Tổng đạo diễn 'Điện Biên Phủ - bản hùng ca bất diệt': 'Như ngồi trong trận địa đầy khói lửa'
Chương trình nghệ thuật Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt (90 phút) sẽ diễn ra tối 6/5 tại Quảng trường trung tâm tỉnh Điện Biên với sự tham gia của hơn 1000 diễn viên. Đây là điểm nhấn quan trọng nhất của chuỗi hoạt động kỉ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên.
* Ông đã từng tham gia cùng dàn dựng chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên vào năm 2004. So với thời điểm 10 năm trước, chương trình biểu diễn lần này có những khác biệt nào?
- Chương trình nghệ thuật kỉ niệm Chiến thắng Điện Biên vào năm 2004 phần nào vẫn nặng về tính minh hoạ sự kiện. Hơn nữa, ở thời điểm đó, chương trình được tổ chức vào buổi sáng, trong cái nắng gắt của Tây Bắc, sau lễ duyệt binh. Đó là nhược điểm mà người làm nghề chúng tôi nhìn rõ để tránh lặp lại trong chương trình nghệ thuật lần này.
Muốn vậy, Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt cần có một chuỗi hình tượng nghệ thuật đủ chiều sâu để mang tính khái quát cho cuộc kháng chiến chống Pháp và chiến dịch Điện Biên, đồng thời chuyển tải trọn vẹn những đóng góp, hy sinh của mọi tầng lớp nhân dân trên khắp Việt Nam. Với tinh thần như vậy, không nên để khán giả tới dự chương trình với tâm lý xem biểu diễn nghệ thuật thông thường. Phải cố gắng để "kéo" họ cùng hòa đồng và tham gia vào đêm diễn ấy.
* Cụ thể, ông sẽ làm những gì?
- Để xoá đi khoảng cách giữa người xem và chương trình, toàn bộ không gian quanh sân khấu sẽ được tận dụng để tái hiện các hoạt động của chiến dịch Điện Biên lịch sử. Ngay từ các trục lộ dẫn vào quảng trường, người xem đã được chứng kiến các hoạt cảnh và hình thức sắp đặt mỹ thuật. Bên đường là những đoàn dân công đang chuẩn bị xe thồ, các đồng bào dân tộc gùi, gánh lương thực, các đơn vị bộ đội đang hành quân tập kết, đưa pháo vào trận địa. Rồi, dọc đường vào là những bãi trống nơi có lán trại dã chiến và những tốp dân công ngồi nghỉ chân uống nước, hát đối đáp với nhau.
Cùng giai điệu của những ca khúc quen thuộc về chiến thắng Điện Biên, những sắp đặt ấy sẽ tạo cho khán giả sự phấn khích, hoà vào không khí chung để cùng hồi tưởng về chiến dịch lịch sử này. Rồi khi vào khán đài, hệ thống âm thanh ánh sáng và 8 khẩu pháo cao xạ được đặt ngay ở hàng ghế đầu, khiến người xem có cảm giác như ngồi trong trận địa đầy khói lửa thật sự. Khi lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch cất lên, khán giả sẽ cùng các diễn viên đều "nhập vai" trở thành mọi tầng lớp đồng bào trong năm 1946…
* Vậy còn nội dung của 90 phút biểu diễn nghệ thuật trên sân khấu?
- Chúng tôi không sử dụng sân khấu hộp thông thường mà tái hiện giữa quảng trường Điện Biên một cụm sân nổi với diện tích hơn 2.000m2, mang hình dạng một quả đồi khổng lồ. Tuỳ từng thời điểm của chương trình, có lúc đó là đồi A1 - nơi diễn ra trận đánh ác liệt nhất của chiến dịch, có lúc đó lại là hầm chỉ huy De Castries, có lúc lại là những triền núi thăm thẳm để bộ đội, dân công đưa pháo và xe thồ vượt qua. Dưới sân khấu chính này là vùng sân khấu thứ 2, được cách điệu thành hệ thống lô cốt, giao thông hào, trận địa pháo… và biểu diễn phụ trợ cho sân khấu chính.
* Câu hỏi cuối cùng: Ông nói gì về kinh phí 4,5 tỉ đồng cho chương trình biểu diễn nghệ thuật này?
- Tất nhiên là rất khó khăn. Chẳng hạn, tôi rất muốn sử dụng một chiếc máy bay thật để tái hiện cảnh tướng Nava đi thị sát chùm cứ điểm Điện Biên. Nhưng, nghe tới chi phí thuê một chiếc máy bay, anh em dàn dựng đều nhất trí… thôi luôn. Rồi, trong cảnh đánh chiếm Điện Biên, muốn tái hiện cảnh những lính dù Pháp được tăng viện cho cứ điểm thì phải thuê một đội dù bay 8 chiếc. Số tiền thuê đội dù này lên tới 700 triệu đồng, nên tôi cũng chỉ còn cách nghĩ ra ý tưởng khác để "lấp" vào (cười).
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa