Trang phục VĐV điền kinh nữ “tiến hóa” ra sao?
Câu chuyện về trang phục của các nữ VĐV điền kinh chưa bao giờ là đề tài kém thú vị. Nó đã thay đổi rất nhiều và giờ đang thu hút sự chú ý không thua gì yếu tố chuyên môn của các nữ hoàng trên đường chạy.
Khi các VĐV nữ lần đầu tiên tranh tài ở nội dung điền kinh tại một kỳ Olympic vào năm 1928, bộ y phục họ khoác lên người chỉ là áo phông và quần ngắn rộng rãi, đôi khi có đeo thắt lưng. Mẫu trang phục như vậy đã hoàn toàn tuyệt chủng khi những nữ VĐV điền kinh ngày nay ưa dùng mẫu áo làm bằng sợi tổng hợp và quần ngắn kiểu nội y nhằm giảm lực cản bên ngoài tác động vào cơ thể.
Các nữ VĐV ăn mặc ngày càng gợi cảm hơn
Hãng thể thao Nike hồi tháng 4 vừa qua đã cho ra mắt bộ trang phục dành cho các nam và nữ VĐV điền kinh. Nếu trang phục dành cho nam là áo thun không tay và quần ngắn, còn các nữ VĐV mặc một đồ liền thân bó sát. Riêng trang phục dành cho các nữ VĐV điền kinh đã gây ra không ít bàn tán, trong đó cựu VĐV điền kinh Lauren Fleshman chia sẻ suy nghĩ trên trang Instagram cá nhân: "Các VĐV chuyên nghiệp nên tập trung vào việc tranh tài thay vì để tâm trí mình bị phân tán vào những đánh giá về trang phục xuất hiện ở địa điểm thi đấu".
Về phần mình, Nike đã chia sẻ rằng bộ trang phục liền thân kia chỉ là một phần trong tổng số 50 phiên bản trang phục khác nhau. Họ chia sẻ nữ VĐV Sha'Carri Richardson đã mặc trang phục này với phiên bản có quần ngắn khi tranh tài tại Olympic và phiên bản ấy sẵn sàng nếu các VĐV có nhu cầu. Bản thân bộ trang phục này được ra đời sau quá trình tham khảo ý kiến các nữ VĐV điền kinh. Điều này được chính người phát ngôn của Liên đoàn điền kinh Mỹ (USATF) xác nhận. Tuy vậy, những ý kiến trái chiều về trang phục của các nữ VĐV tại Olympic thật ra đã có từ trước đó. Như Olympic Tokyo 2020, các nữ VĐV thể dục dụng cụ Đức phản đối bộ đồ theo kiểu bikini, thay vào đó họ chọn trang phục có độ che phủ thân thể đầy đặn hơn.
Tùy thích lựa chọn
Thật ra quy định dành cho trang phục của các VĐV điền kinh tại Olympic không đến mức quá ngặt nghèo. Họ chỉ cần đảm bảo trang phục ấy không tạo ra lợi thế bất công, không gây phản cảm. Bà Dobriana Gheneva, Giáo sư Học viện công nghệ thời trang ở New York, người từng có thời gian làm việc ở các hãng thời trang Nike, North Face và Reebok chia sẻ: "Các VĐV điền kinh lúc đầu còn không mặc trang phục đúng chuẩn thể thao, họ ăn mặc có phần kín đáo. Qua thời gian, trang phục cho họ ngày càng bài bản hơn, chẳng hạn như việc sử dụng hay loại bỏ vải fabric nhằm hướng đến sự tiện lợi và những bước di chuyển thanh thoát".
Ban đầu, các nữ VĐV điền kinh thường mặc áo phông, quần ngắn trên đường chạy trong suốt hàng thập kỷ. Mãi đến những năm 1960, vải fabric giúp bộ trang phục họ mặc trở nên ôm sát người hơn. Đến những năm 80, trang phục thiết kế theo kiểu bikini lên ngôi và giờ thì các nữ VĐV điền kinh ngày càng có nhiều lựa chọn về trang phục thi đấu. Bà Gheneva nói thêm: "Nếu bạn mặc đẹp, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn và điều này tác động không nhỏ đến thành tích trên đường chạy".
Richardson, nữ VĐV điền kinh lần đầu tiên tham dự một kỳ Olympic, đánh giá rất cao việc sở hữu một bộ trang phục ưng ý trên đường chạy: "Khi chúng tôi diện những bộ đồ như ý, chúng tôi bước lên đường chạy và sẵn sàng thi đấu trong bất cứ hoàn cảnh nào. Khi đã ưng vẻ bề ngoài, chúng tôi sẽ cảm thấy ổn và thi đấu tốt. Những điều này liên quan mật thiết đến yếu tố tinh thần, cảm xúc và sau đó tác động đến cơ thể". Minh họa rõ nét nhất là trường hợp của nữ VĐV điền kinh Cathy Freeman, người mặc bộ trang phục Nike Swift Suit theo phong cách Flo-Jo. Chính bộ trang phục này là yếu tố góp phần vào chiến thắng của Freeman ở nội dung 400m nữ khi làm giảm từ 5% đến 10% lực cản không khí.
Sự khác biệt về trang phục thi đấu điền kinh giữa các nam và nữ VĐV ngày càng trở nên rõ nét hơn. Bà Ghenava cho rằng các nữ VĐV có nhiều lựa chọn về loại trang phục nào giúp họ trở nên tự tin khi thi đấu, nhưng cảnh báo những thiết kế để lộ cơ thể sẽ tạo ra lằn ranh mong manh giữa gợi cảm và phản cảm: "Tại sao bộ đồ của các nữ VĐV lại phải tỏ ra gợi cảm hơn các nam đồng nghiệp? Chúng ta nên nhận biết đâu là giới hạn cho vấn đề này".
Đức Hùng