“Trên 27 tuổi thì tốt nhất không nên nhảy việc”: Thị trường lao động quá cạnh tranh, Gen Y đã bị cho là già để tuyển dụng?
Phân biệt tuổi tác là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia, nhưng không phải ở Trung Quốc, nơi đang phải vật lộn để đối phó với dân số già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp.
Người trẻ tuổi được các nhà tuyển dụng yêu thích và được ưu tiên không phải là bí mật ở Trung Quốc. Nhưng sự phản đối kịch liệt của thế hệ cuối Gen Y với sự phân biệt đối xử này đang lên đến đỉnh điểm khi tình hình kinh tế, thị trường lao động đang trở nên tồi tệ hơn.
Với nhiều công ty vẫn đang phải vật lộn để tồn tại trong bối cảnh hậu đại dịch của Trung Quốc, ngay cả những người 27 tuổi cũng có thể được coi là những “ứng viên rủi ro” và những người trên 30 tuổi thì mặc định bị loại từ vòng gửi hồ sơ.
27 tuổi đã bị coi là già
Một công ty dịch vụ ô tô ở tỉnh Tứ Xuyên đã đăng tinh tuyển dụng vô cùng rõ ràng: “Độ tuổi trung bình nên dưới 30 tuổi”. Những người lao động ở độ tuổi 30 đã bị “bỏ lại” ở Trung Quốc, sớm hơn nhiều so với quốc tế khi độ tuổi trung bình không còn được nhà tuyển dụng chào đón là 35. Quan niệm phân biệt tuổi tác này đã tồn tại ở lâu. Nhưng giờ đây, ngay cả những người trẻ nhất trong lứa Gen Y cũng nói rằng họ đang phải đối mặt với những trở ngại liên quan đến tuổi tác trên con đường sự nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ lực lượng lao động ngày càng đông từ những sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Và để làm cho vấn đề tồi tệ hơn, các công ty – bị lao đao vì 3 năm đại dịch – đang tìm cách giảm chi phí lao động tối đa có thể.
Cô Yang, 31 tuổi sống ở Thượng Hải cho biết hầu như không nhận được phản hồi nào từ hơn 100 công ty mà mình đã nộp đơn xin việc từ tháng trước. Với bằng thạc sĩ khoa học xã hội, Yang đang tìm kiếm công việc trong ngành internet.
Từ chối cung cấp tên đầy đủ vì sợ rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm việc của cô hơn nữa, Yang cho biết một số công ty đang yêu cầu thẳng thắn ứng viên phải dưới 30 tuổi và một số nơi thậm chí con số đó đã giảm xuống còn 27.
Đây gần như là độ tuổi của những người thuộc thế hệ Y trẻ nhất. Trong một hoặc hai năm tới, những thành viên lớn tuổi của Gen Z có thể cũng tiếp tục trở thành “quá già” và ngày càng ít cơ hội trên thị trường lao động.
Yang cũng cho biết thêm nhiều công ty yêu cầu cả bằng sau đại học và ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc, khiến cho những người có thể đáp ứng cả điều kiện tuổi tác cũng vô cùng khó khăn: “Điều này có nghĩa là tôi sẽ phải làm việc trong ngành liên quan của mình ngay sau khi tốt nghiệp, nếu không tôi có thể mất tấm vé vào nghề của mình”, cô than thở. “Tôi đã 27 tuổi khi tốt nghiệp thạc sĩ và mới làm việc được ba năm. Chỉ cần một quãng thời gian đi chệch đường nhỏ, tôi có thể vĩnh viễn mất cơ hội theo đuổi con đường sự nghiệp của mình”.
“Các công ty không phải là tổ chức từ thiện”
Trong xã hội Trung Quốc lúc này, phụ nữ vẫn được kỳ vọng sẽ là người chăm sóc gia đình. Do đó, phụ nữ đã ngoài 30 tuổi thường được hỏi trong các cuộc phỏng vấn xin việc làm thế nào để họ có thể cân bằng giữa công việc và gia đình – những câu hỏi mà Yang cho biết cô tin rằng các ứng viên nam ít được hỏi hơn. Cô nói: “Có một niềm tin phổ biến rằng phụ nữ sau 30 tuổi sẽ trở về chăm sóc gia đình, vì vậy quyết định thay đổi công việc phải được cân nhắc cẩn thận".
Su Zhe, 28 tuổi, đã làm công việc “săn đầu người” ở Thượng Hải hơn 3 năm. Anh cho biết xu hướng phân biệt tuổi tác ngày càng phổ biến là một hướng đi rõ ràng mà các công ty đang lựa chọn để thực hiện trong thời kỳ kinh tế bất ổn. “Sau ba năm xảy ra đại dịch, nhiều công ty đứng trước nguy cơ đóng cửa. Các công ty không phải là tổ chức từ thiện. Họ phải nghĩ đến sự sống còn của chính họ trước”, Su nhận định.
Anh giải thích rằng nhiều công ty thích những sinh viên tốt nghiệp trẻ tuổi và tràn đầy năng lượng vì họ vừa nhận lương thấp hơn mà lại có tuổi thọ nghề nghiệp dài hơn phía trước so với những ứng viên lớn tuổi mong muốn được trả lương cao hơn. Những nhân sự này cũng ít có xu hướng phấn đấu, nỗ lực trong công việc hơn vì họ còn cần thời gian và tâm sức cân bằng giữa công việc và gia đình, yêu cầu nghỉ phép khi có con. Vì vậy, người trên 27 tuổi đã được khuyến khích không nên nhảy việc vì tìm việc làm mới quá khó khăn và cạnh tranh, nếu bạn không tự tin với trình độ của mình hay làm vị trí cấp cao.
Theo một báo cáo được công bố vào tháng 6 bởi nhà cung cấp nguồn nhân lực và tìm kiếm việc làm Trung Quốc 51job.com, số lượng công việc yêu cầu hơn 10 năm kinh nghiệm chỉ chiếm 10,5% tổng số tin đăng trên trang web, trong khi số lượng công việc yêu cầu 1-3 năm hoặc 3-5 năm kinh nghiệm chiếm hơn 60%.
Trong số những nhân viên trên 35 tuổi được khảo sát, hơn 60% ở các vị trí không thuộc cấp quản lý. Những người được thăng chức sau khi bước sang tuổi 35 chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp cao cấp bao gồm trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, chip và chất bán dẫn.
Mao Yufei, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc cho biết: “Những người trẻ tuổi giữ mức lương thấp hơn do họ thiếu kinh nghiệm. Giới trẻ được coi là sáng tạo hơn, hầu hết trong số họ chưa lập gia đình và có thể sẵn sàng thích nghi với lượng công việc cường độ cao, nhịp độ nhanh nhất định vì mong muốn theo đuổi sự nghiệp”.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc phục hồi sau thời kỳ suy thoái do đại dịch gây ra, Mao nói rằng sự phân biệt tuổi tác trong việc làm có thể giảm bớt phần nào với việc thị trường mở ra nhiều việc làm hơn cho những người lao động có kinh nghiệm trên 30 tuổi. Và Mao kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ và một số ngành sản xuất sẽ dẫn đầu trong lần phục hồi này.
“Chính phủ cũng cần đưa ra các chính sách việc làm mạnh mẽ hơn, tăng khả năng tiếp cận thông tin việc làm của những người tìm việc lớn tuổi, điều chỉnh các yêu cầu tuyển dụng của các công ty trên thị trường lao động và tận dụng khả năng thu hút lao động của nền kinh tế nền tảng. Chúng ta cần tăng cường nhận thức về luật lao động và khuyến khích những người tìm việc bảo vệ quyền làm việc của họ thông qua các biện pháp pháp lý khi họ bị phân biệt tuổi tác”, Mao nói.
Phân biệt tuổi tác là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia, nhưng không phải ở Trung Quốc, nơi đang phải vật lộn để đối phó với dân số già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp. Theo một báo cáo thường niên về phát triển việc làm do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố vào tháng 11, những thay đổi về nhân khẩu học đã làm tăng chi phí của thị trường lao động Trung Quốc.
Nguồn: SCMP