Trân Châu Cảng - vết thương khó lành
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tháng 12 vừa qua tổng thống MỹBarack Obama và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã đến Trân Châu Cảng để thực thi một “động thái lịch sử” (Obama) - dù là đồng minh chiến lược, giữa hai quốc gia vẫn luôn tồn tại một vết thương không ai dám chạm đến…
- Lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản đề cao tinh thần hòa giải tại 'Trân Châu Cảng'
- “Giải mật” Trân Châu Cảng sau 70 năm
Chôn vùi sự tự tin của một cường quốc
Hằng nămcó chừng 2 triệu khách đến thăm xác tàu chiến USS Arizona ở Hawaii. Cách đây 76 năm, khi hàng tấn bom Nhật dội xuống đây, 2.403 sinh mạng bị xóa sổ trong vòng một ngày. Cuộc tấn công ấy không chỉ làm Hoa Kỳ bất ngờ, nó còn chôn vùi sự tự tin của một cường quốc.
Cho đến nay những người sống sót sau trận này được coi là anh hùng của nước Mỹ. Don Stratton năm nay 94 tuổi, ông là một trong số người hiếm hoi có thể thuật lại những kỷ niệm trực tiếp về ngày đen tối đó.
Lần đầu tiên từ 1941 ông quay lại địa điểm khốc liệt ngày xưa để tham gia làm bộ phim tài liệu về Pearl Harbor. “Ngày nào tôi cũng hình dung ra bao nhiêu người bỏ mạng hôm đó” - ông nói -“có trời biết vì sao chúng tôi sống sót”.
Khói lửa mịt mù tại Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941
Đầu tháng 12/1941,Hawaii vẫn là một quần đảo thanh bình. Mỹ chưa tham chiến và chiến trường châu Âu cách rất xa. Tuy nhiên quan hệ giữa Mỹ và Nhật đang xấu dần từ vài tháng nay. Mỹ ngừng cấp xăng dầu cho Nhật và 100.000 lính Mỹ đóng ở Hawaii bị Nhật coi là “lưỡi dao kề cổ” vì qua đó Nhật không còn làm chủ tuyệt đối được Thái Bình Dương nữa. Tokyo biết rằng chiến tranh chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn.
Pearl Harbor hồi đó là hậu phương của hạm đội Thái Bình Dương, 140 tàu các loại thả neo ở đó, một số trong đó đã cũ rích và từng tham gia Thế chiến I. Don Stratton là lính thủy trên tàu chiến USS Arizona. “Sáng nào chúng tôi cũng được đánh thức lúc 5h30. Trừ một số sĩ quan và nhân viên có vợ ở Hawaii, tất cả phải quay lại ngủ trên tàu từ 1h sáng” - ông cho biết.
Những giây phút kinh hoàng
Đúng 5h50 ngày 7/12/1941,6 tàu chở máy bay Nhật bắt đầu đi vào vị trí đã định. Biển động và sóng cao giúp người Nhật tiếp cận mục tiêu chừng 230 hải lý mà không bị phát hiện. Nửa tiếng sau, 185 phi cơ cất cánh cho đợt oanh tạc đầu tiên.
7h48 các máy bay Nhật đến nơi, đồng loạt trút bom và phóng ngư lôi. Lúc ấy Don Stratton vừa ăn sáng xong, ông lấy mũ đựng mấy quả cam để đem cho một đồng đội đang nằm ở bệnh xá. “Tôi nghe mấy thủy thủ la hét trên boong, tôi thấy hàng loạt máy bay trên đường băng bắt lửa và tháp nước đổ giục. Có vẻ như ai cũng biết là quân Nhật tấn công”.
7h57, 40 phi cơ Nhật cùng lúc bắn ngư lôi từ hai phía vào các chiến hạm quan trọng nhất. Thủy thủ Mỹ chạy tới các ụ pháo, nhưng lúc này mọi phản ứng đều vô vọng. Don Stratton lần lượt quan sát tàu West Virginia và Oklahoma chìm xuống làn nước ngầu bọt, tàu Cassin và Downes nổ tung trên ụ bảo trì.
Khắp nơi bốc lửa, nhiều thủy thủ nhảy xuống biển với quần áo cháy phừng phừng. Vài phút sau chiến hạm USS Arizona nặng 35.000 tấn cũng trúng bom và lắc lư như trong cơn động đất. “Tôi đoán đó là quả bom một tấn, nó rơi trúng ụ pháo, xuyên qua kho đạn và kho xăng. Một quả cầu lửa bay vút lên cao đến 150 mét.
Chúng tôi cháy như đuốc, mấy người chạy ra mạn tàu để leo thang xuống, sau này tôi không gặp lại ai trong số đó nữa”. 1.177 người chìm cùng tàu Arizona, ngót 300 bơi được vào bờ. “Da chúng tôi bong ra cả mảng, chúng tôi lột ra và vứt đi như cởi cái găng tay dài, sau đó đu dây cáp ở độ cao 15 mét sang tàu Vestal cách đó 25 mét”.
Obama và Abe hòa giải tại đài kỷ niệm Pearl Harbor trong tháng 12/2016
“Ngày nhục nhã không thể nào quên”
“Còi báo an hú lênlúc 9h45, và chúng tôi bắt đầu vớt xác chết trôi kín mặt nước. Các trạm xá và bệnh viện chật ních thương binh. Trong đám hỗn loạn ấy, nhân viên y tế làm việc không xuể, các y tá phải lấy son môi vạch lên mặt thương binh để đánh dấu những ai đã được tiêm morphine giảm đau, phòng bị quá liều” - Don Statton nhớ lại. “Tôi bị bỏng 60-70% diện tích da, dĩ nhiên toàn bộ khuôn mặt, hai tai cháy trụi”.
Tổng thống Franklin D. Roosevelt ra trước Quốc hội, gọi đó là “ngày nhục nhã không thể nào quên”. Cả nước Mỹ kêu gọi phục thù, và chắc chắn ông không khó khăn gì khi thuyết phục Quốc hội cho phép tuyên chiến với Nhật, tuy nhiều chuyên gia cho rằng ông đã biết trước cuộc tấn công này.
Nói cách khác, ông đã bán rẻ sinh mạng hơn 2.000 lính để biện hộ cho bước tham chiến của Hoa Kỳ. Chẳng phải trước đó ông đã hạ lệnh rút các tàu khu trục hiện đại nhất khỏi Hawaii, để lại nhiều tàu cũ kỹ?
Cuộc chiến với Nhật kéo dài gần 4 năm, Don Stratton không bao giờ quay lại đơn vị được nữa.
“Họ đặt bệnh nhân bỏng lên một tấm vảitrải giường, túm bốn góc và nhúng cả người vào vào một bể nước muối, vì không còn cách nào khác. Tôi bị mổ nhiều lần, chủ yếu ở đầu, các vết bỏng rất lâu lành. Lần đầu tiên tự lăn được khỏi giường, tôi đứng lên cân và không tin là mình chỉ còn 40kg. Tôi hầu như không đứng vững” - Don Stratton kể lại thời gian điều trị.
“Nhát đâm sau lưng” khó quên Hôm nay chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người sống sót vẫn mang nặng gánh tâm lý từ ngày ấy. Ký ức về trận thảm sát khiến nước Mỹ chấn động tâm thần, không chỉ đối với những người có mặt.
Khác với hai nguyên thủ quốc gia Obama và Abe gặp nhau ở Hawaii để nỗ lực làm lành, Don Stratton -một cựu lính thủy, chưa đầy 20 tuổi khi gặp nạn trên tàu USS Arizona và sống sót với những vết bỏng đau đớn suốt đời- không nghĩ đến tha thứ: “Cú đánh trộm hèn hạ và gian giảo ấy phải được ví với nhát đâm sau lưng. Tôi không có ý định tha lỗi, cho đến hôm nay. Tôi sống rất thọ, và tôi đã tương đối bình tĩnh hơn, nhưng tôi không thể nhân danh 1.100 người nằm trong bụng tàu để xóa nhòa ký ức. Tôi tin rằng 1.100 người ấy cũng không thể tha thứ”. |
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa