơ sở tốt đẹp.
Người ta trông chờ ở hai ông không chỉ đứng ở nơi cái mới hình thành, đồng tình với nó, và nếu có thể thì là những người dẫn dắt thế hệ trẻ. Hai mươi năm trước, khi Nguyễn Trung mới ngoài 50 và mới phát triển hội họa trừu tượng, ông than với tôi rằng: Đáng nhẽ ở lứa tuổi 50, 60 người ta phải là những người đi đầu trong các trường phái mới (như ở phương Tây), thì ở ta lại là những người phản đối cái mới và thế hệ trẻ.
Các ngôn ngữ trừu tượng, rồi sắp đặt, trình diễn... ban đầu đều gặp khó khăn để được chấp nhận, rồi sau đó cũng nhanh chóng hòa nhập vào đời sống nghệ thuật chung, nhưng lớp bảo thủ vẫn nguyên như thế, được bổ sung thêm bởi những người già mới và những người trẻ nhưng chóng già nua. Khi sự quản lý nghệ thuật trở nên lỏng lẻo so với thời bao cấp, sự tự chịu trách nhiệm tăng lên, những thế hệ sinh năm 1980, 1990, và không bao lâu nữa là thế hệ sinh năm 2000, tự hình thành một không gian nghệ thuật mới, chỉ có thể gọi là nghệ thuật thị giác, chứ ranh giới giữa các ngôn ngữ và chất liệu không quan trọng nữa.
2. Đào Châu Hải đã thành công với những nhóm điêu khắc trẻ của ông, liên tục bày triển lãm 5 năm gần đây. Họ thoát hẳn ra khỏi ngôn ngữ tả thực, chất liệu đơn thuần, không gian tượng tròn và hình thể con người đơn thuần. Những điều đó chưa được ly khai nhưng không còn chi phối nữa. Tức là điêu khắc với quan niệm truyền thống, dù là truyền thống cổ điển phương Tây hay truyền thống Á Đông cũng hết khả năng về ngôn ngữ so với nhu cầu và quan niệm về điêu khắc đương đại, tính đến cả Henry More và Brancusi. Điêu khắc đương đại Việt Nam đi sau một nhịp so với hội họa, nhưng nó lại tiến đến bản chất nghệ thuật gần hơn, và không bị (hay không được) thương mại hóa.
Đào Châu Hải đóng góp tích cực cho công việc này, và luôn dẫn đầu bởi sáng tác bất ngờ, chẳng hạn như bức tượng - cái nhà - đường hầm sóng ở Đồ Sơn. Rồi những tác phẩm Đe sắt lớn, những bức tượng Tứ pháp chất liệu tổng hợp. Trong sáng tác, Đào Châu Hải là con người ngông nghênh, chơi sang, thích sự đồ sộ và ấn tượng mạnh. Những bức tượng lấy cảm hứng từ sóng biển và cuộc sống ở Trường Sa lần này cũng nằm trong cái tính cách đó. Chúng không phải là ẩn dụ nghệ thuật, mà là sự phô diễn cái cảm giác vừa sâu vừa mạnh, vừa trắng trợn, không quan tâm đến thẩm mỹ là gì.
3. Lý Trực Sơn vẫn là một họa sĩ nề nếp, bước thong thả và ngạo mạn trong lòng. Sơn mài là cơ sở cho thành công của ông, khi ông có thể tự hào là người nắm được những bí quyết chính yếu nhất của hội họa sơn mài. Phần còn lại phó mặc cho số phận thôi.
Khi ông sang Tây, có nữ họa sĩ cho ông tất cả các đồ vẽ sang trọng, mua từ các cửa hàng dành cho nghệ sĩ chuyên nghiệp, rồi cô nọ đi tìm những màu sắc trong cây cỏ đất đá. Lý Trực Sơn sau này mới hiểu được đó là sự vứt đi các phương tiện thiếu tự nhiên với nghệ thuật, mà quay lại với con đường xưa cũ nhưng biểu cảm tốt nhất cái con người nguyên sơ. Ông chế màu từ đất đá, cây cỏ, miễn là có thể, cái đó thì đầy rẫy trong một khu vườn ngoại ô, tuy màu sắc của chúng là vô định không hề theo ta, không đủ bảng màu, nhưng phong phú theo kiểu tự nhiên của chúng.
Cảm giác về bề mặt màu của tấm sơn mài, cũng theo ông vào việc dùng màu nước chiết xuất từ cây cỏ tự nhiên, ngay cả sự tương đồng giữa trừu tượng vẽ trên giấy dó và trừu tượng sơn mài. Người vẽ không sợ hỏng, không lo mình vẽ gì, không nghĩ đến ai xem, ai đánh giá, không cần giá trị, không mới cũng không cũ... đó chỉ là mình tự biết như vậy, tự là như vậy.
Tôi cũng không làm cái việc đánh giá hai ông vào mức độ nào. Tôi thấy họ sống với nghệ thuật như người có đạo sống có đời sống tôn giáo thường nhật. Họ có thể có những tác phẩm hay hoặc dở, ta thích hay không thích, nhưng chắc chắn đó là hai người nặng lòng với nhân thế, cũng được quy định bởi cái khuôn mẫu văn hóa Việt, và cách này hay cách khác muốn thoát khỏi nó, hoặc làm ra cái khác.