Triển khai giải pháp bảo vệ môi trường bền vững vì một Thủ Đô Hà Nội xanh sạch đẹp
(Thethaovanhoa.vn) - Trước những vấn đề "nóng" về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang xảy ra những năm gần đây tại Việt Nam, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai các chương trình hành động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính, trong đó có việc thực hiện Dự án "Cam kết thành phố tham vọng".
Dự án này được thực hiện từ tháng 7/2017 bởi ICLEI (Tổ chức các chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) phối hợp cùng với các cấp, ngành và người dân Thủ đô hướng đến giảm phát thải ô nhiễm.
Theo ICLEI, từ nay đến cuối năm 2020, tại Hà Nội sẽ triển khai hai dự án thí điểm tại Trung tâm Thể thao văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, gồm: Dự án sân chơi tái chế và dự án hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.
Trung tâm Thể thao và văn hóa phường Nghĩa Tân đang có một nhà văn hóa được xây dựng từ năm 2004 và một sân chơi cho trẻ em được đầu tư năm 2016 với tổng diện tích khoảng 1.000 m2. Đây là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của công dân phường Nghĩa Tân và một số sự kiện của quận Cầu Giấy. Để phục vụ cho nhà văn hóa và sân chơi, hàng tháng, phường Nghĩa Tân phải chi trả gần 6 triệu đồng (tương đương khoảng 2.200 số điện). Thêm vào đó, những thiết bị hiện tại của sân chơi được làm bằng vật liệu phổ thông và chưa được sắp xếp mang tính giáo dục trẻ em về việc hành động bảo vệ môi trường, giảm phát thải.
Qua nghiên cứu và khảo sát của ICLEI, đây là nơi có không gian rộng rãi, không bị che lấp bởi những tòa nhà cao tầng xung quanh nên sẽ thuận tiện cho việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái (công suất dự kiến 20.000 kwp) cung cấp điện cho nhà văn hóa; đồng thời bổ sung thêm các thiết bị phục vụ cho hoạt động vui chơi và giáo dục trẻ nhỏ trong việc bảo vệ môi trường được xây dựng bằng các vật liệu tái chế như: Vườn cộng đồng, khu không gian tĩnh, hệ thống biển chỉ dẫn...
Dự án đi vào hoạt động không chỉ góp phần cải thiện cơ sở vật chất, tạo không gian sinh hoạt chung bổ ích cho người dân mà còn giúp người dân có những trải nghiệm mới với những hoạt động thân thiện với môi trường, hình thành thói quen sử dụng vật liệu tái chế, theo dõi chỉ số không khí hàng ngày, sử dụng năng lượng điện sạch. Đặc biệt, đây sẽ là một không gian giáo dục tốt cho trẻ em trong việc bảo vệ môi trường.
Là địa phương tham gia Dự án "Cam kết thành phố tham vọng", năm 2020, Hà Nội tiếp tục xây dựng và cập nhật Kế hoạch lần thứ 3 với mục tiêu chung là đưa ra giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong từng giai đoạn. Đây không phải là những hoạt động được thực hiện riêng của chính quyền thành phố mà là sự cam kết, chung tay của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân với 5 nhóm ưu tiên gồm vấn đề quản lý chất lượng không khí, quản lý chất thải, năng lượng, quy hoạch đô thị, lối sống xanh hay tiêu dùng bền vững.
Cùng với kết quả đã đạt được, Hà Nội tiếp tục cam kết thực hiện đồng bộ các giải pháp về bảo vệ môi trường, rà soát các quy hoạch phát triển có tính tới yếu tố thích nghi với biến đổi khí hậu, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường và tập trung triển khai giải pháp bảo vệ môi trường bền vững hướng tới thành phố cacbon thấp.
- Marko Nikolic Nhà văn người Serbia: Có một Hà Nội trong 'Phố Nhà Thờ'
- Nhà văn Trung Sỹ: Luôn có một Hà Nội cũ trong lòng Hà Nội mới
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, thành phố đã đầu tư mạng lưới quan trắc để cung cấp cho người dân chỉ số chất lượng không khí kịp thời, liên tục. Từ đó, người dân có được cách tự bảo vệ sức khỏe bản thân; đồng thời giúp những nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra những quy định phù hợp trong việc cải thiện chất lượng không khí.
Hiện toàn thành phố đã lắp đặt 50 trạm cảm biến trong nhà tại các trường học, một số văn phòng...; thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Cơ quan Phát triển Đức tiến hành lắp đặt tại quận Hoàn Kiếm thêm 20 trạm cảm biến nữa để trung tâm Thủ đô sẽ có một mạng lưới toàn diện về không khí.
Về quản lý chất thải, thành phố đã quản lý tốt những phụ phẩm, chất thải từ hoạt động nông nghiệp; xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa; quản lý tuần hoàn rác là mục tiêu hướng tới của thành phố. Trong đó, với các sản phẩm, phụ phẩm từ nông nghiệp, sáng kiến "hạn chế đốt rơm, rạ" để tiến tới chấm dứt tình trạng này vào cuối năm 2020 được ủng hộ và đánh giá cao. Cùng với các nhà khoa học, thành phố nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, trong đó có việc sử dụng các chế phẩm vi sinh rắc trực tiếp vào rơm, rạ sau vụ mùa và bón trở lại đất để không phát sinh ra loại rác thải nào khác; sử dụng những phụ phẩm rơm rạ phục vụ làm nấm rơm hoặc thực phẩm cho gia súc, gia cầm...
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát và đưa ra giải pháp phù hợp để các địa phương xây dựng các kế hoạch hoạt động về phát triển năng lượng tái tạo, đánh giá những mô hình thí điểm hiệu quả, từ đó nhân rộng ra các địa phương. Một trong những chương trình mà thành phố hướng đến là mỗi người dân khi sử dụng tấm năng lượng mặt trời sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng - mức giá ưu đãi nhất với sự cam kết của doanh nghiệp và chính quyền.
Minh Nghĩa