Trên những nẻo đường hoa Hải Hậu
(Thethaovanhoa.vn) - Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về Hải Hậu là những con đường hoa. Hệ thống đường bê tông chạy qua các làng mạc của vùng biển này là kết quả nhiều năm xây dựng của chính quyền và người dân địa phương.
- Về Cầu ngói Thanh Toàn thưởng thức sản vật dân dã xứ Huế
- Cầu Ngói chợ Thượng đón nhận di tích quốc gia: Một "chùa Cầu" của Bắc Bộ
Thời gian gần đây, người ta đã trồng hoa dọc hai bên đường, tạo nên một vẻ đẹp khác lạ. Một tín hiệu đẹp về văn hoá. Không chỉ lo xây dựng, đánh cá, trồng lúa..., con người Hải Hậu đã nghĩ đến cái đẹp, làm đẹp cho cuộc sống theo cách rất riêng của mình!
Chúng tôi dừng xe cách không xa Cầu Ngói-Chùa Lương, một di tích văn hoá lịch sử nổi tiếng của Hải Hậu. Con đường dẫn đến khu di tích này trồng hoa rất đẹp.
Đường bê tông rộng chạy dọc bờ sông. Bên đường, những luống hoa mười giờ nở đỏ rực vào một ngày nắng. Người xe qua lại tấp nập. Một khung cảnh đẹp của miền quê trong buổi sáng thanh bình.
Điều thú vị là con đường hoa đó dẫn đến Cầu Ngói. Một vẻ đẹp do con người hôm nay tạo ra bên một di tích văn hoá do tiền nhân dựng nên trên mảnh đất này đã mấy trăm năm.Cầu Ngói liền bên chùa Lương thành một cụm di tích, nằm trên đường dẫn vào chùa được xây dựng từ thời Lê, khoảng đầu thế kỷ 16.
Cùng với chùa cầu Hội An và cầu ngói Thanh Toàn (Huế), cầu Ngói chùa Lương là một trong ba cây cầu đẹp nhất của loại công trình này còn lại ở nước ta. Cầu có 9 gian gỗ lim bắc trên hai hàng cột đá to đẹp, bố cục chặt chẽ, kỹ thuật chạm gỗ mang đậm nét kiến trúc cổ truyền ; cong mềm mại, như dáng rồng bay lên.
Cầu Ngói - chùa Lương cũng như các di tích khác là sản phẩm tài hoa của con người thuộc những thế hệ đã góp phần khai phá và mở mang miền đất Hải Hậu này, như lời một câu ca dao:
Quần Anh nổi tiếng từ xưa
Bến đình Phong Lạc, bia chùa Phúc Lâm
Khách về khách vẫn hỏi thăm
Nước chè Cầu Ngói, tơ tằm chợ Lương
Quần Anh là địa danh khởi đầu cho sự ra đời của vùng Hải Hậu, khi hơn 5 thế kỳ trước, cụ tổ các dòng họ Trần, Vũ, Hoàng, Phạm là những người đầu tiên khai phá miền đất ven biển này, sau đó 9 dòng họ khác cùng về đây quai đê, lấn biển mở đất. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhiều thế hệ cháu con đã nối tiếp bước cha ông, xây dựng Hải Hậu thành một vùng đất trù phú, giàu đẹp, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Huyện đã được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, là huyện sớm đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và là điểm sáng về các phong trào xây dựng đời sống văn hoá. Năm 2016 Hải Hậu có mức tăng trưởng kinh tế khoảng 8% với thu nhập bình quân đầu người gần 35 triệu đồng. Riêng hai con số trên cũng đã nói lên nhiều điều về sức vươn lên của vùng đất này.
Chúng tôi đã đi trên những con đường hoa ở Hải Hậu và cảm nhận được sức vươn lên ấy trong cuộc sống hôm nay của miền biển này. Tôi đã từng về Hải Hậu những năm còn chiến tranh và cả những năm khó khăn trước Đổi Mới nên càng thấy rõ hơn những thay đổi ở đây. Nhiều công trình, nhiều khu nhà mới dọc theo những con đường lớn nối tất cả các xã trong huyện. Làng xóm, ruộng đồng trù phú.
Thị Trấn Yên Định khang trang. Đền thờ liệt sĩ với tháp cao trang trọng. Nhiều trụ sở, nhiều khu dân cư mới. Liền bên đó là nhà thờ của giáo xứ Quần Phương, gắn bó với vùng đất này, vẫn mang nét đẹp cổ kính.
Đồng muối Văn Lý, khu chợ Cồn, những địa danh thân thuộc. Những cánh đồng gạo tám thơm nổi tiếng. Khu nghỉ mát Thịnh Long với những khách sạn nhỏ, nhà nghỉ yên tĩnh bên bờ biển, một địa chỉ du lịch đang hấp dẫn du khách Hà Nội và nhiều nơi khác.
Một nét đặc trưng của Hải Hậu là những nhà thờ bên bờ biển, nơi đạo Thiên Chúa vào vùng này từ nhiều thế kỷ trước. Những nhà thờ đẹp, với nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, có sự hài hoà với phong cảnh làng xóm, bên cạnh những ngôi chùa ở đây.
Chúng tôi đã có dịp đến thăm nhà thờ Xương Điền, một công trình đẹp với nét kiến trúc mang dáng một ngôi chùa với kết cấu mái ngói, khung trần làm từ gỗ, được coi là một trong 10 nhà thờ đẹp nhất của Nam Định.
Sự kết hợp giữa hai phong cách Âu Á làm công trình này trở nên gần gũi và là minh chứng cho bàn tay tài hoa của những người thợ Việt. Điều đáng băn khoăn là nhà thờ này đang được chuẩn bị để xây dựng lại vì nghe nói giáo dân ở đây muốn có một nhà thờ to hơn. Một công trình kiến trúc cổ, độc đáo đang đứng trước một nguy cơ!
Chúng tôi cũng đã tới thăm nhà thờ đổ Hải Lý, một địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Hải Hậu. Nhà thờ này được xây dựng trước năm 1945, do quá trình xâm thực mà bỏ hoang, đổ nát, nằm ngay bên mép biển.
Nhưng cũng chính vì vậy mà nhà thờ đổ này lại mang một dấu ấn riêng, một vẻ đẹp độc đáo, góp phần vào những cảnh sắc phong phú của cuộc sống và con người Hải Hậu, cuốn hút du khách gần xa!
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng