loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 11/1/2022 đến 16 giờ ngày 12/1/2022, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.135 ca mắc mới, 38.943 ca khỏi bệnh.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Dịch ở Quảng Ninh có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, Hải Dương thêm 203 ca mắc mới
Hôm nay (13/1), trên địa bàn Hải Dương và Quảng Ninh tiếp tục ghi nhận hàng trăm bệnh nhân COVID-19 mới. Dịch ở Quảng Ninh có nguy cơ lan ra cộng đồng, trong khi đó Hải Dương có thêm 203 ca mắc mới.
Tại tỉnh Quảng Ninh, trong ngày có 299 bệnh nhân mắc COVID-19 và tập trung nhiều nhất tại thị xã Đông Triều, TP. Uông Bí và TP. Hạ Long.
Đối với thị xã Đông Triều có 75 trường hợp mắc trong ngày. Trong đó 12 ca là F1 đã được quản lý, cách ly và xét nghiệm lần 2 có kết quả khẳng định dương tính. 63 trường hợp còn lại được phát hiện tại cộng đồng, gồm: 37 ca là công nhân Công ty Regina Miracle, 10 ca là công nhân Công ty than Nam Mẫu, 2 bệnh nhân công nhân Công ty than Vàng Danh, 2 ca là học sinh tiểu học, 5 ca là các F1 và 7 ca là các trường hợp xét nghiệm sàng lọc, test nhanh.
Cũng trong ngày hôm nay, tại TP. Uông Bí ghi nhận 68 bệnh nhân mắc COVID-19. Riêng ca mắc trong cộng đồng là 65 ca, đáng chú ý có đến 51 trường hợp là công nhân và những người liên quan đến ổ dịch Công ty Regina Miracle. Còn tại TP. Hạ Long ghi nhận 48 ca bệnh, trong đó 12 ca đã được quản lý, cách ly; những trường hợp còn lại được phát hiện tại cộng đồng.
Theo ngành Y tế Quảng Ninh, số ca mắc trong cộng đồng trên địa bàn vẫn tiếp tục cao tại TP. Hạ Long, TP. Uông Bí, TP. Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều. Dịch ở các địa phương nói trên có sự lây lan cao tại cộng đồng và ảnh hưởng đến các đối tượng là học sinh tại một số trường học trên địa bàn, công nhân công ty than, các chợ.
Đối với tỉnh Hải Dương, hôm nay địa phương này có thêm 203 ca mắc mới tại các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có 149 trường hợp F1, 32 ca ho sốt cộng đồng, 13 bệnh nhân sàng lọc cộng đồng, 1 trường hợp sàng lọc bệnh viện, 1 ca nhân viên y tế và 7 trường hợp về từ các tỉnh khác.
Đáng chú ý, tại huyện huyện Cẩm Giàng có số ca mắc trong ngày nhiều nhất với 39 bệnh nhân. Trong đó 4 ca ho sốt, 35 trường hợp F1 và 4 ca từ vùng dịch về.
Đối với 6 ổ dịch trên địa bàn gồm: Công ty Best Pacific Cẩm Giàng, ổ dịch Công ty Sumidenso (thị trấn Lai Cách), công ty TNHH Giày Ngọc Hưng (xã Lương Điền), ổ dịch công ty Brother (KCN Phúc Điền), công ty TNHH Nishoku techonogy (KCN Tân Trường), ổ dịch Công ty TNHH LMS Vina (KCN Đại An mở rộng) đều ghi nhận ca mắc mới.
Như vậy, tính đến ngày hôm nay, tỉnh Hải Dương đã có 5.381 trường hợp mắc COVID-19 và hiện đang điều trị 2.160 ở các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế, tại nhà.
Cả nước có 16.725 ca mắc COVID-19 mới, riêng Hà Nội gần 3.000 ca
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 12/1/2022 đến 16 giờ ngày 13/1/2022, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.725 ca mắc mới, trong đó 25 ca nhập cảnh và 16.700 ca ghi nhận trong nước (tăng 634 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.822 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.968 ca), Bình Phước (726 ca), Bình Định (709 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (701 ca), Khánh Hòa (677 ca), Đà Nẵng (657 ca), Cà Mau (599 ca), Bến Tre (593 ca), Hải Phòng (497 ca), Tây Ninh (451 ca), Đắk Lắk (417 ca), Trà Vinh (360 ca), Vĩnh Long (359 ca), Bắc Ninh (346 ca), Thanh Hóa (337 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (329 ca), Hưng Yên (324 ca), Quảng Ninh (294 ca), Thừa Thiên Huế (290 ca), Quảng Ngãi (276 ca), Lâm Đồng (238 ca), Vĩnh Phúc (215 ca), Hòa Bình (211 ca), Hải Dương (203 ca), Quảng Nam (201 ca), Bắc Giang (199 ca), Thái Nguyên (193 ca), Bạc Liêu (185 ca), Hậu Giang (168 ca), Hà Giang (162 ca), Nghệ An (158 ca), Bình Thuận (150 ca), Đồng Tháp (141 ca), Cần Thơ (130 ca), Nam Định (128 ca), Tuyên Quang (126 ca), Đắk Nông (123 ca), Lạng Sơn (121 ca), Thái Bình (121 ca), An Giang (120 ca), Đồng Nai (104 ca), Sóc Trăng (101 ca), Quảng Bình, Hà Nam (mỗi địa phương 99 ca), Gia Lai (93 ca), Quảng Trị (83 ca), Phú Yên (77 ca), Kon Tum, Kiên Giang (mỗi địa phương 76 ca), Sơn La (73 ca), Ninh Bình (69 ca), Phú Thọ (68 ca), Lào Cai (59 ca), Tiền Giang (57 ca), Điện Biên (55 ca), Cao Bằng (50 ca), Long An (49 ca), Yên Bái (46 ca), Lai Châu (44 ca), Ninh Thuận (39 ca), Hà Tĩnh (38 ca), Bình Dương (24 ca), Bắc Kạn (18 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Nam Định (99 ca), Khánh Hòa (95 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (71 ca).
Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (416 ca), Lạng Sơn (121 ca), Bến Tre (94 ca).
Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.012 ca/ngày.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (27 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (12 ca), Đà Nẵng (3 ca), Thanh Hóa, Khánh Hòa (mỗi địa phương 2 ca), Long An, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng (mỗi địa phương 1 ca).
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.975.444 ca mắc, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.019 ca mắc ca).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.969.294 ca, trong đó có 1.659.113 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (510.202), Bình Dương (291.804), Đồng Nai (99.069), Tây Ninh (84.070), Hà Nội (79.406).
Trong ngày, 26.031 ca được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 1.661.930 ca. 6.006 bệnh nhân nặng đang điều trị
206 ca tử vong; tại Thành phố Hồ Chí Minh (19 ca) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến: Bình Dương, Đắc Lắk, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Ninh Bình, Phú Yên (mỗi địa phương 1 ca).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Tháp (30 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (14 ca), Hà Nội (13 ca), An Giang (11 ca), Tiền Giang (11 ca), Bình Dương (10 ca), Long An, Cần Thơ (mỗi địa phương 10 ca), Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu (mỗi địa phương 8 ca), Trà Vinh, Bến Tre (mỗi địa phương 7 ca), Sóc Trăng, Kiên Giang (mỗi địa phương 6 ca), Cà Mau (4 ca), Bắc Ninh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận (mỗi địa phương 3 ca), Thừa Thiên -Huế, Bình Định, Hà Giang, Phú Thọ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Hòa Bình (mỗi địa phương 2 ca), Quảng Trị, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai (mỗi địa phương 1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 218 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.170 ca, chiếm 1,8% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Ngày 12/1 có 927.829 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 164.482.313 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.458.908 liều, tiêm mũi 2 là 71.707.029 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 14.316.376 liều.
Quảng Bình: Thêm 91 ca mắc COVID-19, riêng ca cộng đồng chiếm hơn 1/2
Theo thông tin tổng hợp từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 12/01/2022 đến 6 giờ ngày 13/01/2022), Quảng Bình ghi nhận thêm 91 ca mắc COVID-19, trong đó có 51 ca cộng đồng, 32 ca liên quan đến chùm ca bệnh chờ Cuồi (Tiến Hoá, Tuyên Hoá); trong ngày có 34 ca xuất viện.
Tổng số người về từ vùng dịch dương tính với virus SARS-CoV-2 là 716 ca
Tổng số ca COVID-19 của tỉnh đến nay là 4.616; số ca điều trị khỏi là 3.826 còn 245 bệnh nhân đang điều trị, 7 ca tử vong; 462 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà.
Hiện 95,90 % người trên 18 tuổi ở Quảng Bình đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1; mũi 2 là 90,40%; Có 95,65% người trên 50 tuổi tại Quảng Bình tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã bắt đầu tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 tăng cường, nhắc lại cho lực lượng tuyến đầu và các đơn vị thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán
Bộ Y tế vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-BYT về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022.
Trực 24/24h đảm bảo công tác khám chữa bệnh
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị y tế các ngành xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2022; tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.
Phân công trực 24/24 giờ hợp lý, khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh; nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường ngay sau kỳ nghỉ Tết. Quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán 2022. Chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các khu vực đông dân cư, đô thị lớn, khu công nghiệp; các thời điểm người dân, công nhân di chuyển về quê, trở lại thành phố lao động, sản xuất; giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài để phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus, không để lây lan ra cộng đồng.
Cập nhật, triển khai có hiệu quả các hướng dẫn giám sát, cách ly phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhất là tại tuyến cơ sở để thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đáp ứng, hỗ trợ kịp thời; tổ chức tiêm vét vaccine phòng COVID-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm người đứng đầu tại các đơn vị, cơ sở vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.
Sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron
Bộ Y tế đề nghị các địa phương nâng cao năng lực thu dung, điều trị của các cơ sở y tế trên địa bàn để thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh thông thường và điều trị, hồi sức tích cực COVID-19. Chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyển hiệu quả, phân loại nguy cơ người bệnh ngay từ khi nhập viện; kịp thời cập nhật các hướng dẫn, phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Sẵn sàng ứng phó với kịch bản biến chủng mới Omicron làm gia tăng các trường hợp phải nhập viện.
Nâng cao hiệu quả công tác điều phối chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện tuyến dưới. Củng cố năng lực vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn.
Các địa phương huy động sự tham gia của các cơ sở tư nhân trong thu dung, điều trị người bệnh COVID-19; đội ngũ tình nguyện viên tham gia tư vấn, chăm sóc, điều trị, quản lý người bệnh ngay tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm điều kiện thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết trong hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, hỗ trợ theo dõi và quản lý người bệnh tại cộng đồng, điều phối chuyển tuyến.
Quán triệt các nhân viên y tế nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc giao tiếp, ứng xử, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh và người nhà người bệnh khi đến khám, điều trị tại cơ sở y tế.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương có các chế độ, chính sách động viên cán bộ y tế, nhất là bác sĩ, người tham gia công tác phòng, chống dịch dài ngày, làm việc trong khu điều trị COVID-19... Chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng kế hoạch tổ chức chăm sóc tốt, thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.
Cùng đó, các địa phương chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị đủ lượng oxy y tế; có phương án dự trữ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu.
Sẵn sàng hỗ trợ kịp thời tuyến dưới khi có dịch
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để; chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát yếu tổ nguy cơ gây dịch.
Phối hợp với các địa phương tiếp nhận mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định.
Chủ động nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh và bảo đảm đủ vật tư, hóa chất, thiết bị chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ địa phương đáp ứng với các tình huống dịch bệnh.
Về phía các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân luồng, cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tư vấn sức khỏe, đặt lịch khám và khám chữa bệnh từ xa.
Tập huấn chuyên môn, nâng cao năng lực về thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 cho nhân viên y tế.
Duy trì và tổ chức tốt đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ kịp thời đơn vị tuyến dưới khi có dịch bệnh: Chuẩn bị dự trữ đầy đủ oxy y tế, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; có phương án dự phòng, chuẩn bị cơ sở điều trị khi dịch xảy ra trên diện rộng; đảm bảo cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Nghệ An ghi nhận 40 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 19 ca cộng đồng
Sáng 13/1, Trung tâm Kiểm sát Bệnh tật (CDC) Nghệ An thông tin: Trong 12 giờ qua (từ 18h00 ngày 12/01/2022 đến 06h00 ngày 13/01/2022), Nghệ An ghi nhận 40 ca dương tính mới với COVID-19 tại 08 địa phương (TP Vinh: 16, Quỳnh Lưu: 10, Diễn Châu: 03, Quỳ Hợp: 03, Yên Thành: 03, Hoàng Mai: 02, Thanh Chương: 02, Nghĩa Đàn: 01).
Trong đó có 19 ca cộng đồng tại 05 địa phương (Quỳnh Lưu: 10, TP Vinh: 05, Hoàng Mai: 02, Diễn Châu: 01, Quỳ Hợp: 01); 21 ca đã được cách ly từ trước (13 ca là F1, 07 ca từ ngoại tỉnh có dịch về, 01 ca từ Lào về). Ghi nhận 23 ca có triệu chứng, 17 ca không có triệu chứng.
Lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 9.544 ca mắc COVID-19 ở 21 địa phương: TP Vinh: 1.367, Quỳnh Lưu: 866, Nghi Lộc: 636, Yên Thành: 598, Hoàng Mai: 585, Diễn Châu: 555, Quỳ Châu: 537, Quế Phong: 486, Thanh Chương: 428, Đô Lương: 419, Con Cuông: 384, Quỳ Hợp: 377, Tân Kỳ: 371, Nam Đàn: 364, Nghĩa Đàn: 346, Hưng Nguyên: 320, Kỳ Sơn: 292, Cửa Lò: 200, Tương Dương: 178, Anh Sơn: 121, Thái Hòa: 114...Lũy tích số bệnh nhân (BN) điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 8.148 BN. Lũy tích số BN tử vong: 37 BN. Số BN hiện đang điều trị: 1.359 BN.
2 phương án tính chi phí test nhanh tại các cảng hàng không đối với hành khách nhập cảnh
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các cảng vụ hàng không, các hãng hàng không yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai việc thu giá test nhanh tại các cảng hàng không Việt Nam đối với hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron.
Việc này cũng để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, tránh ùn tắc tại khu vực nhà ga quốc tế.
Theo đó, Cục yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện test nhanh cho tất cả các hành khách đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện đưa chi phí test nhanh vào giá vé đối với hành khách vận chuyển đến các sân bay quốc tế ở Việt Nam.
Các hãng hàng không nước ngoài có thể lựa chọn một trong hai phương án tính chi phí test nhanh. Thứ nhất, đưa chi phí này vào giá vé đối với hành khách. Hãng sẽ thanh toán chi phí test nhanh với đơn vị tổ chức test nhanh tại cảng hàng không quốc tế.
Thứ hai, hãng hàng không thông báo để hành khách biết và tự chịu chi phí test nhanh. Khách sẽ thanh toán trực tiếp cho đơn vị thực hiện test nhanh tại các cảng hàng không quốc tế.
Chi phí test nhanh không được cao hơn đơn giá của Bộ Y tế công bố tại Thông tư 16/2021/TT-BYT ngày 8/11/2021.
Nâng cao năng lực y tế cơ sở trong điều trị F0 tại nhà
Bộ Y tế cho biết, từ 16 giờ ngày 11/1/2022 đến 16 giờ ngày 12/1/2022, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.135 ca mắc mới, 38.943 ca khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.964 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.
Trong số ca mắc mới có 69 ca nhập cảnh và 16.066 ca ghi nhận trong nước (tăng 47 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.889 ca trong cộng đồng).
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (12), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
Hà Nội tiếp tục là địa phương có số mắc đứng đầu cả nước với 2.948 ca. Trước tình trạng số ca F0 tăng cao trong khi rất thiếu nhân lực y tế cơ sở, Đoàn Thanh niên - Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội triển khai mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 tại nhà với tổng số hơn 1.200 bác sĩ và tình nguyện viên đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện y dược trên địa bàn thành phố với hai nhóm hoạt động chính: tổng đài 1022 nhánh số 3 và 28 nhóm bác sĩ và tình nguyện viên tại 30 quận, huyện, thị xã.
Tính từ ngày 3/1/2022 đến nay, tổng đài 1022 nhánh số 3 đã tiếp nhận trên 1.092 cuộc gọi thành công hỗ trợ 1.092 bệnh nhân F0; Nhóm bác sĩ và tình nguyện viên đã thực hiện 42.999 cuộc gọi, hỗ trợ được 25.532 bệnh nhân, hỗ trợ 89 trường hợp chuyển nặng đến bệnh viện kịp thời.
Trước thực trạng số ca mắc COVID-19 đang ngày càng gia tăng, gây áp lực lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai điều trị bệnh nhân COVID nhẹ, không triệu chứng tại nhà.
Tại Khánh Hòa, công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà được tỉnh đẩy mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh triển khai các giải pháp khắc phục, nhằm đảm bảo các hoạt động khám chữa bệnh cũng như các hoạt động phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Đình Thoan, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho rằng, tỉnh đang bị quá tải điều trị F0 ở một số địa phương. Trước thực tế đó, ngành phối hợp với các đơn vị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị, để giảm áp lực cho nhân viên y tế; đẩy mạnh hoạt động tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ từ 12 đến 18 tuổi, tiêm mũi nhắc lại cho các đối tượng ưu tiên như người già, người mắc bệnh nền…
“Hiện, Khánh Hòa đủ khả năng quản lý F0 cách ly, điều trị tại nhà. Tỉnh có đủ nguồn vật tư y tế, thuốc men điều trị bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến cũng như bệnh nhân COVID-19 tại nhà. Tuy nhiên số ca mắc hàng ngày vẫn còn cao, trong đó chủ yếu là người mắc không có biểu hiện bệnh", ông Nguyễn Đình Thoan chia sẻ.
Theo thống kê, thành phố Nha Trang có khoảng 20.000 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, trong đó chỉ còn khoảng 5.700 ca đang điều trị. Hiện, trung bình mỗi ngày cả thành phố ghi nhận khoảng 400 ca mắc.
Tại Nam Định, để thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị yêu cầu, các huyện, thành phố triển khai ngay việc điều trị tại nhà các trường hợp F0 nhẹ hoặc không triệu chứng theo hướng dẫn của ngành y tế, đảm bảo người dân được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, được theo dõi, chăm sóc y tế và được dùng thuốc điều trị đầy đủ.
Ngoài trạm y tế lưu động, các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà (Tổ trưởng là cán bộ Trạm Y tế cấp xã và huy động sự tham gia của các đoàn thể, các tình nguyện viên) để thường xuyên theo dõi sức khỏe, phát thuốc điều trị, xử lý các tình huống liên quan đến sức khỏe F0.
Các huyện, thành phố thành lập các trạm oxy y tế lưu động theo khu vực để kịp thời hỗ trợ các trường hợp F0 điều trị tại nhà. Sở Y tế tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực các cơ sở y tế để phục vụ điều trị F0 triệu chứng nặng.
PV/TTXVN
loading...