Tình hình Iraq ngày càng thêm phức tạp sau vụ ám sát hụt Thủ tướng al-Kadhimi
(Thethaovanhoa.vn) - Một vụ ám sát bất thành bằng máy bay không người lái đã nhằm vào Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi tại Vùng Xanh. Xảy ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại thủ đô Baghdad nhằm phản đối kết quả bầu cử Quốc hội hồi tháng 10-2021 biến thành bạo loạn, vụ việc đã khiến cho tình hình Iraq thêm phức tạp
Biểu tình hậu bầu cử biến thành bạo loạn
Ngày 10/10, cử tri Iraq đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử trước thời hạn. Đây là cuộc bầu cử mà theo Thủ tướng Iraq al-Kadhimi cử tri Iraq có "cơ hội lịch sử" để bầu chọn những cá nhân có năng lực, những người không vướng vào bê bối tham nhũng và có khả năng đưa ra những "cải cách toàn diện ở mọi cấp độ".
Trên thực tế, cuộc bầu cử này bị chi phối bởi các vấn đề là khủng hoảng kinh tế và vấn nạn tham nhũng. Từ chỗ là một trong những quốc gia Arab giàu có nhất, với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 5 thế giới song Iraq thường xuyên phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế-xã hội. Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (WB), ở Iraq tỷ lệ thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên lên tới hơn 40% và hơn 60% dân số sống ở mức nghèo khổ. Còn nạn tham nhũng tràn lan, cướp đi một phần đáng kể của ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, Iraq cũng cần củng cố sức mạnh quân sự sau thời gian dài đất nước trải qua cuộc chiến chống IS, và thách thức an ninh từ các tổ chức khủng bố khi Mỹ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu của quân đội tại Iraq. Thế nên cuộc bầu cử lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết được các thách thức trên và có thể định hình tương lai của lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú tại đây.
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, phong trào chính trị của giáo sĩ Moqtada al-Sadr giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội với 73 trong tổng số 329 ghế, Liên minh Luật quốc gia của cựu Thủ tướng Nouri al-Maliki giành được số ghế cao thứ hai trong nhóm các đảng chính trị dòng Shiite. Trong khi đó, Conquest Alliance, cánh chính trị của liên minh bán quân sự Hashed-al-Shaabi, đã thất bại trong cuộc bầu cử.
Với kết quả này, Iraq sẽ phải có nhiều tuần và nhiều tháng đàm phán để hướng tới việc hình thành chính phủ mới. Iraq cũng sẽ có một chính phủ mới của dòng Hồi giáo Shiite, khi mà các nhóm Hồi giáo dòng Shiite đã chiếm ưu thế trong các chính phủ tại Iraq kể từ khi Mỹ đưa quân vào nước này năm 2013 và lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein theo dòng Sunni và đưa nhóm Shiite chiếm đa số tại Iraq lên nắm quyền.
- Iraq xác định danh tính các đối tượng âm mưu ám sát thủ tướng
- Soi kèo nhà cái UAE vs Iraq. Nhận định, dự đoán bóng đá World Cup 2022 (23h45, 12/10)
Kết quả bầu cử đã rõ ràng, thế nhưng các lãnh đạo của Hashed đã phản đối kết quả bầu cử và một số người ủng hộ nhóm này đã tổ chức biểu tình trên con đường dẫn tới Vùng Xanh trong tháng 10. Và làn sóng biểu tình tại thủ đô Baghdad nhằm phản đối kết quả bầu cử quốc hội ở nước này đã biến thành bạo loạn.
Vụ ám sát bất thành
Trong bối cảnh làn sóng biểu tình tại thủ đô Baghdad nhằm phản đối kết quả bầu cử quốc hội ở nước này biến thành bạo loạn, rạng sáng 7/11 quân đội Iraq cho biết Thủ tướng al-Kadhimi đã thoát chết trong một “âm mưu ám sát bất thành” được thực hiện bằng máy bay không người lái (UAV) mang thuốc nổ nhằm vào nhà riêng của ông tại Vùng Xanh, khu vực vốn được bảo vệ nghiêm ngặt ở thủ đô Baghdad. Theo quân đội Iraq, Thủ tướng al-Kadhimi không bị thương sau vụ tấn công trong khi các nguồn tin an ninh cho biết vụ tấn công khiến 6 thành viên trong đội vệ sĩ của thủ tướng bị thương. Hiện chưa có tổ chức nào nhận là thủ phạm.
Vài giờ sau khi xảy ra vụ tấn công bất thành, Thủ tướng al-Kadhimi đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên "nên đối thoại hòa bình để xây dựng Iraq và tương lai đất nước". Ngay trong ngày 7/11, ông al-Kadhimi đã trở lại làm việc và tổ chức một cuộc họp khẩn với Hội đồng Bộ trưởng an ninh quốc gia để thảo luận về vụ tấn công. Thủ tướng Iraq al-Kadhimi cho biết đã xác định được danh tính các đối tượng âm mưu ám sát ông, cũng như nơi xuất phát của các thiết bị bay không người lái nhằm vào dinh thự của ông ở thủ đô Baghdad sáng sớm cùng ngày.
Kênh truyền hình nhà nước Iraqiya dẫn lời ông Yahia Rasoul, người phát ngôn của Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Iraq, cho biết: "Hai máy bay không người lái tấn công dinh thủ tướng xuất phát từ một khu vực nằm cách thủ đô 12km về phía Đông Bắc... bay ở tầm rất thấp để tránh bị radar phát hiện". Quan chức này khẳng định: "Âm mưu ám sát khủng bố đã được lên kế hoạch rất cẩn thận".
Tổng thống Iraq Barham Salih đã chỉ trích vụ tấn công trên là tội ác không thể chấp nhận nhằm vào Iraq. Ông Salih khẳng định không chấp nhận để Iraq bị đẩy vào tình trạng bạo loạn và hay để xảy ra một cuộc đảo chính nhằm vào hệ thống hiến pháp của nước này.
Các nước lên án vụ ám sát nhằm vào Thủ tướng Iraq
Phản ứng về vụ việc, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres "kịch liệt lên án" vụ tấn công, đồng thời kêu gọi kiềm chế và tránh bạo lực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời đánh giá cao lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Iraq hối thúc "bình tĩnh, kiềm chế và đối thoại". Ông chủ Nhà Trắng cho biết đã chỉ thị cho đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ có những biện pháp hỗ trợ phù hợp cho chính quyền Iraq trong quá trình điều tra xác định thủ phạm.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Người phát ngôn của thủ tướng cho biết ông Johnson đã "chia buồn với những người bị thương", đồng thời "khẳng định rằng Anh sát cánh với nhân dân Iraq và ủng hộ các nỗ lực thành lập một chính phủ sau bầu cử, vốn đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định lâu dài của đất nước".
Cùng ngày, Pakistan, Iran, Jordan, Saudi Arabia đã lên án vụ tấn công bất thành nhằm vào Thủ tướng Iraq, coi đây là âm mưu gây bất ổn tại nước này.
Theo giới phân tích, vụ việc nhắm vào người đứng đầu cơ quan hành pháp cao nhất đất nước thể hiện một mối nguy hiểm và có nguy cơ gây ra những bất ổn về an ninh, chính trị và kinh tế cho Iraq. Mặt khác, sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Iraq với giáo sĩ Moqtada al-Sadr, người có quan điểm phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq và không đồng tình với việc Iran tăng cường ảnh hưởng, cũng là một yếu tố gây mất ổn định khác.
Chính vì vậy, vào thời điểm Iraq chuẩn bị đàm phán để hướng tới việc hình thành chính phủ mới sau bầu cử, tất cả phe phái chính trị của Iraq cần giữ bình tĩnh, từ bỏ bạo lực, duy trì sự đoàn kết để bảo vệ sự ổn định của đất nước và đạt được nguyện vọng của người dân Iraq
TTXVN