Toyota V-League 2017: Nhà giàu cũng khóc
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ sau 3 lượt trận đầu tiên đã phân hóa 2 thái cực rất rõ ràng trên 2 đầu bảng. FLC Thanh Hóa, Hà Nội FC vẫn yên vị nhất, nhì bảng, trong khi những “đại gia” khác bắt đầu thấy "thổn thức" cho số phận của mình.
- Cuộc đua vô địch V.League 2017: 30 chưa phải là Tết!
- V.League 'đánh bạc' với cầu thủ ngoại
- Lịch TRỰC TIẾP vòng 16 Toyota V.League 2017
1. HLV Chu Đình Nghiêm từng chia sẻ giai đoạn đầu mùa khi Hà Nội FC phải "phân thân" ở cả 2 đấu trường quốc nội lẫn quốc ngoại rằng áp lực khiến thành tích đội bóng không như ý. Nhưng giờ đây, khi chia tay đấu trường AFC Cup để dồn sức cho V-League, đội bóng Thủ đô vẫn khấp khởi lo lắng cho mục tiêu bảo vệ chức vô địch không thành.
3 trận đầu lượt về, Hà Nội thắng 1, hòa 1 và thua 1, đủ khiến tình hình ngày càng phức tạp cho họ. Sự thăng tiến mạnh mẽ của FLC Thanh Hóa cũng là một áp lực mạnh mẽ lên vai thầy trò Chu Đình Nghiêm. Đội bóng xứ Thanh dù không sở hữu đội hình chất lượng hơn Hà Nội nhưng bù lại, tài thao lược của HLV Petrovic đã biến CLB này mang dáng dấp Quân vương. Những trận thắng ngược dòng, những bàn thắng phút cuối trận đến liên hồi như hệ thống cho thấy sự tập trung và bản lĩnh của FLC Thanh Hóa.
Trong khi đó, nhiều người có cảm giác Hà Nội FC "vừa đá vừa run". Ngoài gánh nặng vô địch, đội bóng Thủ đô còn phải lo đối phó với dư luận xã hội xuất phát từ những cái đầu nóng của cầu thủ trên sân. Sau Samson đều đặn mỗi mùa nghỉ khoảng 5 trận, đến lượt Sầm Ngọc Đức phải ngồi ngoài gần hết lượt đi. Hành động phi thể thao của Ngọc Đức ngày mở màn lượt về với Hải Phòng, Hà Nội cho thấy tinh thần họ bị ảnh hưởng nặng nề với 2 trận đấu từ hòa tới thua. Tạm khép lại lượt đi, Hà Nội mới là đội vô địch nhưng chỉ sau 3 trận lượt về, thầy trò Chu Đình Nghiêm bị đối thủ trực tiếp FLC Thanh Hóa bỏ xa đến 5 điểm. Con số này không dễ san lấp, nhất là khi HLV Petrovic – người tôn thờ triết lý bóng đá ra sân để chiến thắng luôn yêu cầu đề cao tính tập trung và kỷ luật trong đội bóng của ông.
2. Một đại gia khác đang làm chát lòng người hâm mộ lẫn giới chuyên môn - B.Bình Dương. 3 thất bại liên tục từ đầu lượt về khiến đội bóng đất Thủ rơi xuống thay thế cho vị trí tưởng chừng đã mặc định cho XSKT Cần Thơ. Công cuộc trẻ hóa của B.Bình Dương có thể xem như thất bại toàn tập cho đến thời điểm này.
Càng đá càng thấy khoảng cách cầu thủ trẻ Bình Dương quá xa so với mặt bằng chung. Chỉ riêng việc thiếu cựu binh Tấn Tài ở hàng tiền vệ cũng khiến B.Bình Dương "gãy" cả trục giữa, chưa kể họ thường xuyên vắng thêm cả hàng tứ vệ. Không còn ai nhận ra bộ mặt của CLB giàu truyền thống nhất V-League khi họ không bạo chi như trước. Thế nên không khó hiểu khi những trận đấu trên sân nhà của họ, CĐV quay lưng.
3 lượt trận đầu lượt về không thiếu những yếu tố bất ngờ sau thời gian nghỉ dai dẳng. Những đội bóng như Than Quảng Ninh, Sài Gòn, TP.HCM, XSKT Cần Thơ hay SHB Đà Nẵng đã tận dụng thời gian này để âm thầm "sống dậy". Quãng nghỉ dài hơi buộc các CLB phải duy trì sự tập trung và củng cố lực lượng, đặc biệt phải tìm được những ngoại binh hay (trường hợp Da Sylva của TP.HCM hay Sunday của XSKT Cần Thơ) mới mong nghĩ đến khác biệt.
Thay vì than trời bởi lịch đấu đã an bài, các CLB nên xem đó là bài học cho mình.
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa