Tổng kết 2022: Người tiết kiệm 100 triệu trước tuổi 25, người làm 4-5 công việc để gia tăng thu nhập
Người trẻ đã gặt được nhiều thành quả trong khía cạnh tài chính năm vừa qua.
Năm qua khá khó khăn bởi vì nền kinh tế nhiều biến động, áp lực từ “bão giá" cũng như làn sóng sa thải cuối năm khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy khó khăn. Tuy nhiên, từ trong những biến động, nhiều người trẻ vẫn học cách thích nghi với tình hình mới và kiểm soát tài chính tốt hơn.
Đạt mục tiêu tiết kiệm 100 triệu đầu tiên nhờ chi tiêu thông minh
Đã có rất nhiều bạn trẻ trong năm qua đạt được khoản tiền tiết kiệm 100 triệu trước tuổi 25. Phúc Minh, hiện đang sống ở Hà Nội, đã có khoản tiết kiệm 100 triệu đầu tiên vào sinh nhật lần thứ 24. Cậu bạn đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng tài chính ở tuổi 22 do yếu kém trong quản lý chi tiêu cùng thất bại trong kinh doanh. Mất 1 năm vượt qua giai đoạn này, Phúc Minh dần dần tích góp hiệu quả hơn cũng như hiểu được giá trị của việc tích lũy tiền bạc thông minh.
Với Phúc Minh, có 2 điều vô cùng quan trọng để tích lũy tiền đó là: “Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn/ dài hạn” và “Ghi chép tỉ mỉ hàng ngày những khoản thu/ chi cá nhân”.
Lập kế hoạch tài chính cá nhân: Đây là bước khởi đầu không thể thiếu giúp bản thân tránh rơi vào việc chi tiêu mất kiểm soát và không bị “cháy ví” mỗi khi cuối tháng.
Đầu tiên, Phúc Minh tổng hợp được nguồn thu của bản thân bao gồm lương, thu nhập từ làm thêm và kinh doanh. Tiếp đến, cần lên danh sách những khoản chi bắt buộc chi tiết nhất có thể trong tương lai gần. Từ đó xây dựng kế hoạch tích lũy cho từng tháng, chia nhỏ để tránh áp lực vào cuối giai đoạn.
Liệt kê một cách chi tiết những khoản chi tiêu ngắn hạn: Cụ thể là những khoản cần thiết và cố định trong 1 tháng như: Thuê nhà, điện nước, ăn uống, xăng xe, điện thoại,... Ngoài ra cũng cần dự trù 1 khoản nhỏ cho những hoạt động phát sinh như hỏng xe, ma chay,... Khoản này còn tùy vào thu nhập và mối quan hệ của mỗi người.
Tính số dư còn lại: Tổng thu nhập - (khoản tiết kiệm cho các mục tiêu trong tương lai gần) - (khoản chi cố định hàng tháng) - (khoản dự trù cho các việc phát sinh). Đây chính là khoản để phục vụ nhu cầu giải trí, hưởng thụ và cả tiết kiệm.
Cũng giống Phúc Minh, Thu Trà (23 tuổi, làm trong lĩnh vực truyền thông) cho rằng để tiết kiệm, cần chú trọng 2 điều đó là quản lý chi tiêu và phân chia thu nhập thành các phần khác nhau. Sau khi có thu nhập ổn định toàn thời gian, cô thường dành 50% thu nhập vào quỹ tích trữ, tiêu 30% cho những nhu cầu hàng ngày như ăn uống, cà phê, hẹn hò. Bên cạnh đó, 10% cho những món quà, tiền mừng các dịp quan trọng và 10% còn lại để mua sắm hoặc hưởng thụ các nhu cầu khác.
"Đi làm thường sẽ đi tụ tập với đồng nghiệp như là 1 cách để gắn kết hơn. Song, không phải với lần rủ nào, mình cũng đi. Thông thường mình sẽ xem xét coi ngân sách dành ra cho đi ăn tháng đó còn bao nhiêu và mình còn có những chiếc hẹn quan trọng nào không. Từ đó, mình mới quyết định về tần suất đi ăn ngoài của bản thân".
Thu Trà cũng chia sẻ rằng đi làm khá áp lực, cô bạn không muốn căng thẳng hơn về mặt tài chính, do vậy cũng thường sẽ tự thưởng cho bản thân. Đó là lý do tại sao cô trích 10% cho khoản mục này xem như đó là động lực để nỗ lực hơn.
Nỗ lực tăng thu nhập bằng cách làm nhiều công việc hơn
Hân Vi (1998, Hà Nội) đặt mục tiêu mua ô tô cho bố mẹ và đạt được tự do tài chính vào năm 40 tuổi. Vi cho biết, những kế hoạch trong tương lai khiến cô bạn nỗ lực làm nhiều công việc cùng lúc.Trong năm qua, Hân Vi mức thu nhập ở tuổi 24 có thể lên tới 40-50 triệu/tháng.
"Hiện tại, mình đã giảm xuống chỉ còn làm 3 công việc cùng lúc, nhưng mức thu nhập lại tốt hơn khi làm 4 công việc. Đây chính là kết quả đạt được sau khoảng thời gian sống trong áp lực. Khi kỹ năng, kinh nghiệm được cải thiện, mình nhận được những hợp đồng giá trị hơn. Mình đang tập trung làm nội dung truyền cảm hứng trên các trang mạng xã hội. Nhờ có khán giả ủng hộ, mình được hợp tác cùng các nhãn hàng như sách, website về học tập, giới thiệu các sản phẩm liên quan đến giáo dục,... Ngoài ra, mình đang làm 1 Marketer theo giờ hành chính tại công ty liên doanh Việt - Hàn, và tự kinh doanh đồ second-hand. Ôm đồm cùng lúc nhiều việc, nhưng mình thích cảm giác bận rộn lúc này. Nó giúp mình có cảm giác đang đến gần hơn với những mục tiêu lớn trong cuộc sống".
Có đôi khi làm việc 12 tiếng/ngày, nhưng Thanh Thanh vẫn không cảm thấy áp lực. Cô bạn đã từng làm 3 công việc cùng một lúc, cụ thể là mình có một công việc toàn thời gian. Thanh Thanh làm marketing cho một công ty công nghệ của Pháp. Công việc thứ hai thì làm freelancer (làm việc tự do), cô bạn dạy tiếng anh vào buổi tối. Công việc thứ ba là nhận giới thiệu các khóa học hay sách trên nền tảng Tik Tok. Tuy nhiên, hiện tại Thanh Thanh chỉ làm 2 công việc chính là marketing và dạy tiếng anh. Vì làm việc cho công ty nước ngoài, nên việc dạy thêm tiếng anh vừa giúp cô có thêm thu nhập, vừa trau dồi được kỹ năng ngoại ngữ.
“Để có 1 cuộc sống tốt hơn, mình lựa chọn làm nhiều giờ hơn trong ngày. Có những ngày, mình cống hiến 12 tiếng cho công việc, 8 tiếng còn lại để nghỉ ngơi, và 4 tiếng còn lại để học hỏi thêm kiến thức. Mình đã duy trì việc dạy thêm được 5 năm. Và trong suốt quá trình đó, tự bản thân mình cảm thấy đã làm rất tốt".
Bên cạnh đó, từ khi làm nhiều công việc cùng lúc, cô nàng đã bớt đi thời gian tụ tập cùng bạn bè. Từ đó, những chi phí để vui chơi giảm xuống đáng kể. "Mình là người không sống phung phí, kiểu như, cái gì cần thiết thì mua, còn không thì thôi. Mình dành hết 60% thu nhập của mình để tiết kiệm, và đầu tư chút xíu, 40% còn lại để chi tiêu. Tính ra mỗi tháng mình chỉ có tiền ăn, tiền trọ, tiền niềng răng và tiền mua sắm, nên mình không tiêu nhiều lắm, lâu lâu thì mình sẽ gửi về cho gia đình. Ví dụ như thay vì ăn ngoài thì mình sẽ chọn nấu cơm mang đi làm, một tháng mình chỉ ăn những bữa ăn sang chảnh 2-3 lần thôi. Mình nghĩ tiết kiệm là một thói quen tốt, đặc biệt là sinh viên mới ra trường như mình".