'Tranh trong mùa giãn cách' và 'Nghệ thuật trên những ngón chân'
(Thethaovanhoa.vn) - Đầu tuần là triển lãm tranh tại Hà Nội với nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng mỹ thuật; cuối tuần là một buổi trò chuyện thú vị về ballet của Cà phê thứ Bảy mang tên Nghệ thuật trên những ngón chân. Cuộc trò chuyện diễn ra rất đúng lúc khi vở ballet Kiều đáng móng đợi của đạo diễn Tuyết Minh sẽ diễn ra TP.HCM vào 20/6…
Đây là những hoạt động khá hấp dẫn khi mùa “giãn cách xã hội” dần lùi xa.
Mỹ thuật kiên cường
Nếu nhìn lại suốt thời gian của đại dịch Covid-19, mỹ thuật Việt Nam đã có những sáng tạo linh hoạt, kiên cường.
Vì giãn cách xã hội, nhiều họa sĩ xem đây là dịp để ngồi nhà nghiên cứu, sáng tác. Triển lãm Tranh trong mùa giãn cách khai mạc lúc 9h ngày 15/6/2020 tại báo Nhân dân (71 Hàng Trống, Hà Nội) là một ví dụ như vậy. Với 126 tác phẩm của 44 họa sĩ, thu hút nhiều tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Thị Hiền, Đào Hải Phong, Đặng Xuân Hòa, Lê Trí Dũng, Lê Thiết Cương, Phạm An Hải… xem như đã có được sức hút.
Như tên gọi của triển lãm và cuốn sách cùng tên, đây là những tranh vẽ trong đợt giãn cách, có nhiều bức đi thẳng vào chủ đề Covid-19. Nhưng do có thời gian trầm tư và ít chạy theo thời sự, nên các tác phẩm vẫn đạt mức độ độc lập, nơi Covid-19 chỉ còn là cái cớ sáng tạo, chứ không phải để phê phán hoặc tuyên truyền. Có được điều này, một phần vì các họa sĩ đã quá hiểu các sáng tác phong trào và có tính thời đoạn, nên chọn một cách nhìn có điểm lùi.
Ngay giữa đại dịch, hưởng ứng lời kêu gọi của báo Nhân dân hằng tháng, nhiều họa sĩ trong số này đã sáng tác và gửi tặng tác phẩm đấu giá gây quỹ phòng chống Covid-19 được hơn 500 triệu đồng, nên dịch không còn là chủ đề quá bất ngờ để phải chạy theo thời sự. Chính vì vậy mà tác phẩm lần này càng độc lập và chất lượng hơn.
Trước đó, để tiếp sức y bác sĩ đang phòng chống Covid-19, báo An ninh Thủ đô và Indochineart đã tổ chức chương trình Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch Covid-19. Phiên đấu kéo dài từ ngày 29/3 đến 12/4/2020, với 46/60 tác phẩm được bán, thu về hơn 500 triệu đồng.
Mới đây, nhóm Vietnam Art Space (VAS) do họa sĩ Trần Thảo Hiền sáng lập trên Facebook đã đấu giá trực tuyến trong vòng 6 ngày, bán 34 bức tranh, thu về hơn 240 triệu đồng để hỗ trợ phòng chống Covid-19. Điều đặc biệt là chỉ sau một thời gian ngắn phát động, đã có gần 200 tác phẩm ủng hộ, VAS chọn ra 89 bức tranh để đấu giá.
Cũng trên Facebook, mới đây Quỹ Gieo nhà gặt nhà đã bán 28/76 bức tranh của gần 40 họa sĩ, thu về 307 triệu đồng, trích đóng góp hơn 187 triệu vào chương trình gây quỹ xây 20 căn nhà cho người nghèo tỉnh Quảng Nam.
Ngay trong đại dịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vẫn kịp chuẩn bị cho triển lãm Tác phẩm các họa sĩ đương đại hàng đầu trên thị trường mỹ thuật, dự kiến sẽ khai mạc vào đầu tháng 8/2020. Đây được xem là lần đầu tiên có cuộc quy tụ của 18 tên tuổi có sức hút đặc biệt trên thị trường, vài người thuộc nhóm họa sĩ triệu đô, mỗi người 3 tác phẩm được tuyển lựa.
Một trong những lý do mà mỹ thuật tỏ ra xôm tụ nhất giữa cơn đại dịch, vì đây là lĩnh vực sáng tạo cá nhân, như văn học, khá phù hợp với tình trạng bị giãn cách xã hội. Nhưng mỹ thuật đang được chú ý nhiều hơn lúc này là vì việc bán tác phẩm thường thu về nhiều tiền, đóng góp thiết thực vào các hoạt động xã hội, thu hút được dư luận.
Ballet thấm đẫm chất Việt
Trong tuần này, lúc 19h30 ngày 17/6, tại Cà phê thứ Bảy (38 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) có cuộc trò chuyện về nghệ thuật ballet - Nghệ thuật trên những ngón chân – với sự tham gia của nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng (Tổng biên đạo Nhà hát Giao hưởng & Vũ kịch TP.HCM) và nghệ sĩ Trần Hoàng Yến (diễn viên solist của Nhà hát). Đây là hai nghệ sĩ - biên đạo và diễn viên ballet hàng đầu của sân khấu vũ kịch TP.HCM. Trước buổi trò chuyện, chương trình sẽ đưa khán giả tới sân khấu ballet thế giới trong những trích đoạn tuyển chọn với với mong muốn đưa khán giả Việt Nam tới gần hơn với ballet - nghệ thuật trên những ngón chân.
Cuộc trò chuyện này chắc chắn sẽ tiếp tục hâm nóng bầu không khí ballet, trước thời điểm Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM trình diễn vở vũ kịch (ballet) Kiều vào lúc 20h ngày 20/6, tại Nhà hát TP.HCM. Đây là dự án hợp tác giữa Nhà hát và Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam. Vũ kịch Kiều do nghệ sĩ Tuyết Minh làm tổng đạo diễn. Tâm trạng nàng Kiều sẽ được thể hiện qua 3 hồi với 15 cảnh, trong đó Kiều có 3 lần gặp hồn ma Đạm Tiên và 4 lần ngồi đánh đàn.
Đây được xem là tác phẩm với sự kết hợp những yếu tố văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây khi ballet hòa trộn cùng múa dân tộc Kinh; âm nhạc là kỹ thuật giao hưởng kết hợp với tuồng, chèo, ca trù, hát xẩm, dân ca, nhạc cụ dân tộc…
Được biết là sau buổi diễn ra mắt (20/6), ballet Kiều sẽ tái diễn vào 22/7 từ sự "đặt hàng" của Hội Hữu nghị Việt-Mỹ và với khán giả thủ đô vào 14/8 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.
Thời gian qua, nghệ thuật ballet đang cố gắng “bám rễ” vào đời sống văn hóa nước nhà. Trước đó, vào cuối năm 2019, nghệ thuật ballet cũng ghi dấu ấn khá đậm nét khi Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam có 7 đêm diễn vở Hồ Thiên nga (Tchaikovsky) tại Nhà hát Lớn Hà Nội và đêm 11/1/2020 tại sân khấu nổi giữa hồ cũng mang tên Hồ Thiên nga tại khu đô thị Ecopark (tỉnh Hưng Yên)…
Như Hà - Bình Minh