‘Trấn Thành ấm ức đời nghệ sĩ khó nuốt nhưng nghệ sĩ chân chính không bao giờ thế’
Nhà văn Hoài Hương cho rằng Trấn Thành nên biết kiểm soát cảm xúc, học hỏi thêm để có cách cư xử và phát ngôn đúng mực.
"Đời nghệ sĩ khó nuốt hơn quý vị nghĩ nhiều. Ai thích tiền, muốn nếm hào quang thì hãy nếm nó đi để biết nó là cái gì", câu nói của Trấn Thành cùng màn khóc nức nở của anh đã gây bão mạng xã hội suốt những ngày qua. Trái với những giọt nước mắt, sự nghẹn ngào của nam MC, nhiều khán giả bày tỏ sự phẫn nộ và chỉ trích Trấn Thành.
Một khán giả ý kiến: "Nghệ sĩ cũng là một nghề, đi diễn có biết bao nhiêu tiền của thiên hạ mà khóc lóc kể lể cho rằng mình đã "cống hiến cho nghệ thuật", đã hy sinh này nọ nghe nó hài quá. Nếu hy sinh cống hiến mà có tiền nhiều như nghệ sĩ thì ai cũng muốn hy sinh hết á".
"Làm nghề ăn tiền mà hở chút hy sinh. Thấy cực quá thì nghỉ đi, dám không?", một đạo diễn lên tiếng. Bên cạnh đó, ca sĩ Nguyên Vũ, Duy Mạnh cũng thể hiện sự không đồng tình với quan điểm của Trấn Thành.
Trao đổi với chúng tôi về phát ngôn gây tranh cãi của Trấn Thành, nhà văn Hoài Hương cho rằng người nghệ sĩ mà không kiểm soát được ngôn từ của mình thì chứng tỏ kiến văn, tri thức về văn hóa bị khiếm khuyết. "Đây không phải lần đầu Trấn Thành bị phản ứng từ dư luận. Nhiều nghệ sĩ nói nhiều nhưng không phải ai cũng bị chỉ trích như Trấn Thành. Trấn Thành cần học hỏi, trui rèn kiến thức", nhà văn nói.
Trấn Thành thiếu tôn trọng khán giả
Trong trường hợp của Trấn Thành, tôi cho rằng nam nghệ sĩ phát ngôn như thế bởi bản thân đã nếm trải rất nhiều phản ứng từ dư luận. Nhưng nhìn lại, những phản ứng đó lại do chính phát ngôn của Trấn Thành tạo nên.
Có điều khi Trấn Thành ấm ức cho rằng "đời nghệ sĩ khó nuốt" lại quên rằng người nghệ sĩ chân chính không bao giờ than thở chuyện phải lao động nghệ thuật một cách khổ cực, thậm chí đổ máu. Nghệ sĩ chân chính thường dùng từ "con tằm rút ruột nhả tơ" khi nói về cống hiến của mình với nghề. Với người nghệ sĩ chân chính, việc được đứng trên sân khấu, rút ruột nhả tơ, cống hiến cho công chúng, mang đến hình ảnh đẹp của nghệ thuật, gửi chân thiện mỹ tới khán giả đó là niềm tự hào.
Và việc được đứng trên sân khấu biểu diễn, cống hiến, đó cũng là vinh dự của nghệ sĩ, không phải là sự ban ơn. Tôi chưa thấy nghệ sĩ chân chính nào than thở cực khổ để được nổi tiếng.
Câu nói của Trấn Thành khiến người ta nghĩ rằng bạn ấy làm nghệ thuật là ban ơn, ban phát nghệ thuật cho người thưởng thức. Bạn ấy cho rằng được nổi tiếng, hào quang là do bản thân đã phải khổ sở, hy sinh, mang tài năng cho khán giả thưởng thức. Vinh quang bạn có được là điều đương nhiên. Ở khía cạnh này, tôi nghĩ Trấn Thành không tôn trọng khán giả, người mang lại vinh quang cho mình. Trấn Thành nói như thể mình đang ban phát nghệ thuật và khán giả xem nghệ thuật phải biết ơn mình.
Trấn Thành nhấn mạnh "đời nghệ sĩ khó nuốt" nghĩa là làm nghệ thuật căng thẳng, vất vả, áp lực. Nhưng bù lại, thực tế nghệ sĩ có thể nhận thu nhập cao hơn rất nhiều ngành nghề khác đấy. Nhờ sự cổ vũ, ủng hộ của khán giả, nghệ sĩ sẽ nổi tiếng, được tôn vinh, có sức ảnh hưởng. Từ đó, họ có vị trí, cát-xê cao, các hợp đồng quảng cáo. Nghệ sĩ cống hiến, khán giả cổ vũ, tôn vinh, đó là sự tác động qua lại, mối quan hệ tương hỗ. Như vậy phát ngôn của Trấn Thành là khó chấp nhận được.
Trấn Thành cần học hỏi và biết điều chỉnh cảm xúc
Phát biểu lần này của Trấn Thành không chỉ bị khán giả phản ứng mà ngay cả đồng nghiệp cũng chỉ trích. Tôi nghĩ phát biểu đó đã khiến không ít nghệ sĩ phải chạnh lòng. Bởi nghệ sĩ của bất cứ ngành biểu diễn nào cũng khao khát được nổi tiếng, đứng trên sân khấu và mong muốn được hào quang, có nhiều khán giả biết tới. Nhưng đôi khi có nhiều yếu tố, không hẳn ở tài năng, chẳng hạn họ chưa gặp thiên thời địa lợi nhân hòa nên chưa thể bật lên, nổi tiếng.
Ở khía cạnh này, cách nói của Trấn Thành có phần trịch thượng, vô tâm, động chạm đến các nghệ sỹ kém may mắn hơn mình. Thực tế, đâu phải nghệ sĩ chưa nổi tiếng là họ không lao động nghệ thuật vất vả đâu. Vì nhiều lý do nên họ chưa được khán giả biết tới.
Và cũng có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng không chấp nhận phát biểu của Trấn Thành. Bởi họ hiểu rằng đứng trên sân khấu là niềm vinh dự, tự hào. Đó là sự tưởng thưởng với cống hiến của mình. Như thế là vui chứ sao lại là than thở, uất ức?
Đã là lao động thì ai, ở lĩnh vực nào cũng vất vả mới đạt được thành công. Không ai ngồi không và thành công tự nhiên đến. Với người lao động nghệ thuật có đặc trưng riêng là cần có năng khiếu, công sức đặc biệt. Nhưng vì thế công chúng bao giờ cũng trân trọng lao động nghệ thuật của nghệ sĩ. Nếu không có khán giả làm sao nghệ sĩ có danh hiệu, trở thành ngôi sao. Nếu không có tài năng, lao động nghiêm túc làm sao được công chúng nhìn nhận. Ngược lại, nếu không được công chúng đánh giá cao sẽ khó thành công, đạt được tiền tài, địa vị. Trên đời, cái gì cũng có quan hệ hai chiều nên không thể nói khán giả được ban ơn bởi nghệ sĩ.
Cũng đừng bao giờ nói tôi vất vả hơn bạn hay nghề của tôi cực hơn nghề của bạn, xã hội đã phân công lao động rồi. Bạn tài năng, lao động nghiêm túc thì được tung hô, nhận cát xê cao. Và đương nhiên bạn phải chấp nhận cả những áp lực, khó khăn của nghề.
Nhìn Trấn Thành khóc và nói những lời như vậy, tôi cho rằng Trấn Thành đã làm buồn lòng đồng nghiệp, công chúng. Tôi nghĩ Trấn Thành khi đã là người nổi tiếng, cần phải học hỏi, trui rèn bản thân để nâng cao kiến văn, kiến thức văn hóa, từ đó có ứng xử, phát ngôn với đồng nghiệp, khán giả đúng mực.
Khi làm người của công chúng, Trấn Thành cũng nên biết điều chỉnh, kiểm soát cảm xúc. Không phải cứ đưa lý do tôi là nghệ sĩ, sống cảm xúc thì lên sân khấu có thể cười lớn, nói lớn hoặc khóc lóc hoặc có phát ngôn tự do chủ nghĩa. Nếu đưa lý do tôi là như thế, tôi không thay đổi được thì có quá ích kỷ không khi bạn đã nhờ khán giả để có vị trí, hào quang, bạn nhận nhiều đặc ân của nghề, của sự nổi tiếng lại than thở vất vả, hy sinh?