loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.294.778 ca mắc COVID-19, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.289.511 ca, trong đó có 1.004.749 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các nhà khoa học Anh và Mỹ mới đây đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất.
Các địa phương ghi nhận số mắc tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (476.818 ca), Bình Dương (283.908 ca), Đồng Nai (89.159 ca), Long An (38.607 ca), Tây Ninh (31.691 ca).
Trong tuần qua, số ca mắc mới ở khu vực miền Nam vẫn có xu hướng tăng, trong đó thành phố Cần Thơ vượt mốc hơn 30.000 ca mắc COVID-19 (tính từ ngày 8/7 đến nay), còn nhiều tỉnh, thành phố ở miền Tây Nam Bộ, số F0 trong cộng đồng chưa giảm.
Còn tại Hà Nội, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng đột biến so với thời gian trước, trong đó có nhiều ca cộng đồng, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn. Sở Y tế Hà Nội tối 4/12 thông báo ghi nhận thêm 628 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ, cao hơn số liệu hôm qua gần 80 trường hợp. Trong số các ca mới, có 190 ca cộng đồng, 338 ca trong khu cách ly và 100 ca khu phong tỏa. Đây là ngày thứ 7 liên tiếp Hà Nội ghi nhận số ca mắc kỷ lục. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 12.710 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 5.023 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 7.687 ca...
* Việt Nam có tỷ lệ tiêm chủng cao mặc dù xuất phát điểm chậm
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, tại một số nước xuất hiện biến chủng mới Omicron, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, 5 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch COVID-19 gồm: Vaccine; các biện pháp y tế công cộng – xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới. Trong số các công cụ này, bao phủ vaccine ở các quần thể dân số phù hợp được coi là biện pháp có thể tạo ra sự thay đổi toàn bộ cục diện. Cùng với các biện pháp 5K (như ở Việt Nam), đây là biện pháp hiệu quả nhất cứu sống con người trong đại dịch.
Theo Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, hiện số ca mắc COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron, khiến chúng ta lo lắng hơn. "Vaccine là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này", Tiến sĩ Kidong Park nêu rõ.
Tại Việt Nam, công tác an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu.Theo Bộ Y tế, tổng số vaccine đã nhận và dự kiến tiếp nhận đến hết năm 2021 từ các nguồn mua, viện trợ, tài trợ đã có cam kết là khoảng 211 triệu liều; số vaccine đã tiếp nhận đến hết ngày 3/12 là hơn 150 triệu liều. Hiện nay, Việt Nam đang chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm các loại vaccine phòng COVID-19 gồm: Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, Shionogi và một số loại vaccine của Cuba, Ấn Độ...
Cùng với đó, việc nghiên cứu thuốc điều trị COVID-19 cũng đã được tiến hành từ năm 2020, cả các nghiên cứu thuốc điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng. Đáng chú ý, hiện có 6 nhà máy trong nước nộp hồ sơ đăng ký thuốc điều trị COVID-19 với năng lực sản xuất ít nhất 1 triệu liều/ngày, nếu được cấp phép đáp ứng nhu cầu thuốc Molnupiravir cho công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Sáng 5/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị COVID-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhờ sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, đến thời điểm này, chiến lược vaccine đạt kết quả tốt: Đã tiêm mũi 1 đạt 94%, mũi 2 đạt 69%. So với các nước, Việt Nam thuộc nước có tỷ lệ tiêm chủng cao mặc dù xuất phát điểm chậm.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, diễn biến dịch hiện nay phức tạp, dịch còn có thể xuất hiện những chủng virus mới, do đó chiến lược phòng, chống dịch không chỉ có thời gian 2 năm mà có thể phải lâu dài hơn.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chủ động kịp thời, khoa học, hợp lý, hiệu quả, an toàn để bảo đảm đủ vaccine phòng, chống dịch; thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng vaccine. Theo đó, phấn đấu đến 15/12 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất là hoàn thành trong tháng 12; có lộ trình tiêm vaccine mũi thứ 3, trước hết là cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng ưu tiên và theo yêu cầu từng địa phương; khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 tuổi đến 18 tuổi... Đồng thời lên kế hoạch tiêm vaccine cho năm 2022; hoàn thành báo cáo, phân tích và quan điểm của Ban Chỉ đạo về vấn đề tiêm vaccine đối với trẻ em từ 5 đến 12 tuổi trình cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng lưu ý tránh tiêu cực trong vấn đề phân bổ, tiêm vaccine; nếu địa phương còn yếu, thiếu điều kiện tiêm vaccine cho người dân thì Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hỗ trợ nhân lực để tăng tốc tiêm vaccine cho nhân dân đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.
*Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Trước thực tế còn một số địa phương có tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Theo Bộ Y tế, nhiều địa phương đã đạt được tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên cao (trên 90% người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1) và đang triển khai tiêm chủng cho nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi. Tuy nhiên, còn một số địa phương tỷ lệ sử dụng vaccine/số vaccine được phân bổ và độ bao phủ vaccine còn thấp, còn nhiều người cao tuổi, người có bệnh nền chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tử vong cao nếu nhiễm bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân trong độ tuổi chỉ định; đảm bảo tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý và ưu tiên tiêm chủng cho đối tượng là người từ 50 tuổi trở lên, người mắc bệnh nền.
Hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trong năm 2021 và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.
Đối với những địa phương đã đạt được độ bao phủ vaccine cao cần rà soát kĩ càng và tổ chức tiêm vét, đảm bảo tất cả người dân có đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ liều vaccine.
Các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai việc tiêm mũi tăng cường, mũi bổ sung cho những người đã tiêm chủng đủ liều cơ bản theo hướng dẫn tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 1/12/2021 của Bộ Y tế.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát tỉnh hình triển khai tiêm chủng tại địa phương và rà soát số lượng vaccine đã được phân bổ để chỉ đạo, đôn đốc việc tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng kịp thời, không để xảy ra tình trạng thừa vaccine với hạn dùng ngắn hoặc quá hạn sử dụng phải huỷ bỏ gây lãng phí.
Bộ Y tế nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tiến độ sử dụng vaccine đã được phân bổ và tỷ lệ bao phủ vaccine tại địa phương.
TTXVN
loading...