Tọa đàm về mỹ thuật châu Á đương đại: Đưa họa sĩ gần hơn với nhà sưu tập và thị trường nghệ thuật
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 5/11 tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức tọa đàm “Vài nét về mỹ thuật châu Á ngày nay” với sự tham gia của đông đảo các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật trong và ngoài nước.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu hàng đầu châu Á tại Hà Nội – Việt Nam 2019, diễn ra từ ngày 5-25/11 tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA) Hà Nội.
Chủ trì tọa đàm, họa sĩ Trịnh Tuân cho biết: Tọa đàm là nơi để các nghệ sĩ trong nước và quốc tế chia sẻ các vấn đề liên quan đến nghệ thuật, mỹ thuật ở châu Á. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ từ nhiều quốc gia có thêm những hiểu biết về đời sống nghệ thuật khu vực, từ đó có thêm kinh nghiệm khi giải quyết các vấn đề khó khăn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của mình…
Tọa đàm có hai chủ đề chính, trong đó chủ đề về những khó khăn của nữ nghệ sĩ ở Nam Á giúp các nghệ sĩ, những người yêu nghệ thuật có thêm hiểu biết về đời sống nghệ thuật của nữ nghệ sĩ ở Nepan nói riêng và ở khu vực Nam Á nói chung. Chủ đề về thị trường tranh châu Á tạo điều kiện để các nghệ sĩ cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin về thị trường nghệ thuật ở châu Á hiện nay.
- Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4: 'Ứng dụng' tới đâu?
- Hành trình giải thưởng mỹ thuật Dogma: 10 năm cho mảng chân dung tự họa
Tại tọa đàm, diễn giả Ragini Upadhyay Grela (Nepan) đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức của nữ nghệ sĩ ở Nepan (cũng như toàn khu vực Nam Á), trong đó tập trung vào những khó khăn liên quan đến định kiến về giới, những ràng buộc trong tôn giáo, quan niệm nề nếp cũ khiến các nữ nghệ sĩ bị hạn chế tự do biểu đạt tư tưởng, sáng tạo tác phẩm nghệ thuật… Nữ nghệ sĩ Nepan cũng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân mình trong việc nỗ lực vượt qua những rào cản để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị và được công chúng đón nhận.
Diễn giả Jorn Middelborg, chuyên gia hàng đầu về thị trường nghệ thuật châu Á, một nhà nghiên cứu, nhà tư vấn nghệ thuật nổi tiếng trong lĩnh vực tư vấn, môi giới cho thị trường nghệ thuật châu Á, đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến thị trường nghệ thuật của các nước châu Á; về nhu cầu, xu hướng thị trường cũng như sự quan tâm của các nhà sưu tầm nghệ thuật tại khu vực châu Á giai đoạn hiện nay.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long (Việt Nam) cho rằng các nội dung được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm rất hay và có ý nghĩa; giúp những người làm nghệ thuật ở Việt Nam và cũng như ở các nước khác có thêm hiểu biết về đời sống mỹ thuật ở châu Á, đặc biệt là về thị trường nghệ thuật ở khu vực này.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, thị trường là một kênh quan trọng để khẳng định chất lượng các tác phẩm nghệ thuật cũng như việc giao lưu, chuyển tải tác phẩm nghệ thuật từ nghệ sĩ đến công chúng, nghệ sĩ đến nhà sưu tập và đến các bảo tàng… giúp người nghệ sĩ có thêm năng lượng, nguồn tài chính để sáng tác, đầu tư sáng tác. Đây là một mảng không thể thiếu được trong đời sống nghệ thuật cũng như đời sống kinh tế... Chính vì vậy, những chia sẻ tại tọa đàm đã đem lại cho các nghệ sĩ, nhà tổ chức, nhà kinh doanh nghệ thuật có được nhiều thông tin mới nhất về thị trường nghệ thuật châu Á; giúp họ có thêm hiểu biết, có cách tiếp cận sáng tạo đối với thị trường nghệ thuật châu Á.
“Người nghệ sĩ muốn vươn ra thế giới, ngoài việc sáng tác, triển lãm giới thiệu tác phẩm thì việc quan tâm và tiếp cận thị trường nghệ thuật trong nước và quốc tế là rất quan trọng để khẳng định mình”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nhấn mạnh.
Phương Lan/TTXVN