Tổng thống D. Trump ban hành các sắc lệnh cấm TikTok và WeChat tại Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh cấm mọi giao dịch với 2 công ty của Trung Quốc gồm ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok, và Công ty Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin WeChat. Các sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong 45 ngày tới.
Những sắc lệnh trên được ban hành trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Trump trong tuần này thông báo đang đẩy mạnh các biện pháp "lọc" những ứng dụng "không đáng tin cậy" của Trung Quốc trong các mạng lưới công nghệ số ở Mỹ và gọi những ứng dụng như TikTok và WeChat là "những mối đe dọa nghiêm trọng".
Sắc lệnh của Tổng thống Trump có đoạn cho rằng ứng dụng TikTok có thể được sử dụng trong các chiến dịch đưa thông tin sai lệch vì mục đích chính trị và Mỹ "phải có những hành động quyết liệt với các chủ sở hữu của TikTok để bảo vệ an ninh quốc gia".
Trong sắc lệnh khác, ông Trump cho rằng ứng dụng WeChat "tự động thu thập số lượng lớn thông tin từ người dùng". Việc làm này đe dọa tới khả năng bảo mật thông tin cá nhân và ưu tiên thông tin của người dân Mỹ. Với sắc lệnh này, WeChat sẽ bị cấm tại Mỹ trong 45 ngày tới, theo đó mọi cá nhân hoặc tổ chức trong tầm ảnh hưởng của luật pháp Mỹ sẽ không được phép thực hiện các giao dịch liên quan tới WeChat với Công ty Tencent. Hiện Tencent và ByteDance chưa có bình luận chính thức về thông tin này.
Trước đó, cùng ngày Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật cấm các nhân viên chính phủ tải ứng dụng TikTok về điện thoại. Phóng viên TTTXVN tại Washington cho biết theo quy trình lập pháp, dự luật nói trên sẽ được chuyển tới Hạ viện để xem xét thông qua. Dự luật có đoạn nêu rõ tất cả các nhân viên chính quyền, thành viên Quốc hội hoặc người làm việc tại các tập đoàn thuộc Chính phủ Mỹ không được phép tải về hoặc sử dụng ứng dụng TikTok hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác của công ty ByteDance trên các thiết bị do Chính phủ Mỹ hoặc một tập đoàn thuộc Chính phủ Mỹ phát hành. Những ngoại lệ được nêu trong dự luật bao gồm hoạt động nghiên cứu an ninh mạng, hoạt động hành pháp, biện pháp trừng phạt hoặc hoạt động tình báo.
Trong tuần qua, Tổng thống Trump từng thể hiện ủng hộ Tập đoàn Microsoft của Mỹ mua lại các hoạt động của TikTok ở quốc gia này nếu Washington nhận được "một phần hợp lý" từ giá trị hợp đồng nhưng cũng cảnh báo sẽ cấm dịch vụ này tại Mỹ từ ngày 15/9. Báo Financial Times ngày 6/8 đưa tin Microsoft đang mở rộng các cuộc đàm phán về thỏa thuận mua các hoạt động toàn cầu của TikTok.
Trước đó, Mocrosoft từng thông báo đang đàm phán với ByteDance để mua lại hoạt động của TikTok ở Mỹ, Canada, Australia và New Zealand. Tuy nhiên, thông tin mới từ Finacial Times cho biết Microsoft nhận thấy việc phân chia thị trường hoạt động của TikTok rất phức tạp nên đã thay đổi quan điểm và muốn mua luôn các hoạt động trên phạm vi toàn cầu của ứng dụng này.
Hiện TikTok đang hoạt động ở khoảng 150 quốc gia và ước tính có hàng tỷ người dùng. Microsoft từ chối bình luận về thông tin này.
Phạm Ngọc Ánh- Lê Ánh/TTXVN