Tỉnh Nghệ An đề nghị hỗ trợ xây dựng hệ thống báo động lũ và bản đồ ngập lụt
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa mưa bão tại Nghệ An đã đến gần. Người dân và chính quyền địa phương các huyện miền núi, cửa sông, cửa biển đang lo lắng bởi tình trạng lũ quét, sạt lở đất, đá xảy ra khi mưa bão. Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống cấp báo động lũ và bản đồ ngập lụt tại các huyện miền núi để thuận tiện hơn trong chỉ đạo ứng phó với mưa lụt.
Hàng năm, tại các địa phương như huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, đường giao thông bị sạt lở, cầu tràn qua sông suối ngập nước khiến việc đi lại khó khăn, nguy hiểm. Khu vực miền núi có khả năng ngập lụt cao là bản Chà Ngư, Nhật Lợi, Xốp Dương (xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn); bản Na Kho, Xốp Khó, Na Ngân (xã Nga My, huyện Tương Dương); xã Thanh Xuân, Thanh Lâm (huyện Thanh Chương)… Những địa phương này có trên 2.388 hộ dân bị đe dọa khi ngập lụt, mưa bão xảy ra.
Khi mưa lớn, tại các huyện ven biển như Thị xã Hoàng Mai, Thị xã Cửa Lò, huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc thường bị ngập tại nhiều tuyến đường và khu dân cư. Hàng năm, vào mùa mưa bão, tỉnh Nghệ An lên phương án di dời trên 4.000 hộ dân với khoảng 17.800 người.
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng hồ, đập thủy lợi nhiều nhất cả nước với 625 hồ đập các loại. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn về kinh phí duy tu, sửa chữa, nhiều hồ đập đang trong tình trạng hư hỏng, sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến an toàn trong mùa bão lụt. Tỉnh còn có 18 hồ chứa thủy điện đang vận hành khai thác, trong đó có 3 hồ chứa lớn (Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê). Vào mùa bão lụt, các hồ chứa xả nước gây nên nhiều hệ lụy xấu như sạt lở đường giao thông, ngập lụt các khu vực dân cư, đất sản xuất nông nghiệp.
Tỉnh Nghệ An đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với bão lụt, nhất là lũ quét, ngập lụt ở các huyện miền núi. Nguyên nhân do địa phương thiếu kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời dân tại các vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai đến nơi ở mới an toàn. Nhiều khu dân cư mới được hình thành, có quy hoạch rõ ràng nhưng chưa thể đầu tư xây dựng do nguồn lực của địa phương hạn chế.
Trước thực tế trên, giải pháp đang được tỉnh Nghệ An thực hiện là cảnh báo đến người dân những bất thường của thiên tai, nhất là mưa lụt, lũ quét; tổ chức sẵn các phương án di dời dân tạm thời khi có mưa lụt.
Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp trước mắt, chưa mang tính ổn định. Tỉnh Nghệ An đang đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí, trong đó có việc hỗ trợ các huyện miền núi xây dựng khu tái định cư đảm bảo an toàn cho các hộ dân bị sạt lở đất, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và khắc phục, sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão lụt gây ra.
Nguyễn Văn Nhật/TTXVN