Trao giải thưởng Văn nghệ Dân gian và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức Lễ mừng thọ các hội viên cao tuổi, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian, trao Giải thưởng Văn nghệ Dân gian năm 2020.
Theo Ban Tổ chức, năm 2020, Hội Văn nghệ Dân gian nhận được 70 công trình dự giải (ít hơn 7 công trình so với năm 2019). Trong đó, lĩnh vực Ngữ văn và Lý luận văn hóa dân gian có 25 công trình. Lĩnh vực Phong tục tập quán, lễ hội, địa chỉ văn hóa dân gian có 27 công trình. Lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn dân gian 7 công trình. Lĩnh vực Nghệ thuật tạo hình và kiến trúc dân gian 6 công trình. Lĩnh vực Văn hóa ẩm thực, Nghề cổ truyền và Tri thức dân gian 5 công trình.
Hội đồng giải thưởng đã thảo luận, đánh giá và trao hai giải Nhì A, mỗi giải trị giá 25 triệu đồng cho hai tác phẩm văn nghệ dân gian xuất sắc. Đó là tác phẩm: “Sự tương đồng và khác biệt trong âm nhạc dân gian các tộc người Thái, Lào ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào của tác giả Lê Văn Toàn (chủ biên) và các cộng sự Kiều Trung Sơn, Boun Theng Souksavatd, Đỗ Thị Thanh Nhàn, Hà Văn Đức, Nguyễn Minh Cường; tác phẩm “Văn hóa - Nghệ thuật Chùa Việt - Vài nét cơ bản” của tác giả Trần Lâm Biền (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
- 42 công trình, tác phẩm được vinh danh tại Giải thưởng Văn nghệ dân gian 2018
- Giáo sư Tô Ngọc Thanh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian nhiệm kỳ 2015-2020
Bên cạnh đó, Hội đồng giải thưởng còn trao 6 giải Nhì B, 16 giải 3A, 19 giải 3B, 7 giải Khuyến khích và 4 tặng phẩm cho các tác phẩm văn nghệ dân gian xuất sắc.
Đánh giá về chất lượng Giải thưởng Văn nghệ Dân gian năm 2020, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam ghi nhận, so với những năm trước, mùa giải năm nay có nhiều công trình chuyên sâu về lĩnh vực ít có chuyên gia. Trong đó, “Văn hóa - Nghệ thuật Chùa Việt - Vài nét cơ bản” của tác giả Trần Lâm Biền là một trong số những công trình chuyên sâu như thế. Tác giả đã chỉ ra được những đặc điểm cụ thể của chùa Việt cổ. Công trình này không chỉ có giá trị về lý luận mà sẽ góp phần hạn chế tình trạng tu bổ thiếu cơ sở, thiếu hiểu biết làm hỏng giá trị văn hóa độc đáo của chùa chiền nước ta như thời gian qua...
Một công trình khác đoạt giải cao lần này khi nghiên cứu một lĩnh vực chuyên sâu là so sánh âm nhạc dân gian các tộc người Thái, Lào ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào. Nhiều công trình đã đi sâu vào những chuyên ngành cụ thể như "Luật tục Bahnar"; "Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái"; "Văn hóa dân gian Cơ Tu - Truyền thống, biến đổi và năng lực thích ứng"; "Tượng gỗ Tây Nguyên"; "Dèng, hoa văn dèng và biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi"; "Lời nói vần Bahnar ở Kon Tum"...
Những công trình đạt giải cao năm nay phân bố đều ở cả hai mảng sưu tầm và nghiên cứu. Điểm đặc biệt là đi vào những lĩnh vực chuyên sâu và tập trung nhiều ở văn hóa các dân tộc ít người, nhất là ở phía Nam. Mùa giải năm nay đã xuất hiện những công trình viết về văn hóa dân gian một tộc người, đây là tín hiệu đáng mừng và cần tiếp tục phát huy. Một điều đáng ghi nhận nữa trong mùa giải năm nay là các công trình nghiên cứu có tính lý luận đã tăng đáng kể, Ban Chấp hành Hội khóa VIII ủng hộ và khuyến khích các nhà khoa học tập trung nghiên cứu chuyên sâu cũng như nghiên cứu tổng hợp văn hóa truyền thống của tộc người, của các dân tộc trong 54 dân tộc Việt Nam... Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý nhận xét.
Nhân dịp này, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã công bố danh sách 14 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian năm 2020, đồng thời, tổ chức mừng thọ 33 nghệ nhân từ 70 - 90 tuổi...
TTXVN