Xét xử vụ án nguyên 6 cán bộ ngành đường sắt lợi dụng chức vụ, quyền hạn
5 đồng phạm của bị cáo Bằng gồm: Nguyễn Nam Thái, sinh năm 1977, nguyên Trưởng phòng thực hiện Dự án 3, Ban Quản lý các Dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Trần Văn Lục (sinh năm 1958, nguyên Giám đốc RPMU); Trần Quốc Đông (sinh năm 1964, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, nguyên Giám đốc RPMU); Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1962, nguyên Giám đốc RPMU); Phạm Quang Duy (sinh năm 1975, nguyên Phó Giám đốc RPMU).
Phiên tòa do thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) làm chủ tọa. 8 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo trước Tòa.
Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2009 đến tháng 2/2014, Phạm Hải Bằng (Phó Giám đốc RPMU), Chủ nhiệm dự án “Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 01), giai đoạn 1” đã trực tiếp thỏa thuận với đại diện nhà thầu JTC (Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản), để nhà thầu hỗ trợ kinh phí cho RPMU sử dụng vào mục đích liên quan đến thực hiện dự án và đã được nhà thầu JTC đồng ý hỗ trợ.
Quang cảnh phiên xét xử
Tổng số tiền các nhân viên nhà thầu JTC chuyển cho Bằng, Thái và Duy trong khoảng thời gian nói trên là khoảng 11 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đã được các bị cáo sử dụng chi phí cho lễ ký kết hợp đồng, chi tiếp khách, hội họp, đi lại, lễ tết, làm ngoài giờ… để vụ lợi cho tập thể, trong đó có quyền lợi cá nhân.
Theo cơ quan điều tra, một số lãnh đạo chủ chốt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam hiện đã nghỉ hưu cũng bị xác định liên quan trách nhiệm quản lý RPMU. Tuy nhiên trong phạm vi dự án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) mới chỉ khởi tố, điều tra hành vi trái pháp luật trong việc nhận tiền ngoài hợp đồng của JTC. Nội dung khác liên quan trách nhiệm quản lý toàn bộ dự án đã được tách tài liệu để điều tra, xử lý sau.
Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa, bị cáo giữ vai trò chủ mưu trong vụ án là Phạm Hải Bằng đã khai về dự án tuyến đường sắt đô thị dài 28km từ Yên Viên đến Ngọc Hồi có tổng giá trị hợp đồng tuyến 01 khoảng 320 tỷ đồng. Ngay sau khi dự án được triển khai, chủ đầu tư và nhà thầu dự đoán có những khó khăn, có những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Tổng Công ty đường sắt nên phải báo cáo cấp trên, vì vậy đã phát sinh thêm phụ lục hợp đồng 01, điều chỉnh giá trị tăng thêm gần 8% - tương ứng với hơn 84 tỷ đồng.
Mặc dù đã được điều chỉnh bổ sung khoản tiền phát sinh này, nhưng Ban quản lý vẫn lấy thêm tiền ngoài hợp đồng của nhà thầu. Bị cáo Bằng khai việc này do bị cáo Duy thực hiện.
Trong khi bị cáo Bằng phủ nhận việc "đặt vấn đề đề nghị JTC hỗ trợ tiền", Tòa đã công bố tài liệu điều tra cho thấy, bị cáo là người trực tiếp nhận tiền. Khoảng 11 tỷ đồng được chi tiêu không lưu sổ sách kế toán. Bị cáo Bằng sau đó trả lời rằng, đây là khoản tiền "lẽ ra JTC phải chi nhưng Ban quản lý đã chi hộ cho họ".
Mặc dù tòa hỏi nhiều lần, bị cáo Bằng một mực cho rằng chưa bao giờ đưa ra những khó khăn để nhận tiền từ JTC như cáo trạng đã quy kết. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử ngay sau đó công bố lời khai của một người thuộc JTC theo điều tra của phía Nhật Bản với nội dung: “Tôi cho rằng nếu không đưa tiền thì khó có thể tham gia đàm phán với RPMU hoặc sẽ bị kéo dài. Cho dù chi hối lộ cho ông Bằng nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho JTC”…
Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/10.