TP HCM giải bài toán ngân sách từ nguồn lực nhà, đất công
(Thethaovanhoa.vn) - Do ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, số thu ngân sách trên địa bàn Tp.Hồ Chí Minh trong 2 tháng gần đây đã sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay và giảm sâu so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến khả năng thành phố sẽ hụt thu ngân sách cuối năm, nếu không bảo đảm số thu trong quý còn lại.
Nguy cơ hụt thu ngân sách
Theo UBND Tp.Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trong 9 tháng năm 2021 là 271.639 tỷ đồng, đạt 74,44% dự toán, tăng 7,96% cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt 184.319 tỷ đồng, đạt gần 72% dự toán, tăng 4,39% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 87.300 tỷ đồng, đạt gần 81% dự toán, tăng trên 16% so với cùng kỳ.
Số thu ngân sách trên địa bàn thành phố vẫn tăng là nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp khối bất động sản và khối tài chính ngân hàng trong những tháng đầu năm 2021; trong đó, số thu của khối bất động sản một phần là từ các khoản tích lũy trong nhiều năm trước đến nay các đơn vị thực hiện kê khai quyết toán.
Tuy vậy, bóc tách số thu theo tháng kể từ tháng 5/2021 – thời điểm làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, thì lại có xu hướng giảm mạnh.
Dưới áp lực bùng phát dịch, việc Tp.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành thực hiện giải pháp tăng cường giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông hàng hóa đã làm tăng trưởng của khu vực kinh tế giảm dần.
Các ngành tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm như bất động sản, tài chính ngân hàng khi qua tháng 7 đều có dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, Tp.Hồ Chí Minh cũng triển khai các chính sách giảm, giãn thuế theo quy định.
Do đó, số thu ngân sách trên địa bàn thành phố từ tháng 5 đến nay có xu hướng giảm dần so với số thu của tháng trước nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, theo số liệu của Sở Tài chính Tp.Hồ Chí Minh, số thu tháng 8/2021 (không kể số thu từ quỹ dự trữ tài chính) trên địa bàn đạt 20.437 tỷ đồng, thấp hơn 32,8% số thu trung bình một tháng phải thu, giảm hơn 37% so với số thu tháng 7/2021 và giảm 19,39% so cùng kỳ. Qua tháng 9/2021, số thu cũng ghi nhận thấp hơn 48,76% số thu trung bình một tháng phải thu, giảm 23,76% so với số thu tháng trước đó và giảm 49,3% so cùng kỳ.
Theo bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Tp.Hồ Chí Minh, việc thu ngân sách trong 2 tháng gần đây sụt giảm sâu so với cùng kỳ và những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh lên các hoạt động kinh tế, đang đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề cho ngành tài chính nói riêng và thành phố nói chung trong những tháng cuối năm. Khả năng hụt thu ngân sách cuối năm là rất lớn, nếu không bảo đảm số thu trong quý IV.
Tuy vậy, đại diện Sở Tài chính cũng cho rằng, với những kết quả thành phố đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh cùng với những giải pháp phục hồi kinh tế sẽ là những tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thu chi ngân sách trong những tháng cuối năm.
Rà soát các nguồn thu liên quan đến nhà, đất công
Trong năm 2021, Tp. Hồ Chí Minh được giao dự toán thu cân đối ngân sách nhà nước là 364.893 tỷ đồng, giảm 10,1% so dự toán năm 2020 và giảm 1,7% so với thực hiện năm 2020. Với diễn biến thu ngân sách trong những tháng gần đây, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đạt trên 90% chỉ tiêu thu ngân sách trong năm 2021.
Tại cuộc họp triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội 3 tháng cuối năm tổ chức mới đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ tập trung triển khai nhóm nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách hợp lý, vừa đảm bảo tỷ lệ thu cao nhất có thể, vừa chăm lo nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, thành phố cũng có kế hoạch rà soát các nguồn thu từ nhà công, đất công, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Cụ thể, UBND Tp.Hồ Chí Minh sẽ tập trung đánh giá, rà soát kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 11/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy thành phố về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn.
Dẫn số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính thành phố cho biết, hiện Tp.Hồ Chí Minh còn 13 dự án có thể giao đất thu tiền ngay trong năm 2021. Bên cạnh đó, có 4 khu đất có thể bán đấu giá quyền sử dụng đất. Theo dự tính, số tiền thu về từ các khoản này có thể lên đến 21.000 tỷ đồng và ngân sách địa phương có thể giữ lại 100%.
Đối với nhà công, đất công do các cơ quan đơn vị trên địa bàn đang quản lý, hiện thành phố có hơn 400 địa chỉ nhà đất. Qua rà soát lại, danh mục còn hơn 70 địa chỉ nhà đất có thể bán đấu giá quyền sử dụng đất và các địa chỉ này hiện đang nằm tại các quận huyện và Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố quản lý.
Đại diện Sở Tài chính đề nghị các địa phương rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất đối với các địa chỉ nhà công, đất công trên. Trong trường hợp thay đổi phương án xử lý, sắp xếp, địa phương cần báo cáo sớm cho Sở Tài chính để có phương án cập nhật giải quyết.
- Công bố thông tin bất động sản, nhà ở xây theo tiến độ
- Bất động sản Hà Nội vào 'tầm ngắm' của nhà đầu tư
Liên quan đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.Hồ Chí Minh cụ thể thêm, hiện có 4 lô đất đã được UBND Tp.Hồ Chí Minh duyệt với giá khởi điểm là 5.300 tỷ đồng. Lộ trình dự kiến sẽ được đấu giá vào giữa tháng 11/2021.
Bên cạnh đó, quỹ nhà 3.790 căn hộ thuộc chương trình 12.500 căn hộ tái định cư Thủ Thiêm đã để hoang nhiều năm qua đã được Hội đồng nhân dân Tp.Hồ Chí Minh thông qua mức giá 14.738 tỷ đồng. Hiện còn các bước trình UBND duyệt giá và đấu giá. Dự kiến tháng 12/2021 sẽ đấu giá để có nguồn thu từ quỹ nhà này.
Ngoài ra, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cũng cho biết, đơn vị này đang phối hợp với Sở Tài chính rà soát lại 28 dự án khác, khả năng trình UBND thành phố trong tháng 11-12/2021. Các dự án này dự kiến sẽ mang về nguồn thu khoảng 16.500 tỷ đồng cho ngân sách thành phố.
“Sau khi Tp.Hồ Chí Minh trở lại trạng thái “bình thường mới”, lượng hồ sơ mua bán tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố là khá lớn. Dự báo từ nay đến cuối năm, sẽ có hơn 95.000 hồ sơ cần giải quyết. Theo đó, dự kiến sẽ có khoảng 3.000 tỷ đồng tiền thuế thu được từ hoạt động mua bán tài sản gắn liền với đất”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Tp.Hồ Chí Minh cho biết thêm.
H.Chung/TTXVN