Tối 5/10: TP.HCM giảm gần 1.000 ca Covid-19 so với ngày trước đó
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Y tế cho biết, từ 17h ngày 4/10 đến 17h ngày 5/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 4.360 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.022 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố; có 1.769 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (1.491 ca), Bình Dương (1.107 ca), Đồng Nai (653 ca), An Giang (172 ca), Bình Thuận (149 ca), Long An (84 ca), Kiên Giang (77 ca), Đồng Tháp (67 ca), Tiền Giang (59 ca), Hậu Giang (48 ca), Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu (mỗi địa phương 47 ca), Khánh Hòa, Bạc Liêu (mỗi địa phương 39 ca), Tây Ninh (35 ca), Cà Mau (32 ca), Hà Nam (28 ca), Ninh Thuận, Bình Định (mỗi địa phương 18 ca), Bình Phước (17 ca), Bến Tre, Nghệ An (mỗi địa phương 16 ca), Quảng Bình, Quảng Ngãi (mỗi địa phương 15 ca), Quảng Trị (13 ca), Trà Vinh, Vĩnh Long (mỗi địa phương 10 ca), Đắk Lắk (8 ca), Nam Định (4 ca), Đắk Nông, Gia Lai, Hà Nội (mỗi địa phương 3 ca), Lâm Đồng, Bắc Giang, Kon Tum, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Phú Thọ (mỗi địa phương 2 ca), Phú Yên, Quảng Nam, Hải Dương (mỗi địa phương 1 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (999 ca), Sóc Trăng (118 ca), Bình Dương (103 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (101 ca), Hậu Giang (48 ca), Đồng Tháp (34 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước trong 7 ngày qua là 6.315 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 818.324 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.313 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 813.735 ca, trong đó có 741.874 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Đồng Nai đưa hơn 20.000 người dân về quê theo nguyện vọng
Ngày 5/10, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức đưa hơn 20.000 người dân trên địa bàn tỉnh về quê theo nguyện vọng.
Từ lúc 8 giờ, người dân tại các phường, xã trên địa bàn thành phố Biên Hòa và các huyện, đã tập trung về Sân vận động Đồng Nai để lực lượng chức năng chia thành các đoàn theo từng tuyến, bố trí xe dẫn đường. Trong đợt này, đa phần người dân di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe máy) về các tỉnh miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên. Do đó, lực lượng Công an tỉnh đã bố trí cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ, sử dụng xe đặc chủng để dẫn đoàn.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, trong buổi sáng 5/10, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức hai tuyến, đó là tuyến về các tỉnh miền Trung (từ tỉnh Bình Thuận đến tỉnh Nghệ An) và tuyến đi tỉnh Lâm Đồng. Cùng thời điểm này, tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai), lực lượng Công an tổ chức cho người dân trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận về quê theo nguyện vọng.
Trước khi người dân lên đường về quê, lực lượng Công an tỉnh đã phát nước, sữa, đồ ăn nhanh (bánh mì) và khẩu trang cho người dân mang theo để ăn, uống và sử dụng dọc đường. Một số nhà hảo tâm và các tổ chức thiện nguyện hỗ trợ người dân các nhu yếu phẩm cần thiết và tiền mặt để làm lộ phí dọc đường. Theo phản ánh của hầu hết người dân về quê đợt này, do nghỉ việc quá lâu, lại chưa biết ngày nào được đi làm lại nên tạm thời phải về quê để ổn định cuộc sống trước mắt. Khi dịch được kiểm soát, các công ty hoạt động trở lại, họ tiếp tục vào để đi làm.
Sáng 5/10: Có 721.480 người mắc Covid-19 đã được chữa khỏi
Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 3/10 đến 17 giờ ngày 4/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 5.383 ca mắc mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh và 5.382 ca ghi nhận trong nước (tăng 15 ca so với ngày trước đó) tại 37 tỉnh, thành phố; có 2.690 ca trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đồng Nai giảm 123 ca, Bình Dương 73 ca, Tây Ninh 34 ca.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó là Sóc Trăng tăng 118 ca, An Giang 75 ca và Tiền Giang 39 ca.
Trung bình, số ca mắc mới mỗi ngày ở trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 6.835 ca/ngày.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 813.961 ca mắc, đứng thứ 43 trên 223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.269 ca mắc).
Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này là Thành phố Hồ Chí Minh (400.003 ca), Bình Dương (216.853 ca), Đồng Nai (51.364 ca), Long An (32.857 ca), Tiền Giang (14.172 ca).
Riêng trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), nước ta ghi nhận 809.375 ca mắc mới trong nước, trong đó có 716.301 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế (cdc. kcb.vn) cho thấy: Trong ngày 4/10, có 27.683 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca mắc COVID-19 ở nước ta được điều trị khỏi từ trước đến nay là 721.480 người.
Trong ngày 4/10, ghi nhận 130 ca tử vong gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (93 ca), Bình Dương (20 ca), Long An (5 ca), Đồng Nai (5 ca), An Giang (3 ca), Cà Mau, Vĩnh Long, Đà Nẵng và Tiền Giang (mỗi địa phương có 1). Mỗi ngày nước ta ghi nhận trung bình 149 ca tử vong trong 7 ngày qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.845 ca, chiếm 2,4% so với tổng số ca mắc bệnh.
So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34 trên 223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số ca tử vong/triệu dân xếp thứ 135 trên 223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong/triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chiều 4/10, Bộ Ngoại giao tổ chức tiếp nhận tượng trưng 1,5 triệu liều vaccine Pfizer/BionTech phòng COVID-19 do Chương trình COVAX cung cấp với sự hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang cảm ơn, đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu và kịp thời của Chương trình COVAX và Chính phủ, nhân dân Hoa Kỳ trong bối cảnh Việt Nam đang có nhu cầu đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Sự hỗ trợ này đã và đang góp phần giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, thích ứng an toàn, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn "bình thường mới". Thứ trưởng nhấn mạnh, với đợt phân bổ này, COVAX tiếp tục là bên cung cấp vaccine phòng COVID-19 lớn cho Việt Nam với tổng số 14 triệu liều đã được chuyển đến nước ta.
Ngày 5/10, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xét nghiệm lần 3
Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đến nay đã ghi nhận 41 ca mắc liên quan; trong đó, tại Hà Nội 33 ca, Nam Định 4 ca, Hà Tĩnh 2 ca, Hưng Yên và Hải Dương mỗi nơi 1 ca. Có 18 trường hợp là người nhà bệnh nhân, 17 người là bệnh nhân, 5 nhân viên làm việc tại bệnh viện và 1 trường hợp khác lây nhiễm liên quan. Cơ quan y tế thành phố Hà Nội đã lấy 16.850 mẫu xét nghiệm, trong đó 15.478 mẫu có kết quả, có 33 mẫu dương tính, còn lại đang chờ kết quả.
Hiện những ca F0 liên quan trên địa bàn Hà Nội đã được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị, các F1 tại bệnh viện này cũng đã di chuyển đến địa điểm cách ly tập trung của thành phố Hà Nội từ rạng sáng 3/10 (khoảng 150 người).
Lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, hiện còn 1.054 bệnh nhân, 1.018 người nhà, hơn 1.000 nhân viên y tế đang có mặt trong khuôn viên bệnh viện. Đến nay tất cả những trường hợp này đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần.
Để giải toả và “làm sạch” bệnh viện, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã liên hệ với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để chuyển bệnh nhân đến điều trị tiếp tục, dự kiến khoảng 200 người gồm cả bệnh nhân và người nhà; chuyển Bệnh viện Thanh Nhàn dự kiến 450 người; chuyển Bệnh viện Đức Giang 350 người.
Trong ngày 5/10, Bệnh viện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lấy mẫu xét nghiệm lần 3. Do đó, Bệnh viện đề xuất, đối với trường hợp nhân viên y tế đã tiêm đủ 2 hai mũi vaccine và 3 lần xét nghiệm âm tính trong 7 ngày, Bệnh viện sẽ bàn bạc với địa phương để có phương án xử lý phù hợp.
Riêng nhân viên y tế và người bệnh ở tầng 7, tầng 8 thực hiện nghiêm ngặt phong toả. Cơm, thực phẩm và nhu yếu phẩm được bộ phận chuyên môn mặc đồ bảo hộ vận chuyển lên tận nơi, để ở bàn đã chuẩn bị sẵn. Khi bộ phận này di chuyển thì những trường hợp đang cách ly tại 2 tầng này mới được ra lấy đồ.
Cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho rằng: Việc chuyển bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra khỏi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để nhanh chóng giãn cách, “làm sạch” bệnh viện là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên bệnh nhân, người nhà chuyển đi phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và phải được rà soát chặt chẽ. Quá trình di chuyển đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức…
17 quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm soát được dịch
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó số ca mắc mới và tử vong liên tục giảm, số ca xuất viện và tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng tăng dần. Đặc biệt, đã có 17 quận, huyện đề nghị công bố đã kiểm soát được dịch bệnh gồm thành phố Thủ Đức, các Quận 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, các huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Củ Chi.
Công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cũng đang được đẩy mạnh ở tất cả các quận, huyện. Tính đến ngày 3/10, Thành phố đã tiêm được hơn 11 triệu mũi vaccine, trong đó có hơn 4,3 triệu người được tiêm mũi 2. Đặc biệt, quận Phú Nhuận là địa phương đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành cơ bản việc tiêm cả 2 mũi vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin, công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tiến triển khả quan. Thành phố hiện đang điều trị 27.060 bệnh nhân, trong đó có 2.610 trẻ em dưới 16 tuổi, 724 bệnh nhân nặng phải thở máy. Trong ngày 3/10 có 1.449 bệnh nhân nhập viện, 2.743 bệnh nhân xuất viện, số tử vong hiện ở mức dưới 100 ca/ngày.
- Hà Nội phát hiện 6 ca Covid-19 mới, riêng Bệnh viện Việt Đức có 5 ca
- Dịch Covid-19 ngày 3/10: Điều tra, truy vết và đánh giá chính xác chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức
- Hình ảnh: Hà Nội đưa các F1 tại BV Việt Đức đi cách ly tập trung trong đêm
Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 18, đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nhân lực, máy móc thiết bị để sớm khôi phục hoạt động. Các quận, huyện cũng tích cực làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để hướng dẫn các cơ sở này sớm hoạt động trở lại.
Hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục, tâm lý người dân Thành phố cũng rất phấn khởi. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch như: không thực hiện đủ 5K, tụ tập đông người, buôn bán hàng rong, vỉa hè… Điều này hết sức nguy hiểm, do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn rất phức tạp.
Thông tin về số lượng người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh về quê từ ngày 1/10 đến nay, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Thống kê sơ bộ từ các chốt trạm kiểm soát, trong ngày 1/10 có khoảng 10.000 lượt người; trong 2 ngày 2-3/10 có thêm 24.000 lượt người đi qua các chốt cửa ngõ để về các tỉnh. Trong đó có khoảng 18.000 lượt là người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
TTXVN