Tình hình Nga - Ukraine ngày 27/3: Hơn 3,8 triệu người từ Ukraine đã sang các nước láng giềng
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Đọc thêm các thông tin về tình hình Nga - Ukraine TẠI ĐÂY
(Tiếp tục cập nhật)
Hơn 3,8 triệu người từ Ukraine đã sang các nước láng giềng
Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ) công bố ngày 27/3, hơn 3,8 triệu người đã rời Ukraine ra nước ngoài lánh nạn kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này cách đây một tháng. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, dòng người ra đi đã có dấu hiệu giảm rõ rệt.
Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết 3.821.049 người tại Ukraine đã ra nước ngoài, tăng 48.450 người so với số liệu công bố một ngày trước đó. Khoảng 90% trong số này là phụ nữ và trẻ em. Đa số (2,2 triệu người) đã sang Ba Lan, trong khi hơn 500.000 người đã đến Romania và gần 300.000 người sang Nga.
Cuộc khủng hoảng người đi lánh nạn ở Ukraine là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết hơn 4,3 triệu trẻ em, tương đương 50% số trẻ em của Ukraine - đã buộc phải đi lánh nạn.
Trong những ngày gần đây, số người dân sơ tán khỏi Ukraine đã giảm xuống dưới mức 100.000 người/ngày và thậm chí có ngày chỉ còn khoảng 50.000 người.
Ngoại trưởng A.Blinken: Mỹ không có ý định thay đổi chế độ tại Nga
Ngày 27/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Washington không có kế hoạch thay đổi chế độ tại Nga. Lời khẳng định này được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố người đồng cấp Nga Vladimir Putin "không thể tiếp tục cầm quyền".
Phát biểu với báo giới trong khuôn khổ chuyến thăm Jerusalem, Ngoại trưởng Blinken cho rằng quan điểm mà Tổng thống Biden và Nhà Trắng đưa ra hôm 26/3 có nghĩa Tổng thống Putin không có quyền triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hoặc bất kỳ nơi nào. Ông khẳng định Washington không có kế hoạch thay đổi chế độ tại Nga.
Trước đó, phát biểu tại Lâu đài Hoàng gia ở Vácsava (Ba Lan), sau cuộc gặp với các bộ trưởng Ukraine và tham dự hội nghị thượng đỉnh với các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Biden đã chỉ trích Tổng thống Putin, đồng thời cho rằng nhà lãnh đạo Nga "không thể tiếp tục cầm quyền".
Mặc dù Nhà Trắng đã nhanh chóng làm dịu đi những bình luận trên của Tổng thống Biden về người đồng cấp Nga, theo đó, cho rằng phát biểu trên đề cập tới ảnh hưởng của Tổng thống Putin đối với các nước trong khu vực, song hãng tin AFP của Pháp dẫn lời một quan chức Nga cho rằng các công kích cá nhân này sẽ "thu hẹp cơ hội" cho mối quan hệ song phương.
Quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng như các nước phương Tây đang rơi xuống mức thấp. Giới phân tích cho rằng việc NATO củng cố an ninh ở sườn Đông là nguyên nhân sâu xa dẫn tới căng thẳng bùng phát giữa phương Tây và Nga, dẫn tới việc Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine hôm 24/2.
Ukraine nhấn mạnh các đảm bảo an ninh trong đàm phán với Nga
Cố vấn Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak ngày 26/3 nêu rõ Kiev khẳng định một hệ thống đảm bảo an ninh cho Ukraine là một trong các nhân tố quan trọng trong các cuộc đàm phán với Nga.
Trả lời phỏng vấn của truyền thông Đức, ông Podolyak nhấn mạnh một hệ thống như vậy "không thể thiếu sự tham gia của Mỹ ở vị trí đầu tiên". Ông cũng nói thêm rằng các vấn đề như tương lai của Crimea, Donetsk và Luhansk sẽ chỉ do Tổng thống Ukraine và Nga quyết định.
Đầu tháng 3 này, ông Podolyak cho biết Tổng thống Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin có thể sẽ sớm tiến hành hội đàm. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 21/3 cho biết hiện còn quá sớm để nói về một cuộc hội đàm giữa hai tổng thống vì chưa có đột phá nào tại các cuộc đàm phán cấp dưới.
Từ ngày 28/2, các phái đoàn Nga và Ukraine đã tiến hành 3 vòng hòa đàm trực tiếp tại Belarus; cuộc đàm phán gặp thứ 4 đã bắt đầu ngày 14/3 dưới hình thức trực tuyến.
Ngoại trưởng Anh đề cập điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga
Liên quan vấn đề trên, tờ The Telegraph của Anh ngày 26/3 đưa tin Ngoại trưởng nước này Liz Truss cho biết các lệnh trừng phạt của Anh áp đặt với các cá nhân và công ty Nga có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút quân và cam kết chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Ý kiến trên của Ngoại trưởng Anh tương tự phát biểu gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng các trừng phạt chống Nga "không phải là vĩnh viễn" và có thể "được dỡ bỏ" nếu Moskva thay đổi cách hành xử.
Ngoại trưởng Truss cũng cho biết bà đã thiết lập một bộ phận đàm phán đặc biệt thuộc Bộ Ngoại giao Anh để hỗ trợ Ukraine trong các cuộc hòa đàm với Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch chuyển hệ thống phòng không S-400 cho Ukraine
Theo hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 26/3 cho biết nước này không có kế hoạch chuyển các hệ thống phòng không tối tân S-400 do Nga sản xuất cho Ukraine.
Phát biểu tại Diễn đàn Doha ở Qatar, nhà ngoại giao này cho hay vấn đề này không nằm trong trong chương trình nghị sự.
Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine nên đã cố gắng làm trung gian hòa giải khi xung đột giữa hai bên xảy ra. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần mời người đồng cấp Nga và Ukraine cùng đến nước này để đàm phán.
- Mỹ chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 của Nga
- Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ việc thử nghiệm hệ thống phòng không S-400 của Nga
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz của Nga thiết kế. Nó có thể phát hiện mục tiêu cách xa 600 km và cao 40–50 km, theo dõi đồng thời 300 mục tiêu. Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao song thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km. So với hệ thống đối thủ MIM-104 Patriot PAC-3 của Mỹ, S-400 vượt trội về mọi thông số.
Mạnh Hùng/TTXVN