loading...
Hiện, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo đầy đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Riêng tình trạng thiếu vaccine dịch vụ thì phụ thuộc cơ chế thị trường và tùy đơn vị cơ sở, không nằm trong chương trình bắt buộc của Bộ Y tế.
Thông tin từ Bộ Y tế ngày 25/5 cho biết, Bộ Y tế đã quyết định sử dụng thêm vắc-xin DPT-VGB-Hib do Viện huyết thanh Ấn độ (SII) sản xuất trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Như vậy, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã có hai loại vắc-xin được sử dụng song song là: vắc-xin ComBe Five và DPT-VGB-Hib.
Đây là nội dung nổi bật được ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/6,
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, vaccine phòng bệnh có hai loại gồm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng và vaccine dịch vụ. Theo đó, vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng gồm 10 bệnh theo thông tư 38 của Bộ Y tế, được tiêm hoàn toàn miễn phí như viêm gan virus B cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Haemophilus influenzae tuýp B, sởi, viêm não Nhật bản B và Rubella.
Trước tình trạng thiếu vaccine viêm gan B, viêm não mô cầu, vaccine cúm tại các cơ sở y tế, ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, hầu hết là vaccine dịch vụ. Riêng đối với vaccine viêm gan B, người lớn sẽ tiêm dịch vụ còn trẻ nhỏ vẫn nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, hoàn toàn miễn phí.
Bên cạnh đó, vaccine viêm gan B được chỉ định tiêm bắt buộc trong vòng 24 giờ đầu sau sinh và vaccine ngừa lao được tiêm một lần cho trẻ trong vòng 1 tháng sau sinh. Với trường hợp trẻ tiêm dịch vụ, nếu các cơ sở y tế tiêm dịch vụ thiếu vaccine các loại bệnh nêu trên, người dân có thể đưa trẻ đến các Bệnh viện nhi đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh để tiêm dịch vụ.
Liên quan đến việc xử phạt trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo Nghị định 177/2020, ông Nguyễn Hồng Tâm thông tin, từ đầu năm đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ra 4 quyết định xử phạt về công tác này. Việc xử phạt trong phòng, chống dịch sốt xuất huyết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương vì ở gần người dân nhất.
Tuy nhiên, việc xử phạt còn gặp khó khăn do vấn đề xác định địa phận xảy ra vi phạm để xác định cơ quan có thẩm quyền xử phạt. Thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) sẽ phối hợp cùng sở, ngành, địa phương để kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết cùng công tác xử lý vi phạm.
Thu Hương/TTXVN
loading...