Trẻ sinh bằng phương pháp mổ có nguy cơ phát triển bệnh béo phì và tim mạch
Trẻ sinh bằng phương pháp mổ lấy thai có nguy cơ cao phát triển các bệnh về tim mạch và béo phì giai đoạn nhỏ tuổi. Đây là kết luận từ một nghiên cứu mới do các nhà khoa học Australia thực hiện và công bố trên tạp chí trực tuyến Sức khỏe công cộng của Australia và New Zealand, số ra ngày 24/8.
Để có được kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá y bạ của 10.000 trẻ em và gia đình. Sau thời gian phân tích, Tiến sĩ Yaqoot Fatima thuộc Đại học James Cook (JCU) và Tiến sĩ Tahmina Begum thuộc Đại học Queensland (UQ) phát hiện nhóm trẻ sinh bằng phương pháp mổ lấy thai gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì, huyết áp.
Giải thích về nguyên nhân, bác sĩ sản khoa Begum cho biết trẻ sinh bằng phương pháp mổ lấy thai không nhận được lợi ích của một số hệ vi sinh vật giống như trẻ sinh theo phương pháp sinh thường. Bác sĩ Begum cho rằng quá trình sinh nở thay đổi làm biến đổi hệ sinh thái và giải phóng một số độc tố gây bệnh tổn thương quá trình trao đổi chất ở trẻ.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đề cập đến yếu tố có khả năng tác động đến thể trạng của thai nhi trong quá trình được sinh ra như tình trạng căng thẳng phát sinh do quá trình chuyển dạ.
Các nhà khoa học cảnh báo vấn đề trên có thể gia tăng do số trẻ được sinh bằng phương pháp mổ lấy thai đang ngày càng phổ biến ở những nước phát triển khi mà việc mổ lấy thai không đơn thuần do các biến chứng liên quan đén sức khỏe và mẹ và con, mà là do cha, mẹ muốn chọn thời điểm sinh.
Tại Australia, tỷ lệ trẻ sinh bằng phương pháp mổ lấy thai trong năm 2019 đã tăng gấp đôi so với con số 18,5% được ghi nhận vào năm 1990. Xu hướng này đang tiếp tục gia tăng, và dự báo tỷ lệ sẽ lên tới 50% tổng số ca sinh trên toàn quốc vào năm 2045.
Với nghiên cứu này, các nhà khoa học hy vọng có thể cung cấp những hiểu biết hữu ích cho các chính sách chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả việc giảm tỷ lệ các ca mổ lấy thai không cần thiết.
Lan Phương/TTXVN