TP.HCM: Tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 ở vùng xanh, vùng vàng dưới 1%
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều tối 17/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Tại cuộc họp này có nhiều nội dung được dư luận quan tâm, như tỷ lệ dương tính với SARS-CoV-2 tại khu vực vùng xanh, vùng vàng; cung ứng lương thực, thực phẩm thời gian tới cũng như các vấn đề liên quan đến lưu thông, đi lại của người dân.
Tỷ lệ dương tính vùng xanh, vùng vàng dưới 1%
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang bước vào đợt xét nghiệm thứ 4. Từ 18 giờ ngày 15/9 đến 18 giờ 16/9, Thành phố đã lấy hơn 319.000 mẫu xét nghiệm, trong đó có hơn 14.600 mẫu đơn và 4.331 mẫu gộp, số mẫu làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên gần 279.000 mẫu. Qua đợt xét nghiệm, tỷ lệ dương tính tại vùng xanh và cận xanh là 0,5%, vùng vàng là 0,6%.
Theo Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, với các trường hợp mẫu xét nghiệm gộp nhiều người cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, ngành y tế phải giải gộp, tức làm lại mẫu xét nghiệm đơn cho từng người. Ví dụ, gộp 10 mẫu dương tính thì làm lại xét nghiệm đơn cho 10 người để có kết quả cuối cùng chính xác nhất. Do đó, tùy theo khu vực, vùng, số mẫu thực hiện sẽ khác nhau.
Theo chỉ đạo mới, từ ngày 16-30/9, thành phố tiếp tục thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm liên tục, duy trì kiểm soát nguồn lây và phát hiện triệt để các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, phấn đấu kiểm soát dịch bệnh và thực hiện lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo đó, các địa phương phải triển khai thần tốc lấy mẫu xét nghiệm để bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Tại các vùng đỏ, vùng cam, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp xét nghiệm nhanh mẫu gộp hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình, giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh.
Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh, thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình; trong đó, gộp 10 mẫu cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 mẫu cho vùng vàng. Mẫu xét nghiệm đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc với nhiều người khác. Nếu hộ gia đình có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện, tần suất lặp lại 5-7 ngày/lần.
Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, đến ngày 16/9, thành phố đã tiêm 8.563.863 mũi vaccine, trong đó tổng số mũi 1 là 6.693.404 mũi và mũi 2 là 1.870.459 mũi. Số người được tiêm trên 65 tuổi và người có bệnh nền là 992.614 người.
Về số lượng người còn lại chưa tiêm, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, thông qua thống kê từ các quận, huyện, còn 515.988 người chưa tiêm mũi 1 và 1.782.496 người cần tiêm mũi 2, bao gồm các loại vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Vero Cell. Như vậy, đến ngày 30/9, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần tổng cộng 2,2 triệu liều vaccine để tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người dân. Số vaccine hiện có của thành phố, kể cả tại kho của thành phố và các quận, huyện là 410.820 liều vaccine các loại gồm Astra Zeneca, Pfizer và VeroCell, còn cần thêm hơn 1,8 triệu liều mới đủ bao phủ. Sở Y tế đã báo cáo thành phố và đề xuất Bộ Y tế, theo điều kiện Trung ương phân bổ, có vaccine tới đâu thành phố sẽ tiêm tới đó.
Tháo gỡ khó khăn cho ngành lương thực, thực phẩm
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành lương thực, thực phẩm thành phố trong 9 tháng qua gặp rất nhiều khó khăn do các đợt dịch liên tục bùng phát. Tốc độ phát triển chung của ngành giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, riêng nhóm chính liên quan đến việc cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm vẫn tăng trưởng tốt do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Mặt khác, nhóm rượu bia và thực phẩm chế biến thức ăn nhanh giảm. Nhóm này có tỷ trọng cao trong nhóm ngành chế biến lương thực, thực phẩm nên đã gây ảnh hưởng chung lên tốc độ phát triển toàn ngành.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở Công Thương phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tham mưu, kiến nghị cho thành phố một số giải pháp. Trong đó, tập trung vào việc kết nối với các địa phương, đơn vị cung ứng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, bổ sung nguyên vật liệu cho từng lĩnh vực tương ứng. Ngoài ra, Sở cũng sẽ cố gắng phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện cấp giấy đi đường và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lực lượng quản lý, lao động.
Về giải pháp lâu dài, Sở Công Thương tham mưu lãnh đạo thành phố thành lập Hội đồng phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, đề xuất các phương án, giải pháp, định hướng, hỗ trợ ngành lương thực, thực phẩm thành phố phục hồi sản xuất và giải quyết khó khăn trong đầu tư, sản xuất, lao động và tiếp cận vốn cùng những vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển của ngành thời gian tới.
Trước thông tin về việc có doanh nghiệp kinh doanh ăn uống còn gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy đi đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngày 17/9, Công an Thành phố đã ban hành công văn hướng dẫn số 3679 gửi công an các địa phương, yêu cầu công an địa phương tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phân công đơn vị tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và cấp giấy đi đường cho các đơn vị thuộc diện được phép hoạt động. Hiện Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển bổ sung cho các địa phương hơn 15.000 giấy đi đường để cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, trên thực tế nhiều người dân, hộ kinh doanh liên hệ với UBND tại địa phương nhưng không biết tiếp xúc ai để thực hiện thủ tục nhằm hoạt động trở lại. Do đó, Công an Thành phố yêu cầu các đơn vị cấp dưới phải cung cấp địa chỉ mail, số điện thoại… để người dân liên hệ. Ngoài ra, Công an Thành phố cũng đề nghị các đơn vị công an cấp huyện, xã trực hằng ngày, kể cả thứ 7 và chủ nhật để tiếp nhận, xem xét và giải quyết thủ tục ngay trong ngày cho doanh nghiệp, người dân.
Phương tiện lưu thông tăng nhưng không ùn tắc tại các chốt, trạm kiểm soát
Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng, từ 0 giờ ngày 16/9, thực hiện Công văn 3072, Thành phố đã cho phép một số doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh mở cửa hoạt động, lực lượng shipper được giao hàng liên quận, đặc biệt là tại 3 địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh là Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ. Do đó, số lượng người dân ra đường có đông hơn nhưng lưu lượng chung không quá đông, không xảy ra ùn tắc, các chốt kiểm soát xử lý cho người dân qua nhanh.
- Triệu chứng mắc Covid-19 kéo dài ở trẻ em và thanh thiếu niên không quá 12 tuần
- Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đầu tiên được điều trị thành công bằng kỹ thuật ECMO
- Cần phân loại nguy cơ dịch Covid-19 theo mức độ hẹp nhất, không theo chỉ giới hành chính
“Số liệu ngày 16/9 cho thấy lượng người lưu thông trên đường có tăng, nhưng chỉ tăng 5% so với ngày 15/9, vẫn thấp hơn khoảng 75% so với trung bình ngày thường. Tại một số thời điểm người dân tập trung khá đông tại các chốt kiểm soát, lực lượng công an, quân đội đã đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, không để xảy ra ùn ứ quá lâu. Còn lưu lượng chung thì qua quan sát chúng tôi nhận thấy không đông”, ông Phan Công Bằng cho biết.
Liên quan các giải pháp, kế hoạch của ngành giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ở giai đoạn tiếp theo, ông Phan Công Bằng cho biết, hiện nay việc cấp phép luồng xanh qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố đến nay cơ bản ổn định. Dự kiến sau ngày 30/9, ngành giao thông vận tải thành phố sẽ xây dựng bộ tiêu chí an toàn, làm căn cứ để hoạt động; bộ tiêu chí này đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt. Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lập một nhóm liên lạc trên ứng dụng Zalo với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Tây Ninh… nhằm phối hợp nhanh chóng giải quyết vướng mắc khi xảy ra sự cố.
Thông tin tại họp báo, Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố hiện vẫn không thay đổi. Về quân số, do nhu cầu của công tác chăm sóc bệnh nhân đang tăng cao, Bộ Quốc phòng đã tăng cường thêm 130 tổ quân y, nâng tổng số lên 530 tổ để phối hợp với lực lượng y tế cơ sở chăm lo cho bệnh nhân COVID-19 và người dân.
Hồng Giang/TTXVN