'Trạm yêu thương': Người phụ nữ phi thường lan tỏa 'sức sống xanh'
Trạm yêu thương chủ đề "Những bước chân của mẹ" kể câu chuyện chị Lương Thị Minh Nguyệt bị thương tật đến 93%, liệt cả 2 chân, chấn thương cột sống và phải ngồi xe lăn sau tai nạn.
Mang đến Trạm yêu thương một chiếc khăn được dệt bằng sợi dứa, chị Lương Thị Minh Nguyệt (SN 1972, Sóc Sơn, Hà Nội) trân trọng và nâng niu vì đó là sản phẩm được làm bằng bàn tay của những người khuyết tật.
Nếu chỉ nhìn vào gương mặt tự tin, rạng rỡ và giọng nói lưu loát đầy lôi cuốn ít ai biết rằng chị Nguyệt đã từng phải trải qua một quãng đời đầy chông gai trước biến cố của cuộc đời.
Kể về lý do làm bạn với chiếc xe lăn, ánh mắt chị Nguyệt đượm buồn: "Năm 2014, một tai nạn không mong muốn đã xảy ra. Khi bác sĩ thông báo bị liệt hoàn toàn, tôi đã rất sốc. Cơ thể thương tật đến 93%, liệt cả 2 chân, chấn thương cột sống khiến tôi không thể di chuyển. Mọi hoạt động đều phải phụ thuộc vào người khác".
Ngoài đau đớn thể xác, tinh thần thì sụp đổ hoàn toàn, từ một người phụ nữ thành đạt, nay phải gắn liền với chiếc xe lăn khiến 2 năm liền, chị Nguyệt chỉ nghĩ đến cái chết.
Chị Nguyệt tâm sự, để vượt qua giai đoạn này vô cùng khó khăn và vất vả. Lúc ấy, thứ duy nhất níu chị lại với cuộc sống chính là cậu con trai đang học lớp 8 và cô con gái mới học lớp 4. "Khi tôi nằm một chỗ như vậy điều mà khiến tôi lo lắng nhất là các con còn nhỏ quá. Các con cần mình và mình cũng cần các con và phải quyết tâm đứng dậy" - chị kể.
Khi đã bình tâm lại, chị Nguyệt bắt đầu làm quen với cuộc sống của người khuyết tật, tìm hiểu qua mạng rồi kết nối lại với bạn bè tìm sự động viên, giúp đỡ. Chị đã cố gắng để thích ứng dần với cuộc sống, tham gia cộng đồng những người khuyết tật, gặp gỡ, tiếp xúc, từ đó hiểu hơn về cuộc sống của họ và tìm lối đi cho cuộc đời mình.
Năm 2018, Hợp tác xã "Sức sống xanh" ra đời, hoạt động theo mô hình sản xuất và thương mại với nhiều ngành nghề như trồng trọt, chăn nuôi, bán buôn, thăm quan du lịch, sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống...
Theo chị Nguyệt, "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", mỗi người khuyết tật ở "Sức sống xanh" là một mảnh đời khác nhau, có người lần đầu tiên tìm kiếm được công việc cho mình, cũng có người đã trải qua nhiều công việc khác. Song những xã viên ở đây đều có chung một ý chí là vươn lên để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
- 'Trạm yêu thương': Cuộc sống đầy màu sắc và lạc quan của người thầy khuyết tật
- 'Trạm yêu thương': Khát vọng hồi sinh của người phụ nữ bỏng nặng toàn thân 92%
- 'Trạm yêu thương': Nữ sinh cao 1m10 nuôi ước mơ trở thành cô giáo
Với chị Nguyệt, hai con chính là nguồn động lực giúp chị không ngừng cố gắng, luôn là một ngôi sao sáng để các con noi theo. Đối với Lê Hoàng Tùng (con trai của chị Nguyệt): "Điều quan trọng với em không phải là mẹ làm gì, kiếm được bao nhiêu tiền mà là mẹ tìm thấy niềm vui trong cuộc sống và giúp đỡ được nhiều người".
Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, chị Minh Nguyệt chỉ mong muốn sẽ giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khuyết tật khác, mong hai con luôn khỏe mạnh, con trai sẽ làm được công việc yêu thích còn con gái sẽ vào trường Đại học mà mình mơ ước.
Phần quà của chương trình Trạm yêu thương sẽ tiếp thêm sức mạnh giúp ba mẹ con chị Nguyệt vững vàng hơn trong cuộc sống, ươm lên những mầm non tài năng trong Hợp tác xã "Sức sống xanh".
Câu chuyện về người phụ nữ nghị lực, lan tỏa tình yêu thương đến những người khuyết tật sẽ mang đến cho khán giả nhiều thông điệp nhân văn và nghị lực sống trong Trạm yêu thương chủ đề "Những bước chân của mẹ", lên sóng lúc 10h thứ Bảy ngày 9/7 trên kênh VTV1.
Bảo Anh. Ảnh: VTV