A+ A A- Kiểu đọc sách

TP HCM bố trí bệnh viện dã chiến riêng cho người nhiễm biến chủng Omicron

21:53 06/12/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Phương án ứng phó với biến chủng Omicron, việc cho học sinh đi học trở lại, chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động... là các nội dung nổi bật được đưa ra tại cuộc họp định kỳ về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/12.

Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động

Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm 33 trạm y tế lưu động

Ngày 9/11, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn gửi đến 4 quận, huyện có số ca mắc COVID-19 tăng cần khẩn trương bổ sung các trạm y tế lưu động chăm sóc F0 cách ly tại nhà.

Chưa ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), đến nay, thành phố chưa ghi nhận ca nhiễm từ biến chủng Omicron. Biến chủng này được cho là có thể lây lan gấp 5 lần so với biến chủng cũ nên HCDC đã đề ra các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan. Cùng với đó, ngành y tế cũng đang tập trung ngăn chặn nguy cơ từ nguồn xuất nhập cảnh chính thức như Cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, hàng hải…

Theo đó, người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine vào thành phố sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày. Nếu trường hợp người nhập cảnh dương tính, HCDC sẽ phối hợp với bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh giải trình tự gen để phân tích. Đối với nguồn nhập cảnh không chính thức, là người không nhập cảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh mà có thể từ các đường bộ ở Tây Ninh, Long An, ngành y tế đã phối hợp lực lượng công an để rà soát, kiểm soát, ngăn chặn.

Chú thích ảnh
Bệnh viện dã chiến số 12. Nguồn: LA

Trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch trong nội địa, sẵn sàng ứng phó cấp độ dịch phù hợp với diễn biến, tăng cường tiêm vaccine bổ sung sau 28 ngày, kể từ mũi tiêm gần nhất đối với người suy giảm miễn dịch và tiêm nhắc lại đối với các trường hợp đủ thời gian sau 6 tháng.

Về vấn đề ứng phó với biến chủng Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo liên ngành, Sở Y tế đã phối hợp với Bộ tư lệnh Thành phố và Công an Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng, tham mưu thế trận y tế. Với thế trận này, các đơn vị được giao sẽ nhận diện từ xa, khi biến chủng vào thành phố, các đơn vị trên sẽ có kế hoạch tác chiến theo chức năng nhiệm vụ nhằm nhanh chóng dập dịch.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, các trường hợp nhiễm COVID-19 từ biến chủng Omicron sẽ được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 12 do bệnh viện này hiện đang trống, tương đối biệt lập, lực lượng y bác sĩ sẽ có bộ phận tăng cường để đáp ứng tình hình khi số bệnh nhân tăng cao.

Tái cấu trúc lại các bệnh viện dã chiến

Trước việc số F0 tăng, ca tử vong không giảm, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, đơn vị đã có văn bản hướng dẫn về việc thu dung, điều trị. Ngoài ra, Sở cũng đang thực hiện tái cấu trúc lại các bệnh viện mà vốn bình thường không điều trị COVID-19.

Cụ thể, các bệnh viện có khoa khám sàng lọc và khu vực cách ly tạm thời sẽ được hướng dẫn để trở thành nơi điều trị COVID-19, tránh chuyển bệnh nhân nhiều lần. Các bệnh viện có chuyên khoa nhi hay sản cũng sẽ thành lập đơn vị hồi sức COVID-19 để điều trị bệnh nhân nặng.

Chú thích ảnh
Bên trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng ở quận Tân Bình. Ảnh: TTXVN phát

Với các bệnh viện trước đây đã chuyển đổi toàn bộ công năng điều trị COVID-19 như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương, An Bình hay Củ Chi thì tiếp tục thực hiện, các bệnh viện tách đôi sẽ tiếp tục tách đôi.

Về lộ trình giải thể các bệnh viện dã chiến, thu dung trên địa bàn thành phố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã giải thể 8 bệnh viện dã chiến, còn 13 bệnh viện sẽ không giải thể theo lộ trình từng đặt ra.

Theo đó, Sở Y tế sẽ tái cấu trúc lại các đơn vị này để đủ điều kiện thành bệnh viện 3 tầng nhằm cứu chữa bệnh nhân kịp thời trong mọi tình huống. Sở cũng hướng dẫn các bệnh viện sẵn sàng hậu cần, phân bổ nguồn lực để đáp ứng mọi tình huống theo kịch bản.

Về tăng cường hệ thống y tế cơ sở, theo Chánh văn phòng Sở Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 310 trạm y tế cố định và tăng cường 382 trạm y tế lưu động. Trong đó, quân y phụ trách 168 trạm. Song song đó, thành phố lập thêm 214 trạm y tế lưu động nhằm hỗ trợ kịp thời trạm y tế cố định cũng như địa phương trong tiếp nhận, thu dung và chăm sóc F0 đang được điều trị, cách ly y tế tại nhà.

Về các túi thuốc, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định, qua rà soát lại, các cơ sở y tế trên địa bàn vẫn còn gói thuốc C. Do đó, Sở đang điều chuyển thuốc từ đơn vị không sử dụng, đến nơi có nhu cầu cao hơn. Ngoài Molnupiravir, Thành phố Hồ Chí Minh được cung ứng thêm Favipiravir để đáp ứng cho các trạm y tế. Bên cạnh đó, thành phố cũng được hỗ trợ thêm các sản phẩm đông y để chăm sóc sức khỏe bệnh nhân COVID-19.

Đảm bảo tâm lý cho phụ huynh và học sinh khi quay lại trường

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về thông tin khảo sát mới công bố, 70% phụ huynh không đồng ý cho học sinh lớp 1 đến trường. Đây là nhóm theo kế hoạch được đi học trực tiếp trở lại từ ngày 13/12.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, số liệu trên cho thấy sự lo lắng của một bộ phận phụ huynh, đặc biệt là với nhóm trẻ 6 tuổi. Để yên lòng phụ huynh học sinh, ngành giáo dục cần phối hợp với ngành y tế để đảm bảo kế hoạch đi học trở lại cụ thể, an toàn. Đồng thời, sở và các địa phương cần tuyên truyền với phụ huynh học sinh về cơ sở vật chất để các cha mẹ yên tâm.

Về khó khăn trong dạy trực tiếp khi học sinh quay lại trường, theo ông Dương Trí Dũng, Sở đã chuẩn bị phương án đi học trở lại cụ thể sau khi có kế hoạch của UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép một số cấp lớp đến trường. Các phòng tham mưu chuyên môn đã hướng dẫn kế hoạch học trực tiếp với từng cấp học, bậc học cụ thể.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. Ảnh: Thu Hương/TTXVN

Song song với việc học trực tiếp trong thời gian thí điểm, Sở vẫn duy trì kênh học trực tuyến qua Internet, truyền hình. Đây là kênh hỗ trợ không thể thiếu trong thời điểm vẫn còn một bộ phận học sinh chưa tới trường, đảm bảo trẻ bắt nhịp với kế hoạch chung của thành phố.

Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn như Sở Y tế, Đại học Y dược, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo tâm lý cho phụ huynh và học sinh khi quay lại trường. Với các học sinh chưa quay lại trường có vấn đề tâm lý, Sở cũng đã giao trường, giáo viên chủ nhiệm và các bộ phận liên quan theo dõi; đồng thời kích hoạt lại tổ tư vấn tâm lý tại trường học để xử lý tình huống khi học sinh hay phụ huynh có vấn đề về tâm lý; đặc biệt nâng đỡ tâm lý với học sinh thuộc nhóm yếu thế.

Về việc học sinh lớp 1, 9, 12 trở lại trường, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện nhiều bước để bồi dưỡng đội ngũ, thẩm định phương án về an toàn phòng chống dịch tại các đơn vị.

Trong ngày 6/12, Sở đã thẩm định mẫu phương án phòng chống dịch tại một trường trung học phổ thông của Quận 1 để làm mẫu cho các địa phương. Dựa trên kết quả 2 tuần thí điểm và căn cứ tình hình thực tế, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tính toán, trình UBND Thành phố phương án mở rộng việc đi học trực tiếp từ ngày 3/1.

Chi hơn 6.000 tỷ cho người rút bảo hiểm xã hội một lần

Liên quan đến vấn đề chi trả bảo hiểm xã hội cho người dân, theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê, số lượng hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần đang có xu hướng tăng. Từ đầu năm tới nay, bảo hiểm xã hội đã giải quyết 95.055 hồ sơ, chi trả tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng. Tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội của thành phố là hơn 2,2 triệu.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, có ba nguyên nhân khiến người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần như: Người lao động ngừng việc, thiếu việc làm bị ảnh hưởng thu nhập, để trang trải cuộc sống, họ quyết định chuyển từ khu vực chính thức sang lao động tự do, không tham gia bảo hiểm xã hội; Một bộ phận người lao động từ tỉnh khác đến thành phố chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết khó khăn trước mắt; một số người lao động nghĩ rằng nhận bảo hiểm xã hội là trợ cấp mất việc để giải quyết khó khăn, sau đó sẽ tiếp tục tham gia khi có điều kiện.

Theo Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trước mắt, Sở đề xuất tăng truyền thông cho người lao động để họ hiểu về lợi ích hưởng lương hưu so với bảo hiểm xã hội một lần. Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, cơ quan báo chí cũng tuyên truyền về việc này và lãnh đạo Sở đề nghị cần làm thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, Sở cũng cho rằng, cần làm tốt đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động khi họ hưởng bảo hiểm thất nghiệp để nhanh chóng quay lại thị trường lao động chính thức. Ở cấp vĩ mô, ông Nguyễn Văn Lâm đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh một số quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết thi hành.

Thu Hương/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...