Theo dòng thời sự: Bí quyết của 'người dẫn đầu'
(Thethaovanhoa.vn) - Không phải ngẫu nhiên New Zealand liên tục đứng đầu bảng xếp hạng của cả hãng Bloomberg lẫn Viện Lowy của Australia về khả năng ứng phó với COVID-19. Cuối năm 2020, hãng Bloomberg đánh giá New Zealand là quốc gia có phản ứng tổng thể tốt nhất thế giới trong đại dịch.
Tháng 5/2021, quốc gia ở châu Đại Dương này tiếp tục giữ vững ngôi vị đứng đầu xếp hạng của Bloomberg, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở New Zealand hiện vẫn khá thấp, 4,8% dân số, trong khi chỉ số này của Singapore, quốc gia đứng thứ hai, lên tới 29,9%. Điều đáng nói, từ tháng 10/2020-tháng 5/2021, chỉ duy nhất có tháng 4 là New Zealand "nhường" vị trí đứng đầu này cho Singapore.
Hơn 3 tháng qua, New Zealand không ghi nhận thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng. Kể từ khi phát hiện bệnh nhân COVID-19 đầu tiên ngày 28/2/2020 đến nay, đảo quốc Thái Bình Dương này có tổng cộng 2.681 ca mắc, trong đó có 17 ca đang được điều trị, 26 ca tử vong và 2.638 người đã hồi phục. Cuộc sống gần như đã trở lại bình thường với 5 triệu dân của “xứ kiwi”. Nhà chức trách dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với người dân cũng như hoạt động kinh tế trong nước, nhưng gần như vẫn đóng cửa biên giới để ngăn chặn virus từ bên ngoài xâm nhập.
Khi đánh giá New Zealand đứng đầu thế giới về ứng phó với COVID-19, giới chuyên gia nhất trí rằng nước này đã đưa ra các biện pháp xử lý đại dịch quyết đoán, nhanh chóng và hiệu quả nhất, đồng thời ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và xã hội nhất. Để đạt được thành tích này, Chính phủ của Thủ tướng Jacinda Ardern cùng với sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược “đi trước và mạnh tay”. Mô hình chống dịch của New Zealand căn bản là ngăn chặn virus xâm nhập từ nước ngoài, mua sắm các trang thiết bị bảo vệ những lao động thiết yếu, tăng cường xét nghiệm, truy vết tiếp xúc, cách ly các ca nhiễm và trên hết là thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm cắt đứt chuỗi lây nhiễm. "Bí quyết" của quốc gia này có thể tổng kết bằng 6 chữ: quyết liệt - kịp thời - đồng bộ.
Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố virus SARS-CoV-2 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, New Zealand ngày 2/2/2020 đã quyết định cấm nhập cảnh qua đường hàng không đối với mọi hành khách đến từ Trung Quốc, còn công dân New Zealand và người đến từ các nước khác nhập cảnh phải tự cách ly trong 14 ngày.
Ngày 25/3, khi số ca mắc trong nước khoảng 200, New Zealand nhanh chóng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đóng cửa biên giới, dù nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều vào du lịch. Người nước ngoài nhập cảnh bằng đường không và đường biển phải được xét nghiệm và cách ly tại một cơ sở được chỉ định. Với bước đi này, New Zealand đã “khóa chặt” cánh cửa đối với virus xâm nhập từ nước ngoài.
Chính phủ New Zealand cũng khẩn trương thiết lập hệ thống quốc gia trực tiếp đăng ký thiết bị bảo hộ cá nhân để xác định tất cả các nhà sản xuất trang thiết bị có khả năng hỗ trợ cuộc chiến chống dịch. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã hưởng ứng và tăng cường sản xuất trong nước hoặc liên kết với các công ty nước ngoài để tìm nguồn mua khẩu trang, dịch sát khuẩn tay, tấm chắn mặt và áo choàng y tế.
Chính phủ cũng xúc tiến lập một liên doanh công-tư để thu mua các bộ kit xét nghiệm và thuốc thử (hóa chất xét nghiệm virus SARS-CoV-2) từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Trong lúc nhiều nước cũng ráo riết tìm mua các mặt hàng y tế này khi nguồn cung khan hiếm, New Zealand đã đạt tỷ lệ xét nghiệm cao hơn cả so với những nước phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc cùng thời điểm, với khoảng 2.200 xét nghiệm trên 100.000 dân tính đến giữa tháng 5/2020.
Đối với công tác truy vết tiếp xúc, New Zealand ứng dụng cả “công nghệ thấp” và công nghệ cao nhằm xác định và xét nghiệm tất cả những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 trong 14 ngày. Phương pháp truy vết chủ yếu là các quan chức hỏi từng bệnh nhân COVID-19 để xác định người tiếp xúc gần với họ. Bên cạnh đó, ứng dụng trên điện thoại thông minh "NZ COVID Tracer" để truy vết các trường hợp lây nhiễm virus được triển khai đồng thời.
New Zealand đã chặn đứng, chứ không chỉ là giảm nhẹ, sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng nhờ nhanh chóng áp dụng các biện pháp rất mạnh tay. Ngày 25/3/2020, chỉ 3 ngày sau khi xác nhận có ca lây nhiễm nội địa, nhà chức trách đã triển khai biện pháp phong tỏa trên toàn quốc. Đây là một trong những nước áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Mặc dù người dân New Zealand có tinh thần tự giác cao, song cảnh sát vẫn khuyến khích các công dân tố giác người vi phạm quy định phòng chống dịch. Chỉ trong vài tuần, cảnh sát đã nhận được hơn 336 báo cáo về những hành vi vi phạm.
Biểu đồ dịch bệnh của New Zealand trong đợt lây nhiễm đầu tiên hồi năm ngoái đã chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp chống dịch. Số ca mắc mới mỗi ngày bắt đầu giảm đáng kể từ 89 ca/ngày vào ngày 5/4 xuống chỉ còn 9 ca/ngày hai tuần sau đó. Ngày 27/4, chính phủ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa dù vẫn áp đặt một số biện pháp giãn cách. Ngày 13/5, New Zealand không ghi nhận thêm số ca mắc mới, nhờ đó ngày 8/6, chính phủ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa.
Trong những đợt dịch tái bùng phát tại thành phố Auckland hồi tháng 8/2020 và tháng 2/2021, nhà chức trách ngay lập tức có biện pháp quyết liệt. Đơn cử như ngày 14/2 vừa qua, New Zealand đã phong tỏa Auckland, thành phố lớn nhất nước này để phòng dịch COVID-19 sau khi ghi nhận 3 ca nhiễm mới trong cộng đồng cùng ngày. Trong khi đó, những địa phương còn lại áp dụng các biện pháp hạn chế cấp độ 2. Khi dập tắt được ổ dịch trong cộng đồng, các biện pháp hạn chế cũng được nới lỏng từng bước hết sức thận trọng.
Một điểm nổi bật trong công tác chống dịch ở New Zealand là việc ứng dụng công nghệ. New Zealand là một trong những quốc gia phát triển đầu tiên sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để truy vết các trường hợp lây nhiễm. Hồi tháng 4 vừa qua, nước này cũng đưa vào thử nghiệm ứng dụng "elarm" giám sát để phát hiện virus SARS-CoV-2, với độ chính xác lên tới 90% trong vòng 3 ngày trước khi người bệnh có các triệu chứng như ho, khó thở và mệt mỏi. Được tích hợp với các thiết bị đeo vào người như đồng hồ thông minh hay các thiết bị theo dõi sức khỏe, ứng dụng này sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện những thay đổi đột ngột của người sử dụng như nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, từ đó đưa ra cảnh báo để sớm phát hiện dấu hiệu mắc COVID-19.
Giới chuyên gia nhận định New Zealand có biện pháp ứng phó dịch chủ động, mạnh mẽ, tập trung, dựa trên khoa học, đồng thời thực hiện tốt những biện pháp này. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet Public Health, chuyên gia Sarah Jefferies và đồng nghiệp chỉ ra những yếu tố góp vào sự thành công của New Zealand trong cuộc chiến chống đại dịch là những cải tiến nhanh về năng lực xét nghiệm và quản lý các ca mắc, lệnh phong tỏa trong một thời gian ngắn (gần 4 tuần) nhưng rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, các biện pháp can thiệp nhanh khi số ca mắc ở mức thấp, đơn cử như mức cảnh báo tăng từ 1 – 4 trong 5 ngày khi số ca mắc chưa vượt 1.000 ca.
Nhóm chuyên gia của Đại học Otago (New Zealand) nêu bật yếu tố quan trọng là việc chính phủ đánh giá rủi ro nhanh, dựa trên khoa học kết hợp với hành động sớm và dứt khoát. Việc triển khai các biện pháp can thiệp ở nhiều cấp độ khác nhau (kiểm soát biên giới, khống chế sự lây lan trong cộng đồng và kiểm soát các ca mắc) cũng đem lại hiệu quả chống dịch. Thủ tướng Jacinda Ardern được đánh giá cao với khả năng truyền tải hiệu quả thông điệp chính đến cộng đồng – hãy coi chống dịch như nhiệm vụ của một tập thể thống nhất gồm 5 triệu người, từ đó được người dân tin tưởng và chấp hành theo những lệnh hạn chế dù rất nghiêm ngặt.
- New Zealand và Việt Nam là hai quốc gia xử lý đại dịch Covid-19 tốt nhất thế giới
- Dịch COVID-19: New Zealand ghi nhận ca đầu tiên tử vong - Hàn Quốc thông báo thêm 105 ca mắc bệnh
- Dịch COVID-19: New Zealand xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên
Biện pháp mạnh tay chống dịch nêu trên giúp giảm thiệt hại về người với tỷ lệ tử vong rất thấp, chỉ 0,53 ca trên 100.000 dân, song cũng khiến nền kinh tế trả giá do chính sách đóng cửa cũng như tác động của đại dịch. Kinh tế New Zealand đã ghi nhận mức giảm kỷ lục 2,9% trong năm 2020. Tuy nhiên, xét về triển vọng lâu dài, nền kinh tế này được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay nhờ gói kích thích kinh tế của chính phủ và việc New Zealand có thể khôi phục cuộc sống bình thường như trước thời kỳ đại dịch.
Hơn nữa, chính việc kiểm soát dịch tốt đã mang lại cơ hội phục hồi kinh tế lớn cho New Zealand. Kết quả cuộc khảo sát của Bloomberg thực hiện tháng 10/2020 với sự tham gia của khoảng 700 người, hầu hết là các giám đốc điều hành cấp cao trong nhiều ngành, trong đó 53% đến từ các tập đoàn lớn và 47% từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho thấy New Zealand là nước được giới lãnh đạo doanh nghiệp tin tưởng cao nhất để đầu tư trong tương lai.
Thực tế cho thấy kinh tế của “xứ kiwi” đã bật tăng trở lại khi niềm tin của doanh nghiệp cải thiện gần đây và tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh xuống 4,7% trong quý I/2021. Bộ Tài chính dự kiến tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ đạt 2,9% vào năm 2021 và dần tăng lên mức 4,4% vào năm 2023. Nhà kinh tế trưởng của Kiwibank, Jarrod Kerr, cho rằng nhìn về tương lai, chương trình triển khai vaccine, bong bóng du lịch với Australia và nhiều quốc gia khác vào năm 2021 sẽ hỗ trợ tăng trưởng vững chắc vào năm 2022.
Phương pháp tiếp cận quyết liệt, kịp thời và đồng bộ của New Zealand đối với dịch COVID-19, từ phong tỏa, giãn cách, đến truy vết, điều trị đã trở thành mô hình chống dịch được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận và đem lại bài học hữu ích giúp chính phủ các nước hoạch định cách thức ứng phó với đại dịch hiện nay cũng như những đại dịch bùng phát trong tương lai.
Nguyễn Hằng/TTXVN