Tour de France 2019: Khi người Pháp ngập tràn hy vọng
(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 3 thập kỷ trắng tay ở chính giải đua danh giá trên sân nhà, người Pháp đang đặt cả niềm hy vọng vào Julian Alaphillippe, cua-rơ đã mặc áo vàng suốt 8 chặng liên tiếp vừa qua.
“JOUR DE FRANCE” là dòng tít lớn mà nhật báo nổi tiếng L’Equipe giật ngay trang 1 trong số báo ngày Chủ nhật. Đó là một ngày đáng nhớ đối với nước chủ nhà khi Thibaut Pinot vô địch “chặng nữ hoàng” tại con đèo nổi tiếng Col du Tourmalet, còn đồng hương của anh là Julian Alaphilippe thì tiếp tục giữ chiếc áo vàng chung cuộc và được kỳ vọng sẽ trở thành nhà vô địch Pháp đầu tiên của Tour de France kể từ sau huyền thoại Bernard Hinault năm 1985.
Niềm hy vọng Julian Alaphillipe
Simon Yates là tay đua xứng đáng được ca ngợi khi đã vô địch hai trong 4 chặng gần nhất. Sau khi chiến thắng ở Bagneres-de-Bigorre hôm thứ Năm, tay đua người Anh tiếp tục tấn công Prat d’Albis, và tiếp tục thành công. Song tâm điểm của sự chú ý lại thuộc về một cái tên khác, một tay đua chủ nhà có khả năng bước lên bục vinh quang vào cuối tuần này.
Ở Anh, rất nhiều fan của Bradley Wiggins, Chris Froome và Geraint Thomas còn chưa chào đời vào năm mà Hinault giành áo vàng Tour de France lần thứ 5 (1985), và cũng là lần gần nhất cho người Pháp. Năm đó, Hinault đã giành lại áo vàng từ tay đồng hương Laurent Fignon. Thế rồi chẳng hiểu sao người Pháp trải qua cơn khô hạn chức vô địch ở Tour de France, kéo dài đến 34 năm. Cơn khát ấy còn dài hơn cả việc MU không vô địch Anh trong giai đoạn 1967-1992, hay Ferrari trắng tay ở giai đoạn 1979-2000.
Kể cả khi người bước lên bục vinh quang ở Champs Elyseés vào Chủ nhật này không phải Julian Alaphillipe, thì anh vẫn được nhớ đến bởi những cảm xúc đã mang lại, nhất là với các khán giả chủ nhà. Cua-rơ này đã vô địch chặng thứ ba và sau đó giành áo vàng, anh cũng vượt trội tất cả các đối thủ trong chặng đua tính giờ ở Paul hôm thứ Sáu, trong đó có ứng viên số một Geraint Thomas. Từ chặng này qua chặng khác, Alaphillipe đã trình diễn một phong cách rất đặc biệt, tự phát và chấp nhận liều lĩnh, nhưng vẫn rất đáng xem. Cua-rơ 27 tuổi đến từ Loire Valley này có một đội để hỗ trợ, nhưng hầu như suốt cả cuộc đua, anh chiến đấu như một kiếm sĩ cô độc trước nhiệm vụ bất khả thi. Anh đã mang chiếc áo vàng, với gánh nặng từ lịch sử, như thể nó nhẹ tựa lông hồng, và từ Alaphillipe người ta thấy toát ra vẻ lạc quan, kể cả khi anh bị ngã và có dấu hiệu xuống sức trong ngày Chủ nhật.
Người Pháp không chỉ có Julian Alaphilippe
Cuộc đua vô địch đang diễn ra rất quyết liệt khi Alaphillippe chỉ hơn người thứ nhì Geraint Thomas có 1 phút 35 giây. 5 cua-rơ xếp sau Alaphillipe là Geraint Thomas (Anh), Steven Kruijswijk (Hà Lan), Thibaut Pinot (Pháp), Egan Bernal (Colombia), và Emanuel Buchmann (Đức) đều có cơ hội khi chỉ hơn kém nhau vỏn vẹn 39 giây. Với phong độ rất tốt ở các chặng leo núi, Pinot rõ ràng đang có lợi thế khi đoàn đua bước vào 3 ngày đua ở dãy Alps.
Bảy năm trước, Pinot ra mắt Tour de France ở tuổi 22 và trở thành nhà vô địch chặng trẻ nhất kể từ năm 1947. HLV Dave Brailsford của Liên đoàn xe đạp Anh lúc đó nhận xét: “Cậu ấy là một tay đua toàn năng: leo núi giỏi, rất mạnh mẽ, quyết liệt, tinh thần rất tốt”. Bailsforld giờ là lãnh đội của Team Ineos – tên gọi cũ của Team Sky – đội đua đã sở hữu 6/7 nhà vô địch Tour de France gần nhất. Mặc dù đang sở hữu hai gương mặt trong Top 5 là Geraint Thomas và Egan Bernard, song Brailsford hẳn rất muốn chiêu mộ Pinot (hiện khoác áo Groupama-FDJ) về đội của ông. Khi đoàn đua vượt qua con đèo Izoard, Galibier và Iseran, sở trường leo núi của Pinot hẳn sẽ lại được phát huy.
Thời gian sẽ trả lời xem ai là người sẽ được tôn vinh tại Champs Elyseés cuối tuần này, nhưng rõ ràng với Julian Alaphillipe và Thibaut Pinot, người Pháp đang ngập tràn hy vọng chấm dứt cơn khát đã kéo dài hơn 3 thập kỷ qua.
Bảng xếp hạng áo vàng sau 16 chặng 1.Julian Alaphilippe (Pháp), Deceuninck–Quick-Step: 64h 57' 32" 2.Geraint Thomas (Anh), Team Ineos: + 1' 35" 3.Steven Kruijswijk (Hà Lan), Team Jumbo–Visma: + 1' 47" 4.Thibaut Pinot (Pháp), Groupama–FDJ: + 1' 50" 5.Egan Bernal (Colombia), Team Ineos: + 2' 02" 6.Emanuel Buchmann (Đức), Bora–Hansgrohe: + 2' 14" 7.Mikel Landa (Tây Ban Nha), Movistar Team: + 4' 54" 8.Alejandro Valverde (Tây Ban Nha), Movistar Team: + 5' 00" 9.Rigoberto Urán (Colombia), EF Education First: + 5' 33" 10.Richie Forte (Australia), Trek-Segafredo: +6' 30" 10. |
Phương Chi