Trả lời câu hỏi: ‘Bóng đá có gì hay?’ dưới góc nhìn khoa học
Nếu cô gái nào hỏi: "World Cup có gì hay?", hãy tự tin trả lời rằng: "Vì bộ não nghĩ mỗi trận đấu là một buổi hẹn hò thú vị".
Mùa World Cup năm nay đã hoàn toàn kết thúc. Đối với nhiều người, đặc biệt là nam giới, vừa qua là chuỗi ngày đầy thú vị, sôi động và bất ngờ với những trận cầu mãn nhãn.
Còn với một số người, có thể là vợ, bạn gái hay đồng nghiệp của bạn, giờ họ sẽ thở phào thoải mái vì... “Cuối cùng nó cũng kết thúc”.
Họ có lý do của mình, cũng như một câu hỏi đã nung nấu nhiều năm liền, đó là: “Bóng đá có gì hay?”.
Trong mắt họ, bóng đá chỉ là một đám đàn ông mặc quần đùi áo số dồn nhau quanh sân, là những đường chuyền mải miết qua lại dường như là bất tận, là những lần nghe từ “việt vị” mà không biết tại sao.
Họ không thể hiểu được tại sao có nhiều người như vậy lại sẵn sàng ngày đêm dán mắt vào TV hay màn hình điện thoại. Và rồi họ có thể trải qua vô số cảm xúc từ bất ngờ, phấn khích cho tới hân hoan trong suốt 90 hay 120 phút dài đằng đẵng, dù chẳng có bàn thắng nào được ghi.
Trong “tuần trăng mật”của cánh đàn ông mà 4 năm mới được kỷ niệm một lần này, vợ hay bạn gái của họ thậm chí cũng có thể bị gạt sang một bên. Sẽ chẳng bất ngờ khi ai đó nói với vợ họ rằng: "Nếu định khỏa thân đứng trước TV, anh khuyên em sau đấy nên mặc quần áo vào nhanh nhanh. Vì nếu bị cảm hay ốm, anh sẽ phải mất thời gian để chăm sóc hoặc đưa em đi viện. Trong khi đây là tháng World Cup của anh!"
Sự cuồng nhiệt tới điên rồ như vậy thực sự khiến những người không hâm mộ hay thích xem bóng đá thấy làm kỳ lạ. Rõ ràng, bởi xem bóng đá rất khác so với khi bạn xem hầu hết các môn thể thao khác.
Trong khi các cổ động viên đang mải mê dán mắt vào màn hình, thì những người không phải là cổ động viên lại cho rằng trận bóng thật nhàm chán. Như trận Marocco với Tây Ban Nha của kỳ World Cup năm nay, hai đội trải qua 120 phút với tỷ số 0-0 và phải quyết định thắng thua bằng loạt sút luân lưu. Sẽ có nhiều bà vợ nói với các ông chồng của họ rằng: Cả nửa ngày vờn qua vờn lại không ghi được bàn thắng thì xem làm gì? Họ sẽ nhận được câu trả lời rằng: Vì em không hiểu được cái hay của bóng đá!.
Vậy “cái hay”ở đây là gì?
Đó rõ ràng không phải luật chơi hay các hiểu biết cơ bản về đội hình, quy tắc việt vị. Nhiều người nắm rõ vấn đề này, nhưng vẫn không thấy “cái hay”. Làm sao để những người không hiểu bóng đá hiểu được khái niệm “cái hay”này một cách đơn giản nhất?
Hãy để khoa học giúp bạn. Khoa học thần kinh có thể giải thích chính xác tại sao một số người hoàn toàn không thể hiểu được niềm vui mà những người thích xem bóng đá có thể nhận được.
Câu trả lời đơn giản hơn bạn nghĩ. Trong bộ não của những người hâm mộ trái bóng tròn, bóng đá cũng giống như hẹn hò.
Và bộ não biết cách tạo sự phấn khích trước khi nó bắt đầu.
Trong não của chúng ta có một khu vực được gọi là “hạt nhân accumbens” (nucleus accumbens), khu vực này được coi là “trung tâm khoái cảm” của não. Nó nằm sâu trong não, chịu trách nhiệm tiết ra chất dopamine. Bất cứ điều gì thú vị trong cuộc sống đều kích hoạt một lượng nhỏ dopamine giải phóng trong hạt nhân accumbens. Những kích thích đó có thể là một thỏi sô cô la, một cuốn sách hay, hay hành vi tình dục. Mọi thứ thú vị với bạn đều có thể khiến nó bị kích thích.
Tuy nhiên, cùng lúc với việc giải phóng dopamine, bộ não của bạn cũng sẽ cố gắng ghi nhớ sự kiện dẫn đến việc giải phóng dopamine để có thể khiến bạn cảm thấy hạnh phúc trở lại trong một lúc nào đó ở tương lai. Hoặc ít nhất là nó dự đoán điều gì sẽ khiến bạn hạnh phúc. Vì vậy, khi bạn chuẩn bị trải nghiệm một sự kiện thú vị, bộ não của bạn sẽ nhận ra: “Này, tôi đã thấy manh mối của sự kiện này trước đây rồi!”
Vì vậy, trước khi mọi thứ xảy ra, dopamine đã bắt đầu được tiết ra.
Khi mọi người trải nghiệm điều gì đó dễ chịu hoặc báo trước điều gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra, hạt nhân accumbens (màu đỏ) giải phóng dopamine, khiến mọi người cảm thấy dễ chịu.
Hãy lấy một ví dụ cơ bản nhất. Hành vi tình dục khiến não giải phóng dopamine, và não sẽ học một số dấu hiệu có thể dự đoán chuyện đó có thể xảy ra. Chẳng hạn như một cái nắm tay, một nụ hôn trong bóng tối… Não của bạn sẽ phản ứng với từng dấu hiệu đó và chính sự giải phóng dopamine của bản thân bạn sẽ khiến những sự kiện gợi ý này trở nên thú vị.
Ví dụ, nếu bạn gái mời bạn đến căn hộ của cô ấy, bạn sẽ rất vui dù mới chỉ được ngồi trên sofa mà chưa làm gì, dù là uống một miếng nước. Không phải vì bạn sắp được làm “chuyện đó”, thậm chí một tỷ lệ rất lớn là bạn sẽ chẳng làm được gì hôm nay ngoài việc uống một ly trà. Mà vấn đề là “chuyện đó có khả năng xảy ra”. Bộ não của bạn chỉ cần như vậy. Chỉ cần nhận ra một số dấu hiệu và thế là đủ để não giải phóng dopamine khiến bạn cảm thấy lâng lâng vui vẻ, cả buổi tối sẽ diễn ra trong một tâm trạng sảng khoái tới không ngờ.
Nhưng... điều này thì liên quan gì đến bóng đá?
Bóng đá cũng giống như hẹn hò. Sự phấn khích đã diễn ra trước khi mọi thứ bắt đầu.
Xem bóng đá giống như bạn có một cuộc hẹn, dù bạn chỉ đang nằm dài trên sofa nhìn màn hình trong lúc này. Điều bất ngờ vẫn chưa xảy ra. Nhưng nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ít nhất là bộ não bạn nghĩ vậy. Vấn đề là với vợ hay bạn gái ngồi cạnh, nếu cô ấy không thể đọc được các tín hiệu trên sân, họ sẽ cảm thấy không hào hứng. Rốt cuộc, họ thấy bạn chỉ ngồi trên ghế sofa và không làm gì cả, không có bàn thắng xảy ra, vậy vẻ đẹp nào của bóng đá đang hiện diện nơi đây?
Đúng là bề ngoài, vẫn chưa có gì xảy ra. Nhưng não của những người đàn ông đã bắt đầu cảm thấy vui vẻ. Đó là lý do đôi khi người quan sát bên ngoài có thể nhìn thấy một người đang xem bóng nhếch mép cười một cách ngây ngô trong vô thức.
Các bàn thắng rất hiếm khi xảy ra trong trận đấu, nhưng khi chúng xuất hiện thì mang lại cho người xem nhiều sự phấn khích. Khi đội tuyển quốc gia bạn yêu thích ghi bàn, não sẽ giải phóng dopamine và bắt đầu ghi nhớ các sự kiện kích hoạt lượng dopamine tăng vọt này. Những người hâm mộ bóng đá và đã xem nhiều trận đấu đều biết rằng “điều gì đó” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Bất kỳ khoảnh khắc bị bỏ lỡ nào trong trận đấu đều có thể là khoảnh khắc thay đổi cục diện trận đấu, cho dù đó là một đường chuyền, chọc khe đúng thời điểm hay một quả phạt góc được dàn xếp bài bản. Thậm chí khi một quả bóng được đặt vào vị trí đá phạt, cách nó được cầu thủ căn chỉnh cũng có thể khiến bạn “mường tượng” ra điều gì đó. Những manh mối này đều quan trọng đối với một người yêu bóng đá dày dạn kinh nghiệm. Chúng chỉ ra rằng những điều thú vị sắp xảy ra. Vì vậy, bộ não của họ bắt đầu giải phóng dopamine, và thế là họ tận hưởng những khoảnh khắc này vì điều đó.
Đối với những người không xem bóng đá nhiều, mọi thứ lại rất khác. Họ không có đủ kinh nghiệm để đọc những “tín hiệu”đó trên sân. Vì vậy, não bộ của họ không bơm dopamine cho tất cả những tình huống nho nhỏ trên sân này. Họ chỉ chờ xem bàn thắng được ghi, và thứ họ nhận được có thể là ít bàn thắng hoặc cả trận hai đội không ghi được bàn nào. Vì vậy, bóng đá đối với họ thật nhàm chán.
“Đá dở cỡ này cũng có người xem à?”, một “nóc nhà” nào đó có thể đã nói thế trong những ngày vừa qua.
Trong khi đó, với những người hâm mộ bóng tròn, ngay cả khi đó là một bàn thắng không hấp dẫn - chẳng hạn như một quả bóng đập vào đầu gối của ai đó và lăn vào khung thành - điều đó cũng không thành vấn đề. Đối với những người đã xem bóng nhiều năm, bên trong não bộ của họ đã có sẵn một loạt "điều gì sẽ xảy ra" được lưu trữ sẵn, và giờ nó đang thực sự đã xảy ra . Cho dù kết quả trận đấu có là 0-0, thì việc xem các diễn biến trên sân cũng đã đủ để kích hoạt tín hiệu khen thưởng của não bộ, từ đó giải phóng một lượng lớn dopamine tưởng thưởng.
Do đó, với người thích xem bóng, không chỉ các trận cầu đỉnh cao như World Cup hay English Premier League mà ngay cả một trận đấu thuộc giải V-League cũng có thể khiến họ nhận được rất nhiều niềm vui.
Dopamine, nó là thứ “không giảng đạo lý” bao giờ.
Giờ thì chúng ta đã có thể hiểu, bóng đá mang tới một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại đối với người hâm mộ bộ môn này. Bởi mọi khoảnh khắc trên sân đều chứa đầy những lời hứa có thể thành hiện thực hoặc không. Những bàn thắng luôn sẵn sàng xảy ra, chiến thắng có thể đạt được, tất cả chúng sẽ ở dạng dopamine, liên tục khuyến khích người xem chú ý đến những gì đang xảy ra trên sân và bỏ qua người vợ đang hằn học ngồi ngay bên cạnh.
Nếu bạn không thích xem bóng đá, nhưng người thân và bạn bè của bạn là những người hâm mộ trái bóng tròn, hãy kiên nhẫn và cảm thông với họ trong thời kỳ "trăng mật" này. Xét cho cùng, cấu trúc não bộ và phương thức phản ứng của họ thực sự cũng giống như của bạn, nhưng tín hiệu phần thưởng của cả hai lại hoàn toàn khác biệt với nhau.