Trần Khải Ca lại gây tranh cãi với 'Yêu miêu truyện'
(Thethaovanhoa.vn) - Dịp năm mới, công chúng yêu điện ảnh Trung Quốc đổ xô tới rạp xem những tác phẩm điện ảnh mới trong bối cảnh nhiều bộ phim nội địa được tung ra nhân dịp này. Trong số những bộ phim mới phát hành, Yêu miêu truyện (Legend Of The Demon Cat) của đạo diễn nổi tiếng Trần Khải Ca đã trở thành một trong những bộ phim có nhiều lời bình luận trái chiều nhất trên mạng.
Phim ra rạp ngày 22/12/2017 và hiện đã thu về được hơn 500 triệu NDT từ phòng vé. Nhiều người ca ngợi đây là phim tiếng Hoa hay nhất năm, trong khi nhiều người lại cho rằng đây lại là một "sản phẩm dở tệ" khác của Trần Khải Ca.
Bối cảnh phim hoành tráng & tốn kém
Yêu miêu truyện được Trần Khải Ca dàn dựng theo tiểu thuyết Samana Kukai của nhà văn Nhật Bản Yoneyama Mineo. Cân nhắc đến thời lượng của bộ phim, Yêu miêu truyện lược bỏ hết những "rườm rà” trong cuốn tiểu thuyết mà chỉ giữ lại phần cốt lõi về nhà thơ cổ đại Trung Quốc Bạch Cư Dị và cuộc điều tra nhà sư Nhật Bản Kukai về sự thật đằng sau cái chết của Dương Quý Phi, sủng phi của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.
Trong phim, nam diễn viên Trung Quốc Hoàng Hiên thủ vai nhà thơ Bạch Cư Dị (772-846), trong khi nam diễn viên Nhật Bản Shota Sometani hóa thân thành nhà sư Kukai. Phim còn có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên gạo cội cùng một số diễn viên đang lên của Trung Quốc và Nhật Bản như Trương Lỗ Nhất, Lưu Hạo Nhiên và Hiroshi Abe.
Bao trùm toàn bộ phim là những bí ẩn và sự hồi hộp, viễn cảnh về triều đại nhà Đường thời hoàng kim nổi bật trong phim, song tính giải trí trong phim đặc biệt gây ấn tượng cả khán giả và giới phê bình.
Theo nhiều nguồn tin, Trần Khải Ca lên kế hoạch làm bộ phim này trong hơn 6 năm và ông thậm chí còn tham gia vào quá trình xây dựng bối cảnh phim ở thành phố Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, nhằm tái tạo Tràng An, kinh đô đời Đường từ cách đây 1.300 năm.
Chi phí xây dựng trường quay rộng 40ha này tốn kém khoảng 1,3 tỷ NDT (200 triệu USD), tách biệt hẳn với kinh phí làm phim (250 triệu NDT). Trần Khải Ca cho biết, chỉ 1/3 các cảnh trong phim được quay trước phông xanh.
Bình luận trái chiều
Tuy nhiên, sau khi ra rạp, Yêu miêu truyện đã nhận được nhiều lời bình luận trái chiều và những lời tranh luận đó còn gây chú ý hơn cả bộ phim.
Yêu miêu truyện được chấm 6,9 điểm trên douban.com, diễn đàn giống như Rotten Tomatoes. Nhiều người đánh giá phim 5 sao, rằng bộ phim mang tính biểu tượng cao này là sự khảo sát kỹ lưỡng về sự thật và dối trá, tình yêu và sự nóng giận, thói đạo đức giả và sự chân thành của con người.
Han Han, nhà phê bình điện ảnh nổi tiếng Trung Quốc đánh giá đây là phim nội địa hàng đầu, trong khi đạo diễn Lục Xuyên ca ngợi đây "thực sự là bữa tiệc thị giác, đáng giá xem đến lần thứ 2, thứ 3 trong rạp".
"Sẽ là bất công khi bôi nhọ phim trong khi cố ý bỏ qua những nỗ lực rõ ràng của ê-kíp làm phim và những màn diễn tuyệt vời của dàn diễn viên" - Lục Xuyên nhận định.
Tuy nhiên, nhà văn trẻ Tưởng Phương Châu lại cho rằng "phim là cuộc đối đầu giữa lứa tuổi thanh thiếu niên và người lớn".
Còn Hạ Hà, một nhà văn 8X khác, ca ngợi "Trần Khải Ca là một bậc thầy, người luôn cống hiến hết mình để khảo sát về sự luân hồi và số phận".
Trong khi đó, nhiều người lại chê bai bộ phim và tranh luận rằng Yêu miêu truyện quá nhấn mạnh tới việc mô tả "đời Đường" trong khi "bỏ qua sự phát triển nhân vật".
Nhiều người chỉ trích phim không logic. "Nửa đầu bộ phim thực sự ấn tượng, đặc biệt là bữa đại tiệc của Hoàng đế Đường Huyền Tông dành cho Dương Quý Phi, nhưng nửa phần sau quá dài" - Anuan, một công chúng yêu điện ảnh bình luận trên douban.com.
Đặc biệt, bài viết có tựa đề "Cách mô tả về triều đại đời Đường trong Yêu miêu truyện có phù hợp với trí tưởng tượng của bạn?" đã thu hút được gần 43.000 cư dân mạng, khiến Yêu miêu truyện trở thành đề tài được bàn tán nhiều bậc nhất trên douban.com.
"Phim có thể mắc một số sai sót trong cách kể chuyện và tạo dựng nhân vật, song đây là bữa tiệc thị giác tái tạo triều đại thịnh vượng ở Trung Quốc thời cổ đại" - một cư dân mạng nhận xét.
Nhiều người còn chỉ trích phim "có quá nhiều yếu tố Nhật Bản" và dàn diễn viên, đặc biệt là Sandrine Pinna, người thủ vai Dương Quý Phi trong phim. Sandrine Pinna có cha là người Pháp và mẹ là người Trung Quốc. Nhiều người cho rằng cô không phải là diễn viên lý tưởng cho nhân vật Dương Quý Phi, người vẫn được mô tả có vẻ đẹp Trung Quốc cổ điển.
Không phải là phim đầu tiên gây tranh cãi Đây không phải là lần đầu tiên phim của Trần Khải Ca gây tranh cãi. Hồi năm 2005, phim Vô cực (The Promise) của ông cũng bị "ném đá" với nhiều lời chê bai. Trong khi phim Đạo sĩ hà sơn (Monk Comes Down the Mountain - 2015) cũng bị chê tơi bời. Nhiều người cho rằng Trần Khải Ca không thể trở lại thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp, thời bộ phim Bá vương biệt cơ (Farewell My Concubine - 1993) của ông đã đoạt giải Cành cọ Vàng LHP Cannes. Có điều, Trần Khải Ca không bao giờ coi Vô cực hay Đạo sĩ hà sơn là những "bộ phim dở" và cho rằng quan điểm của công chúng sẽ thay đổi theo thời gian. |
Việt Lâm (tổng hợp)