'Tranh Bờ Hồ'
(Thethaovanhoa.vn) - Giờ đây ở thế kỷ 21, hỏi các bạn trẻ “Tranh Bờ Hồ là thế nào?” chắc cũng ít bạn biết. Câu chuyện “Tranh Bờ Hồ” một thời nhắc nhớ đến việc xây dựng "không gian văn hóa" quanh Hồ Gươm, mà việc đổi tên tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" đang nóng hiện nay.
1. Hà Nội sinh ra biết bao danh họa. Thế nhưng cũng ở chốn Hà thành lại sản sinh một “loại hình hội họa” khá độc đáo mà không một nghệ nhân nào đượclưu danh. Đó là dòng nghệ thuật “Tranh Bờ Hồ”.
Tranh Bờ Hồ là gì? Tranh Bờ Hồ xuất hiện từ bao giờ? Nó biến đâu mất rồi? Giờ đây ở thế kỷ 21, hỏi các bạn trẻ “Tranh Bờ Hồ thế nào?” chắc cũng ít bạn biết. Bởi khái niệm này đã mang tính chất của một tính từ chỉ những tranh thị trường chất lượng làng nhàng làm quà lưu niệm -kiểu tranh xú-vơ-nia (souvenir).Có về quê tìm kiếm cũng khó thấy vì hình như nó đã tuyệt chủng đến hơn hai chục năm nay rồi.
Chẳng biết “Tranh Bờ Hồ” có từ bao giờ nhưng từ khi tôi mới lên 4-5 tuổi, mỗi lần theo mẹ ra đầu phố Bạch Mai đi tàu điện lên chợ Đồng Xuân sắm Tết hay lên Hàng Ngang, Hàng Đào mua vải... Mẹ thường cho xuống bến tàu điện Bờ Hồ nơi mà sau này có một cửa hàng Mậu dịch quốc doanh nổi tiếng và cũng tồn tại lâu nhất tại Hà Nội mà người ta thường gọi là Bách hóa 12 Bờ Hồ.
Ngôi nhà này ở ngay cạnh công trình kiến trúc bị lắm tai tiếng về kiểu dáng mà dân Hà Nội vẫn hay gọi là nhà “Hàm Cá Mập”. Cũng chính ở phía dưới của “Hàm Cá Mập” ấy, ngày xưa là một cái chợ vỉa hè bán thứ tranh gọi là “Tranh Bờ Hồ”.
Nhớ hồi ấy, thấy bán tranh lạ, tôi dừng lại xem, mẹ kéo đi không cho xem. Bà bĩu môi, xem làm gì thứ “Tranh Bờ Hồ” ấy.
Tôi chẳng hiểu tại, sao nhưng sau này, thời thiếu niên có dịp về ngoại thành gặt lúa giúp bà con, tôi thấy nhiều gia đình ở thôn quê thường có treo loại tranh này. Có nhiều người đóng thẳng lên tường cùng với các loại giấy khen bằng khen dán, treo, chi chít trên cả hai bức tường từ Phiếu bé ngoan, bằng khen Học sinh tiên tiến cho đến Phụ nữ đảm đang, Gia đình bốn tốt... Có gì treo tất, dán tất. Nhiều khi không quen biết ai trong nhà, cứ nhìn tên tuổi trên giấy khen bằng khen mà hỏi thăm là cả nhà mừng rỡ coi như người thân đã lâu mới gặp lại.
2. “Tranh Bờ Hồ” thường được vẽ trên một loại đế giấy các-tông mỏng như loại các-tông làm bìa vở học trò thời ấy. Nghe nói loại các-tông này sản xuất từ bột tre, bột nứa.
Thuở nhỏ, cứ sắp đến ngày tựu trường là chúng tôi lại ra cửa hàng văn phòng phẩm mua một cuộn các-tông về rọc ra để đóng vở. “Tranh Bờ Hồ” được vẽ trên cái nền các-tông loại ấy chứ không phải trên giấy rô-ki hay trên toan, trên lụa, trên giấy dó như của các họa sĩ chính cống thường dùng. Những bức “Tranh Bờ Hồ” thường có tông màu xanh đậm, xanh lá cây đậm và rất tương phản với những màu trắng bạch như vôi, vàng chóe.
Người nghệ sĩ vẽ “Tranh Bờ Hồ” đa phần cũng là người chẳng được học hội họa bài bản. Họ thường vẽ quanh mấy chủ đề: Hồ Hoàn Kiếm với Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, cảnh đôi trai gái đứng bên Bờ Hồ, mặt nhìn ra phía trước, chỉ thấy tấm lưng thon mà chẳng thấy mặt đâu.
Sau này, người ta vẽ thêm cảnh thuyền và sông nuớc, núi non như Vịnh Hạ Long... Người thợ vẽ có khi cả đời chẳng biết Vịnh Hạ Long là gì, ở đâu, nhưng xem ảnh thấy cảnh núi đá trên mặt nước thì cứ tha hồ mà tưởng tượng ra các kiểu Vịnh Hạ Long của mình. Người ta bảo tranh Vịnh Hạ Long thì biết vậy. Ai mà kiểm tra được! Loại tranh vô thưởng vô phạt này là an toàn nhất vì chủ đề của nó chẳng ai dám phê phán.
Không phải vì mẹ tôi chê tranh mà làm ảnh hưởng đến cái gu thẩm mỹ thiếu thời của tôi. Cũng không phải vì thấy người nhà quê treo tranh mà tôi dám coi thường. Nhưng quả thật, tôi không mấy thích cái loại tranh này ngay từ khi còn nhỏ. Bố tôi thường dạy: “Ở đời ai thích cái gì là việc của người ta. Mình đừng có áp đặt ý thích của mình cho người khác”. Tôi cũng thấy phải. Ai treo ảnh ông nào, bà nào, cắm hoa nhựa hay hay hoa thật, xếp non bộ bồng lai tiên cảnh trong vườn hay đặt phong thủy, trấn trạch trong nhà là việc của mỗi người. Tôi có cái gu của tôi. Có thế thôi!
Nhưng khó mà thuyết phục được một vị giáo sư đáng kính nào treo một bức “Tranh Bờ Hồ” trong phòng khách hay phòng ngủ. Cũng chẳng có một họa sĩ nội thất nào dám đem “Tranh Bờ Hồ” ra treo trong phòng khánh tiết trong trụ sở các cơ quan.
3. “Tranh Bờ Hồ” xấu đẹp thế nào thì cũng đã là ký ức. Còn "bức tranh" của Bờ Hồ hôm nay sẽ được giữ gìn sao đây? Xin bạn cứ đi một vòng và lắng nghe các cụ già tập thể dục sáng sáng quanh hồ thì biết.
Người thì phàn nàn về cái nhà “Hàm Cá Mập”, kẻ thì nhắc lại câu chuyện tranh cãi về khách sạn Hà Nội Vàng hơn chục năm trước (mà sau đã điều chỉnh thiết kế), người thì nhắc lại cái đồng hồ đếm ngược (màn hình LED) ở khu vực đền Bà Kiệu (mà Hà Nội đã tháo dỡ); người thì tiếc nhớ cái biển hiệu cũ của tòa nhà Bưu điện Hà Nội (vừa đổi tên thành VNPT Hà Nội)...
Lại nữa, tranh luận về ga tàu điện ngầm C9 cạnh Hồ Gươm vẫn chưa chấm dứt và cũng chưa rõ phương án cuối cùng "chốt" lại sẽ ra sao. Theo một phương án thì nhà ga nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng, phía trước Điện lực Hà Nội. Ga nằm dưới lòng đất sâu 25m, đỉnh ga đến mặt đất 5m, dài 150m, rộng 21m. Nhà ga có 4 cửa lên xuống, trong đó một cửa ga trên vỉa hè cạnh hồ Hoàn Kiếm sẽ thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh công cộng hiện tại.
Lại nói về cái nhà vệ sinh công cộng này. Nó nằm trên lối đi hẹp đúng vào chỗ đẹp nhất để đứng ngắm cảnh đền Ngọc Sơn cũng gây nhiều tranh cãi. Thôi thì ga điện ngầm sẽ thay thế nó cũng là điều hay.
"Bức tranh thực cảnh" của Bờ Hồ nay mai nhất thiết không thể như "tranh Bờ Hồ" một thời.
Vũ Thế Long