Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và tình hình dịch bệnh thế giới cập nhật mới nhất
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.
16h05: Bệnh nhân 91 âm tính với virus SARS-CoV-2 nhưng chưa có dấu hiệu hồi phục
Thông tin từ Sở Y tế TP HCM, đến chiều 12/4, bệnh nhân số 91 (43 tuổi, quốc tịch Anh) đã có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 tuy nhiên vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Các bác sỹ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các tổn thương phổi của bệnh nhân 91 đã ngưng tiến triển nhưng khả năng thông khí vẫn còn rất hạn chế, tình trạng rối loạn đông máu nặng vẫn chưa cải thiện. Mặc dù vậy, kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở cả bệnh phẩm dịch rửa phế quản và dịch mũi họng đều cho kết quả âm tính lần 1. Hiện tại, bệnh nhân không sốt, nằm yên (có sử dụng thuốc an thần), tiếp tục thở máy xâm nhập và vẫn thực hiện trao đổi oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO), lọc máu liên tục.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, đơn vị này thường xuyên cập nhật tình hình và xin ý kiến Hội đồng chuyên môn, tư vấn điều trị bệnh nhân COVID-19 để thống nhất hướng điều trị tiếp theo đối với bệnh nhân 91. Theo ý kiến hội chẩn của Hội đồng chuyên môn, ngoài các can thiệp hồi sức hô hấp tuần hoàn chuyên sâu như trên, công tác điều trị tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân này cần tập trung điều trị theo hướng hội chứng HIT (Heparin-induced thrombocytopenia).
Cập nhật 16h: Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai báo cáo vụ tụ tập đông người, không đeo khẩu trang
Ngày 12/4, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu báo cáo về vụ tụ tập đông người, không đeo khẩu trang trong Bệnh viện Bạch Mai tối 10/4, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Công văn do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa ký nêu rõ, ngày 10/4/2020, một số nguồn thông tin gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh với nội dung: “Bệnh viện Bạch Mai tụ tập đông người, không đeo khẩu trang trên sân Bệnh viện”.
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương xác minh thông tin trên, đồng thời, quán triệt, tuyên truyền, nhắc nhở tập thể nhân viên y tế, người lao động trong Bệnh viện cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Y tế cũng yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai xem xét xử lý các cá nhân có vi phạm gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai gửi báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 13/4 để báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Cập nhật lúc 12h00 ngày 12-4-2020
Thế giới: 1.780.315 người mắc; 108.828 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 532.879 người mắc; 20.577người tử vong.
- Tây Ban Nha: 163.027 người mắc; 16.606 người tử vong.
- Italy: 152.271 người mắc; 19.468 người tử vong.
- Đức: 125.452 người mắc; 2.871 người tử vong.
Việt Nam: 258 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1.
128 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 06/3 đến ngày 12/4) được chữa khỏi giai đoạn 2.
11h30 ngày 12/4: Bệnh nhân số 91 chưa có dấu hiệu hồi phục
Ngày 12/4, diễn biến bệnh của trường hợp mắc COVID-19 số 91 vẫn không xấu hơn nhưng cũng chưa có dấu hiệu hồi phục, mặc dù kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 đã âm tính.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM - nơi đang điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 số 91, là nam phi công, cho biết: Đánh giá chức năng phổi của bệnh nhân cho thấy, tổn thương phổi ngưng tiến triển tuy nhiên thông khí còn rất hạn chế, tình trạng rối loạn đông máu nặng vẫn chưa cải thiện.
Kết quả xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 ở cả bệnh phẩm dịch rửa phế quản và dịch mũi họng đều âm tính.
Hiện tại, bệnh nhân không sốt, nằm yên có sử dụng thuốc an thần, mạch 106 lần/phút; huyết áp 116/69 mmHg, SpO2 95%, PaO2 83mmHg. Bệnh nhân tiếp tục thở máy xâm nhập với mode VA/C, FiO2 40%, PEEP 10 cmH2O, tiếp tục được oxy hoá máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO) và lọc máu liên tục.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM thường xuyên cập nhật tình hình và xin ý kiến hội đồng chuyên môn cấp quốc gia để thống nhất hướng điều trị tiếp theo.
Hiện nay, theo ý kiến hội chẩn của Hội đồng chuyên môn cấp quốc gia, ngoài các can thiệp hồi sức hô hấp tuần hoàn chuyên sâu như trên, công tác điều trị tình trạng rối loạn đông máu ở bệnh nhân này đang tập trung điều trị theo hướng hội chứng HIT (Heparin-induced thrombocytopenia).
Cập nhật lúc 8h30 ngày 12-4-2020
Thế giới: 1.779. 099 người mắc; 108.770 người tử vong, trong đó:
- Hoa Kỳ: 532.879 người mắc, 20.577người tử vong.
- Tây Ban Nha: 163.027 người mắc; 16.606 người tử vong.
- Italy: 152.271 người mắc; 19.468 người tử vong.
- Đức: 125.452 người mắc; 2.871 người tử vong.
Việt Nam: 258 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi giai đoạn 1.
128 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 06/3 đến ngày 12/4 được chữa khỏi giai đoạn 2.
6h05 ngày 12/4/2020: Không ghi nhận thêm ca mắc mới
Theo bản tin phát lúc 6h00 ngày 12/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, đến sáng nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Hiện vẫn là 258 ca. Số ca bệnh có xét nghiệm âm tính với virus gây COVID-19 hiện là 25
Tổng số ca mắc: 258 trường hợp, trong đó:
- 159 người từ nước ngoài chiếm 61,6%
- 99 người lây nhiễm thứ phát.
- Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và thế giới cập nhật mới nhất
- Dự báo thời tiết: Không khí lạnh gây rét ở miền Bắc, nhiệt độ thấp 15 độ C
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 72.508, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.198
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.519
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 53.791.
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13 ca.
- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 12 ca.
6h00 sáng 12/4/2020: Mỹ ghi nhận hơn 20.000 ca tử vong
Theo thông tin cập nhật đến 6h00 sáng nay theo giờ Hà Nội trên chuyên trang của trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ, số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ đã lên tới 20.398 người.
Với số liệu mới nhất, Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong cao nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ hiện là 524.903 người. Tại tâm dịch bang New York, tổng số ca mắc bệnh đã vượt 180.000 người, trong đó có 8.627 ca tử vong, chiếm hơn 42% số ca tử vong trên toàn nước Mỹ.
New Jersey là bang có số ca mắc COVID-19 cao thứ hai của Mỹ với 58.151 người, trong đó có 2.183 ca tử vong. Ngoài ra, tại Mỹ hiện có 5 bang khác đã nghi nhận trên 20.000 ca mắc COVID-19 là Michigan, Massachusetts, Pennsylvania, California và Louisiana. Các bang Illinois, Florida, Texas, Georgia, Connecticut và Washington cũng đã ghi nhận trên 10.000 ca nhiễm bệnh.
Trong phát biểu ngày 10/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy chiến dịch tích cực phòng chống dịch bệnh tại Mỹ đang cứu sống rất nhiều người. Theo ông, số ca nhập viện tại thành phố tâm dịch New York đang tăng chậm lại. Một dấu hiệu lạc quan khác được Tổng thống Trump nhắc tới là tổng số ca dự báo tử vong vì dịch bệnh đã hạ xuống mức 60.000 ca, thấp hơn nhiều so với mức 100.000 đên 240.000 được dự báo trước đó.
2h00 ngày 12/4/2020: Pháp ghi nhận gần 14.000 ca tử vong
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tính đến tối 11/4, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 13.832 người tại Pháp, bao gồm 8.943 ca trong bệnh viện, tăng 353 ca trong 24 giờ, và 4.889 ca tại các viện dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội khác, tăng 290 ca.
Hiện tại, 31.320 người phải nhập viện, trong đó 6.883 bệnh nhân được điều trị với chế độ chăm sóc đặc biệt. Trong 24 giờ qua, 255 bệnh nhân phải chuyển sang hồi sức tích cực, trong khi số bệnh nhân tiến triển tốt và không cần chăm sóc đặc biệt nữa đã tăng lên 376 người. Giới chức y tế cho rằng đây là dấu hiệu tốt khi số dư này (-121) giảm trong ngày thứ 3 liên tiếp. Theo báo cáo mới nhất, Pháp có 93.790 trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 qua xét nghiệm kể từ khi bùng phát dịch.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng cho biết trên tàu sân bay Charles-de-Gaulle có 50 thủy thủ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) và tàu này sẽ cập cảng Toulon vào ngày 12/4. Tất cả thủy thủ đoàn của tàu sân bay và tàu khu trục Chevalier Paul, cùng phi hành đoàn của các phi đội trực thăng, máy bay Hawkeye và Rafale, sẽ bị cách ly trong 14 ngày tại các cơ sở quân sự trước khi được trở về nhà.
00 giờ ngày 12/4/2020, tại Hà Nội, lực lượng chức năng chính thức dỡ cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai sau 14 ngày thực hiện cách ly theo quy định.
Căn cứ tình hình thực tế, quận Đống Đa đã ra quyết định kết thúc việc cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai để bệnh viện tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh bình thường. Sau khi kết thúc cách ly, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục thực hiện tuân thủ các biện pháp giám sát và phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 963/QĐ - BYT ngày 18/3/2020; Chỉ thị 06/CT - BYT ngày 28/3/2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong các cơ sở y tế.
22h00 ngày 11/4, hơn 1,7 triệu người mắc bệnh, hơn 104 nghìn người chết
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00' ngày 11/4 (giờ Việt Nam), dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã lây lan ra 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với tổng cộng 1.725.271 ca mắc bệnh và 104.881 ca tử vong.
Mỹ tiếp tục là quốc gia có số bệnh nhân COVID-19 lớn nhất - 505.237 ca mắc bệnh và 18.850 ca tử vong. Mỹ cũng là nước đầu tiên trên thế giới ghi nhận tới hơn 2.300 ca tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ. Sau Mỹ, Italy đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong do COVID-19 với 18.849 ca. Đặc biệt, Tây Ban Nha ngày 11/4 ghi nhận số ca tử vong thấp nhất trong ngày kể từ ngày 23/3 - 510 ca.
Ngày 11/4, nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới như Nga (thêm 1.667 ca), Hà Lan (1.316 ca), Iran (1.837 ca), Ecuador (2.196 ca), Anh (917 ca). Đức (359 ca)...
Trong bối cảnh số ca lây nhiễm và tử vong do COVID-19 gia tăng, các nước tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là trong dịp lễ Phục sinh cuối tuần.
Tại Litva, cảnh sát đã lập hàng trăm trạm kiểm soát trên toàn quốc để thực thi lệnh cấm đi lại trong dịp nghỉ lễ Phục sinh nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Theo quy định của chính phủ, kể từ tối 10/4 đến ngày 13/4, quốc gia Baltic này đã áp đặt lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh, thành phố và thị trấn nhằm hạn chế người dân đến thăm hỏi người thân trong dịp nghỉ lễ Phục sinh. Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với những người đi làm, trở về nhà hay tham dự đám tang.
Chính phủ Italy đã gia hạn các biện pháp hạn chế đi lại đến ngày 3/5 đồng thời công bố sắc lệnh mới về giai đoạn 2 ứng phó với dịch bệnh. Chính phủ Italy vẫn duy trì các biện pháp hạn chế đi lại của người dân, đồng thời kêu gọi người dân giữ khoảng cách an toàn trong dịp lễ.
Tương tự, Chính phủ Ireland đã gia hạn sắc lệnh yêu cầu người dân ở trong nhà, hạn chế ra đường, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt đi mua thực phẩm hoặc thuốc thang, cho đến ngày 5/5. Trước đó, sắc lệnh này được ban hành ngày 27/3 và kéo dài đến ngày 12/4. Ireland sẽ lùi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tới cuối tháng Bảy hoặc đầu tháng Tám trong khi kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở sẽ được thay thế bằng các bài kiểm tra và đánh giá tại trường. Tất cả các trường học ở Ireland đều đóng cửa từ ngày 12/3 cho đến khi có thông báo mới để đề phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu công dân tại 31 thành phố (trong đó có cả ở thủ đô Ankara cùng thành phố Istanbul) ở nhà trong 48 tiếng, cho tới tối 13/4.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi người dân trên cả nước đảm bảo thực thi nghiêm túc biện pháp giãn cách xã hội, không tới các tụ điểm đông người như quán bar và nhà hàng để ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng.
Ở Thái Lan, phần lớn các tỉnh của nước này đã cấm bán đồ uống có cồn, hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ không tổ chức các lễ hội trong dịp Tết cổ truyền Songkran (lễ hội té nước mừng Năm mới).
Trước việc một số nước đang lên kế hoạch nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội trước những diễn biến về dịch chậm lại, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo các nước này nên thận trọng về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng chống sự lây lan đại dịch COVID-19 vì việc này có thể dẫn đến sự hồi sinh “chết người” của dịch bệnh. Theo ông, quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cần được cân nhắc dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, cũng như khả năng ứng phó của lực lượng y tế. Ông cho rằng cần phải có các biện pháp đề phòng tại những nơi đông người như ở công sở, trường học hay các địa điểm quan trọng. Ngoài ra, người dân cũng cần được nâng cao nhận thức về dịch bệnh trong thời điểm trước khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Nhóm P.V