Tiêu chí chỉ định thầu xây lắp cao tốc Bắc - Nam: Loại doanh nghiệp 'tì vết'
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18/2022/NQ-CP triển khai Nghị quyết 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025, trên thực địa, Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương đang rốt ráo bàn giao mốc giải phóng mặt bằng để kịp khởi công các dự án vào cuối năm nay.
Nhiều tên tuổi trong ngành xây lắp đồng loạt nộp đơn tới cấp có thẩm quyền xin được chỉ định thầu thực hiện các gói thầu xây lắp với những cam kết rút ngắn tiến độ, tiết kiệm và tập trung cao độ nhân lực, vật lực cho dự án.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để lựa chọn được các nhà thầu có đủ tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm thì điều kiện tiên quyết là cơ quan chức năng cần sớm xây dựng các tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp, qua đó đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án. Đặc biệt, cần loại ngay những nhà thầu yếu kém có "tì vết" về chất lượng công trình.
Cụ thể, một lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin, vừa qua đã có một số doanh nghiệp như: Him Lam, Hòa Bình, DIC Corp, Sơn Hải, Phương Thành, Licogi 16, Trường Thịnh, Vinaconex E&C, Đèo Cả, Hưng Thịnh… đã gửi đơn xin được chỉ định thầu thông qua việc lập các liên danh hoặc nhận thầu với tư cách là nhà thầu độc lập.
Trong đơn xin chỉ định thầu, các ứng thầu đều đưa ra cam kết mạnh mẽ như rút ngắn tiến độ 3 - 6 tháng và tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu (không bao gồm chi phí dự phòng). Thậm chí, có liên danh cho biết đã làm việc với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ tăng tính chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn thi công công trình. Theo dự báo, danh sách xin được chỉ định thầu sẽ còn tiếp tục xuất hiện thêm những ứng viên "máu mặt" khác trong thời gian tới.
Song lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, đối với các gói thầu xây lắp có quy mô lớn trong Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ 4.700 tỷ đồng đến 14.200 tỷ đồng/dự án sẽ khó lựa chọn được nhà thầu nếu áp dụng các tiêu chí về năng lực và kinh nghiệm theo quy định hiện hành (như hợp đồng tương tự có giá trị lớn hơn 70% giá gói thầu), do quy mô các gói thầu xây lắp đã thực hiện trước đây không đủ lớn.
Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, áp dụng riêng khung tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đối với các gói thầu xây lắp công trình giao thông thuộc dự án quan trọng có quy mô lớn, cấp bách.
Thông tin với phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho hay, việc xây dựng các tiêu chí cho chỉ định thầu xây lắp các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025 hiện Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn.
PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, khi càng có nhiều nhà thầu xin được chỉ định thầu, thì việc sớm có các tiêu chí phân chia gói thầu cũng như tiêu chí đánh giá năng lực phù hợp càng trở nên cấp thiết.
Giữa tháng 3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 1770/BKHĐT-QLĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, tại công văn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng xem xét áp dụng khung tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu đối với các gói thầu thuộc các dự án trên. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất áp dụng quy định giá trị hợp đồng tương tự thấp hơn thông lệ (70%) hoặc quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công công trình có hạng mục tương tự với hạng mục công trình của gói thầu được chỉ định.
Bên cạnh đó, các nhà thầu phải đáp ứng nguồn lực tài chính theo hướng quy định nhà thầu được chỉ định phải thực hiện đặt cọc hoặc ký quỹ một khoản kinh phí nhất định để phục vụ việc thi công gói thầu. Những nội dung yêu cầu cụ thể về năng lực, kinh nghiệm sẽ do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.
Để tránh tình trạng chia nhỏ gói thầu hay tập trung chỉ định cho một số nhà thầu dẫn đến không đảm bảo tiến độ, chất lượng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung một số tiêu chí về phân chia gói thầu; trong đó có việc không phân chia dự án thành quá nhiều gói thầu khác nhau có tính chất tương tự trong cùng một dự án; quy mô gói thầu được xác định phù hợp với khả năng triển khai của nhà thầu trong nước.
Ngoài ra, để khuyến khích sự tham gia của các nhà thầu có năng lực thi công công trình nhanh chóng, đảm bảo chất lượng, theo đúng tiến độ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bổ sung một số tiêu chí về ưu tiên nhà thầu; trong đó nhấn mạnh khả năng huy động ngay nguồn lực sẵn có về vật liệu, nhân lực, thiết bị để thi công; hợp đồng tương tự được chủ đầu tư xác nhận hoàn thành vượt tiến độ với chất lượng tốt; không cùng lúc thực hiện nhiều gói thầu dẫn đến vượt quá khả năng thi công.
Liên quan đến cơ chế chỉ định thầu được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 18/NQ-CP triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, nhiều chuyên gia cho rằng, việc "công tâm chọn mặt gửi vàng" làm cao tốc Bắc - Nam cần xét kỹ kinh nghiệm thi công, tránh trường hợp hồ sơ đẹp nhưng năng lực yếu.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, khi xây dựng phương án mời thầu cần kiểm soát ngay chi phí đầu vào, quá trình chỉ định thầu phải bảo đảm sự công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của các bên liên quan như doanh nghiệp, nhà thầu thi công. Vai trò của chủ đầu tư -Bộ Giao thông Vận tải rất quan trọng để chọn được nhà thầu phù hợp.
Theo ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, tại Nghị quyết 18/2022/NQ-CP quy định mức tiết kiệm bắt buộc 5% đối với tất cả nhà thầu là mức cao, nhưng là cơ sở để tạo áp lực cho các nhà thầu bao gồm cả tư vấn nâng cao năng lực thiết kế, thi công và quản trị dự án mang lại hiệu quả hơn.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành - chủ đầu tư dự án cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ cho rằng, để đảm bảo sự công bằng tuyệt đối cho các nhà thầu có uy tín, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng cần căn cứ vào các yếu tố chính như: các dự án nhà thầu đã thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định (có xác nhận của chủ đầu tư), năng lực tài chính, thiết bị máy móc.
- Chính phủ quyết định chỉ định thầu xây lắp 12 dự án cao tốc Bắc - Nam
- Đồng loạt khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam vào ngày 30/9
- Cao tốc Bắc - Nam sẽ được vận hành bằng hệ thống giao thông thông minh
Nhìn nhận dưới khía cạnh khác, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, cơ chế chỉ định thầu muốn không vấp phải sự hoài nghi của dư luận, ngay từ quá trình đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, các bộ, ngành phụ trách cần công khai rộng rãi danh sách những đơn vị được đề xuất lựa chọn và cả kết quả lựa chọn để các doanh nghiệp trong ngành và toàn dân giám sát năng lực, hiệu quả việc chỉ định thầu, giảm thiểu tối đa "xin – cho".
Một trong những đề xuất mà nhiều chuyên gia giao thông cho hay là trong lúc chưa có tiêu chí chính thức để chỉ định thầu, động tác trước tiên có thể làm ngay bây giờ của Bộ Giao thông Vận tải là rà soát kỹ "lí lịch" của nhà thầu, nhất là những nhà thầu có "tì vết" để "sơ tuyển" và loại ngay, không cần chờ tới khi công bố tiêu chí chỉ định thầu cho dự án. Đặc biệt, những nhà thầu thường xuyên bị bêu tên vì chậm tiến độ tại các dự án cao tốc thời gian vừa qua.
Về tiến độ chuẩn bị cho các tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải cùng các địa phương, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (gồm 12 dự án thành phần) tạo ra những dấu mốc chưa có tiền lệ.
Riêng việc khảo sát địa hình, địa chất đến nay đã cơ bản hoàn thành, giảm một nửa thời gian so với những dự án có quy mô tương tự. Thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục vào cuộc quyết liệt cả về phối hợp thực hiện hồ sơ pháp lý và bàn giao hồ sơ cọc giải phóng mặt bằng dự án này.
Quang Toàn/TTXVN