Tọa đàm về sách 'Mặt khác của trăng': Không có nền văn hóa nào là bá chủ của thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Với những ai yêu thích ngành nhân học trên thế giới thì có lẽ Claude Lévi Strauss đã không còn xa lạ. Ông là tác giả của cuốn Nhiệt đới buồn trứ danh đã được dịch sang tiếng Việt. Nhân cuốn sách mới Mặt khác của trăng của ông vừa ra mắt, nhà văn Nhật Chiêu và dịch giả Nguyễn Trí Dũng đã có buổi tọa đàm với bạn đọc về cuốn sách này.
Buổi tọa đàm nằm trong khuôn khổ hội thảo - triển lãm mang tên Giải mã các mô-tip văn học và nghệ thuật dân gian phương Đông qua góc nhìn nhân học của Claude Lévi Strauss diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM.
Con đường chuyển dịch của mô-típ văn hóa
Không có nền văn hóa nào là bá chủ của thế giới, đó là khẳng định của Claude Lévi Strauss trong suốt cuốn khảo luận được nhà văn Nhật Chiêu tán đồng. Kể từ khi người châu Âu hiện đại đem quân đội chinh phục thế giới và đem văn hóa bản địa đi “khai minh” các nước thuộc địa thì hầu như người phương Tây luôn có ý nghĩ “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm). Ý nghĩ này đến nay vẫn còn dư âm đối với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, văn học phương Tây.
Tuy nhiên Claude Lévi Strauss dưới góc nhìn nhân học đã bác bỏ quan niệm này khi đưa ra những luận cứ cũng như những lập luận xác đáng minh chứng cho việc nhiều biểu tượng văn hóa đã thành một mô-típ chung và việc truy nguyên nguồn gốc là điều vô vọng, phí sức. Theo ông nên nhìn văn hóa dưới những nét khác biệt và tương đồng.
Trong cuốn sách, nhà nhân học người Pháp này đã chỉ ra nhiều mô-típ trong văn học dân gian có cả ở phương Tây lẫn phương Đông như: “mô-típ tiếng thét của hoàng tử câm” có trong thần thoại Hy Lạp và Nhật Bản hay mô-típ “truyện cổ tích về chú thỏ trắng ở Inaba” có cả trong truyện dân gian Nhật Bản và các nước Nam Mỹ, Bắc Mỹ.
Theo nhà văn Nhật Chiêu, những mô-típ trên cũng giống như mô-típ Tấm Cám của Việt Nam sẽ được thấy ở hàng trăm dị bản khác nhau từ các truyện cổ trên thế giới.
Dựa trên lịch sử di cư và lịch sử ngoại thương trên thế giới từ thời cổ đại, Claude Lévi Strauss đã chỉ ra con đường dịch chuyển của con người từ Đông sang Tây và ngược lại đã hình thành nên những vệt đường đi của mô-típ văn học và nghệ thuật dân gian từ các nước Đông Nam Á tới Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ.
Tính chất truyền miệng đã dẫn đến hệ quả về hiện tượng dị bản và phong phú của các mô-típ văn hóa này. Trong đó, nhà văn Nhật Chiêu đặc biệt nhấn mạnh rằng chính tính cách “bảo tồn cái cổ điển nhưng lại thích làm ra và vồ vập với cái mới” đã khiến cho huyền thoại Nhật Bản thâu tóm rất nhiều huyền thoại thế giới.
Một người đặc biệt yêu văn hóa phương Đông
Đọc Mặt khác của trăng, một lần nữa bạn đọc thấy một Claude Lévi Strauss tinh tế và nhân văn trong từng con chữ, từng nhận định về văn hóa, về con người trong tự nhiên. Điều này có lẽ chính là nguyên nhân cho sự đồng cảm của ông đối với các vấn đề của văn hóa Nhật - một nền văn hóa yêu chuộng việc sống chung trong thiên nhiên và thuận tự nhiên.
Trong lời tựa cho cuốn Nhiệt đới buồn bản in tiếng Nhật, Claude Lévi Strauss từng tự hào nói rằng: “Không có ảnh hưởng nào sớm góp phần vào sự hình thành tư tưởng và đạo đức của tôi như ảnh hưởng của văn minh Nhật”. Ở cuốn sách, từ những vấn đề lớn như văn học, nghệ thuật đến những vấn đề vi tế trong đời sống như cảm nghiệm âm thanh, màu sắc, hương vị của người Nhật ông đã chỉ ra chỗ khác biệt với phương Tây từ đó hình thành hệ thống âm nhạc, hội họa đặc trưng nơi đây.
Nhà văn Nhật Chiêu cho rằng Claude Lévi Strauss đã tìm thấy ở người Nhật - đại diện tiêu biểu cho tâm hồn phương Đông - tính bình đẳng khi nhìn vào thiên nhiên. Nhà nhân học này từng phát biểu: “Để sống trong hiện tại, không nhất thiết phải căm thù và tiêu diệt quá khứ và không có công trình văn hóa xứng đáng với danh xưng này mà không dành chỗ cho tình yêu và sự tôn trọng thiên nhiên”. Đó là điều mà Claude Lévi Strauss cho rằng người phương Tây có thể học hỏi ở người Nhật.
Và đây cũng là những điều mà nhà văn Nhật Chiêu, cho rằng người Việt hiện nay vốn đang mất dần sự giao hòa và tình yêu với thiên nhiên có thể lấy người Nhật làm gương để nuôi dưỡng lại nền móng văn hóa của mình.
Văn Đồng