Trà đạo kiểu... Việt Nam
Thoạt nghe cứ tưởng đang ở một CLB người cao tuổi nào đó. Nhưng Trà Việt lại là thế giới của những người trẻ. Cả “chủ” - thành viên CLB - lẫn “khách” - người tham dự phần lớn trong độ tuổi đôi mươi.
Bộ trà cụ |
Vẫn còn quá sớm để nói Trà Việt đã thành công với lý tưởng của mình. Nhưng hình ảnh các bạc trẻ 8X, 9X quây quần bên khay trà, gật gù tâm đắc về văn hóa trà thực sự là điều đáng mừng cho những giá trị truyền thống trong một xã hội hiện đại. Anh An, một thành viên khác bày tỏ: “Chúng tôi tin tưởng vào một tương lai không xa “trà sen” sẽ có mặt trong từ điển quốc tế như “phở”, văn hóa trà Việt sẽ được thừa nhận rộng rãi. Việc đài Truyền hình Quốc gia Thụy Sĩ TSR chọn Trà Việt trình diễn nghệ thuật pha trà để ghi hình cho một phóng sự về trà Việt Nam tháng 6/2008 vừa qua chứng tỏ những nỗ lực của chúng tôi đã được ghi nhận”.
Vậy Việt Nam có trà đạo hay không?
Buổi sinh hoạt của CLB Trà Việt |
Trong dân gian thì những chứng cứ còn rõ ràng hơn. Ông bà ta bao đời nay vẫn truyền tụng câu ca dao: Làm trai biết đánh tổ tôm/Uống trà Mạn Hảo, ngâm nôm Thúy Kiều. Nghệ nhân Viên Trân cho biết: Mạn Hảo nay thuộc Vân Nam (Trung Quốc) nhưng thuở xa xưa là lãnh thổ của tộc Bách Việt tức Việt Nam ta. Cây chè, văn hóa uống trà xuất phát từ nền văn minh lúa nước phương Nam sau đó mới du nhập vào nền văn minh du mục của các bộ tộc bờ Bắc sông Dương Tử, trung tâm của nền văn minh Hoa Hạ, để rồi lan khắp năm châu bốn biển như ngày nay.
Tâm hồn Việt trong một chén trà
Trà Việt chứa đựng tâm hồn Việt Nam tự do phóng khoáng, chan hòa với thiên nhiên và không thể lẫn với bất kỳ nền văn hóa trà nào. Trà đạo Chanoyu Nhật Bản đặc sắc với những lễ nghi cầu kỳ, phức tạp, những chuẩn mực nghiêm khắc thể hiện “thần thái” của một nền văn hóa trọng quy củ, phép tắc của giới võ sĩ quý tộc. Gongfucha Trung Hoa đẹp mắt, kiểu cách với những động tác biểu diễn mềm mại, uyển chuyển như múa, như xiếc kết tinh của bề dày hàng ngàn năm văn hiến bác học. Trà Việt lại chuộng cái tự nhiên, cái “tùy hứng” của một dân tộc thích tự do tự tại, khó gò mình vào khuôn phép, luôn sống linh động thích nghi với hoàn cảnh, với tự nhiên. Uống trà là tùy theo tâm trạng, theo tình huống, theo hoàn cảnh, không có bất kỳ quy tắc nào gò bó việc thưởng trà.
Theo nghệ nhân Viên Trân, có thể chia văn hóa trà Việt ra làm hai loại: trà bác học và trà dân gian. Trà bác học dành cho giới quý tộc vốn ưa chuộng những trà cụ đắt tiền, những loại trà thượng hảo hạng nhập từ Trung Hoa. Các nhà quyền thế thường có đủ bộ trà cụ phục vụ cho bốn mùa trong năm. Mùa nào ấm nấy, trà nấy. Mùa Xuân khí trời thanh thoát, trong mát thì chọn loại ấm hoa văn thanh tao; mùa Hạ nóng nực trà sen vị thanh mát là hợp khẩu vị nhất; mùa Thu có trà ngâu, trà xanh; mùa Đông giá rét không gì tuyệt bằng trà đắng ấm sành. Khi pha trà cũng khá cầu kỳ, phải có đủ chén quân, chén tống, phải tỉ mỉ trong các công đoạn chọn ấm, chọn nước, chọn trà...
Trà dân gian dành cho người bình dân. Không cần cầu kỳ kiểu cách, trong nhà chỉ cần ấm, nắm chè tươi là đủ. Sáng dậy bắc nồi nước chuẩn bị om trà là thói quen từ bao đời nay của người dân ta. Chén trà buổi sớm làm ấm người, tỉnh táo tinh thần cho một ngày mới. Người nông dân ra đồng mang theo ấm trà ủ trong sọ dừa, lúc nghỉ trưa ngồi tựa gốc cây hút điếu thuốc, uống chén trà tươi quên mệt nhọc. Chiều tối, sau bữa cơm, cả nhà quây quần bên ấm chè tươi thật đầm ấm...
Ông bà ta có câu “rượu trên be, chè dưới ấm”. Trà ngon phải ở dưới đáy. Và câu “tiền chủ hậu khách” có lẽ cũng xuất phát từ phong tục mời trà: chủ rót cho mình trước rồi mới tới khách - dành phần nước trà ngon cho khách, thể hiện sự mến khách, tôn trọng khách của chủ nhà. Ngoài ra chủ có thể rót trà ra chén tống trước rồi mới chuyên sang các chén quân mời khách hoặc rót trà theo kiểu xoay vòng để ai cũng nhận được phần trà ngon. Tất cả thể hiện sự tinh tế, ý nhị trong ứng xử của người Việt.
Cách cầm chung trà cũng thể hiện được sự linh hoạt, tự do. Những bậc tao nhân mặc khách uống trà kiểu bác học thì có cách cầm “tam long giá ngọc” ba ngón tay chụm lại đỡ lấy chung trà, đưa lên môi thì quay cổ tay ra che miệng thật ý nhị. Những bậc tu hành trân trọng dùng hai tay úp lấy chén trà như hình búp sen để hương trà xông lên mũi, hơi ấm từ chung trà lan tỏa khắp hai tay thể hiện sự giao thoa tuyệt đối với trà. Chủ kính cẩn dùng hai tay mời trà cho khách thật trang trọng hoặc cứ tự nhiên cầm lấy chén trà, kiểu nào cũng được không câu nệ hình thức.
Người Việt có thể uống trà mọi nơi: trên phản tre, sập gỗ, chiếu cói hay ngồi bờ ruộng, chân đê, trong thư phòng hay một mình một ấm giữa trời. Dù uống trong chén ngọc, chén sành sứt mẻ hay trong cái gáo dừa, chén trà vẫn vậy, vẫn là chất xúc tác giúp con người giao hòa với thiên nhiên, với cuộc đời. Văn hóa trà Việt lan tỏa mọi nơi, dù lầu son gác tía hay mái tranh nghèo đều “bình đẳng” trước trà.
Văn hóa trà Việt thời hội nhập
Được đánh giá là một nền văn hóa mở, dễ tiếp biến những giá trị văn hóa bên ngoài, văn hóa trà Việt Nam cũng đã biến đổi theo xu hướng đa cực, đa văn hóa. Theo PGS. Đỗ Ngọc Quỹ thì “cấu trúc nền văn hóa trà Việt Nam gồm ba lớp, tương ứng với nền văn hóa chè bản địa (chè tươi - chè mạn), rồi phát triển trong sự tiếp biến rất đậm nét với nền văn hóa trà khu vực Trung Hoa (trà tàu - trà ô long) và sau đó với nền văn hóa trà phương Tây (trà đen, trà mảnh, trà đá, trà túi)”. Và trong thời đại ngày nay thì có thêm một nền văn hóa trà “toàn cầu” chuộng sự tiện dụng, gọn nhẹ, uống liền như: trà sữa trân châu, trà xanh 0 độ, trà chanh ice tea... Các quán trà đa văn hóa: Lipton, trà đạo Nhật Bản, trà Trung Hoa... cũng mọc lên khắp nơi đáp ứng nhu cầu “hội nhập” của mọi người, đặc biệt là giới trẻ.
Vậy với sự phát triển của văn hóa trà lon, trà uống liền thì văn hóa trà Việt có bị mai một? Nghệ nhân Viên Trân - chủ nhân quán trà Hiện quán, một không gian trà cổ kính hiếm thấy giữa lòng Sài Gòn - khẳng định: một khi trong gia đình Việt Nam còn có bình trà, một khi người Việt vẫn xem “chung trà là đầu câu chuyện”, vẫn dùng trà để đãi khách, một khi người Việt Nam vẫn còn uống trà thì văn hóa trà Việt vẫn còn mãi. Thậm chí nó còn có biến thể rất đặc sắc: văn hóa “trà đá”. Xuất xứ từ Sài Gòn nhưng ngày nay thức uống bình dân này đã có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm, từ khách sạn năm sao đến quán cóc lề đường. Người Việt Nam hiện nay không ai là không uống trà đá. Giữa trưa nắng gắt không gì sảng khoái bằng một ly trà đá. Trên nông trường, giữa công trường, trong quán ăn, nơi trường học, phòng hội nghị... không nơi nào là không có chỗ cho trà đá. Có thể xem trà đá là một loại trà dân gian thời hiện đại, là sự thay thế xứng đáng cho trà xanh ngày xưa.