loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 8/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 267.362.247 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.285.965 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 235.481.473 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 7/12 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 266.936.779 ca mắc COVID-19 và 5.281.995 ca tử vong. Số ca hồi phục là 240.525.191 ca.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 812.123 ca tử vong trong tổng số 50.263.669 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 473.757 ca tử vong trong số 34.656.506 ca. Brazil đứng thứ 3 với 616.067 ca tử vong trong số 22.157.726 ca.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 611 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 415 người và Bosnia-Herzegovina với 390 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46,8 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 86,8 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,5 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,2 triệu ca tử vong trong hơn 81,7 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 58,6 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 223.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.900 người.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum ngày 7/12 cho biết số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở nước này đã lần đầu tiên vượt mức 7.000 ca, trong bối cảnh lo ngại lây nhiễm do biến thể Omicron đang gia tăng và số lượng bệnh nhân nguy kịch tại Hàn Quốc cũng tăng mạnh.
Thủ tướng Kim Boo-Kyum cho biết Seoul đóng góp tới 80% tổng số ca nhiễm mới và chính phủ dù tiếp tục bổ sung giường bệnh tại đây, nhưng vẫn rất khó để đáp ứng kịp tốc độ gia tăng ca bệnh COVID-19. Chính phủ Hàn Quốc sẽ tăng cường hệ thống điều trị tại nhà để đảm bảo tính bền vững về khả năng đáp ứng y tế của đất nước. Theo đó, từ năm 2022, bệnh nhân nặng cũng sẽ được phát thuốc COVID-19 dạng uống để điều trị tại nhà. Chính phủ cũng sẽ tăng cường nhân lực y tế và cải thiện tình trạng quản lý bệnh nhân để thích ứng với tình hình mới.
Thời gian cách ly bắt buộc đối với các thành viên trong gia đình hoặc những người sống chung với bệnh nhân COVID-19 lựa chọn tự điều trị tại nhà sẽ giảm xuống còn 7 ngày từ mức 10 ngày hiện nay và những đối tượng này sẽ được nhận thêm trợ cấp tùy thuộc vào số lượng người trong mỗi hộ gia đình. Thủ tướng Hàn Quốc cũng kêu gọi nhanh chóng điều tra dịch tễ học rộng rãi đối với biến thể Omicron - được cho là dễ lây lan hơn các biến thể khác. Tính đến ngày 7/12, nước này đã xác nhận 36 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, trong đó thủ đô Seoul ghi nhận 3 ca.
Trong ngày 7/12, Nhật Bản tiếp tục ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới ở mức thấp, với 116 trường hợp. Trong đó, thủ đô Tokyo ghi nhận 19 ca mắc COVID-19 mới, là ngày thứ 52 liên tiếp dưới 50 ca/ngày và thứ 26 liên tiếp dưới 30 ca/ngày.
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã xác nhận ca thứ ba nhiễm biến thể Omicron tại nước này. Bệnh nhân là một người đàn ông khoảng 30 tuổi từng sinh sống ở Italy. Các ca nhiễm biến thể Omicron trước đó tại Nhật Bản là một nhà ngoại giao đến từ Namibia và một người đàn đông đến từ Peru. Toàn bộ 41 hành khách đi cùng chuyến bay được xác định có tiếp xúc gần hoặc sinh sống gần với người đàn ông này tại Italy.
Cho đến nay, giới chức Tokyo mới chỉ liên hệ được 21 trường hợp và những người này đều có kết quả âm tính tại thời điểm nhập cảnh. Tuy nhiên, cơ quan dịch tế Tokyo vẫn tiến hành xét nghiệm với tần suất 2 ngày/lần để đảm bảo sàng lọc chắc chắn đối với biến thể Omicron.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đang nghiên cứu giải pháp rút ngắn khoảng thời gian chờ tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ ba xuống dưới 8 tháng, nhưng thừa nhận sẽ rất khó để thực hiện đồng bộ trên cả nước do nguồn cung vaccine hạn chế.
Theo bộ này, Nhật Bản đang lưu trữ 16 triệu liều vaccine của Pfizer, cùng 15 triệu liều vaccine do Moderna sản xuất và kế hoạch năm tới sẽ tiếp tục mua thêm 120 triệu liều vaccine của Pfizer và 50 triệu liều vaccine của Moderna. Do lượng vaccine nhập khẩu được tiếp nhận theo từng giai đoạn nên rất khó để triển khai tiêm vaccine mũi thứ ba đồng bộ trên toàn quốc nếu rút ngắn thời gian chờ xuống dưới 8 tháng.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Italy đã thông qua việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi và ưu tiên trẻ em dễ bị tổn thương. Trong thông tư mới ban hành, Bộ Y tế nêu rõ: “Ủy ban kỹ thuật của Cơ quan Dược phẩm Italy (AIFA) đã chấp thuận ý kiến của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và phê duyệt việc mở rộng đối tượng sử dụng vaccine Comirnaty của Pfizer- BioNtech cho lứa tuổi từ 5-11 tuổi.
Do đó, có thể tiến hành đưa nhóm tuổi này vào chương trình tiêm chủng”. Về liều lượng, vaccine Comirnaty 10 mcg/liều sẽ được tiêm sau khi pha loãng với chu kỳ 2 liều, mỗi liều 0,2ml và cách nhau 3 tuần.
Ngoài ra, thông tư xác định đối tượng ưu tiên là những trẻ em dễ bị tổn thương như trẻ em suy giảm miễn dịch do đang trong điều trị bệnh, trẻ em được cấy ghép nội tạng, hay tế bào gốc tạo máu và có thể tiêm liều bổ sung ít nhất sau 28 ngày tiêm liều thứ 2.
EMA cùng Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (ECDC) cũng đã ra thông cáo báo chí cho biết, hai cơ quan này đã chính thức khuyến nghị phương pháp tiếp cận “kết hợp các loại vaccine” đối với việc tiêm chủng ngừa COVID-19 và liều tăng cường. Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 khác với vaccine ban đầu để tiêm liều tăng cường. Phương pháp này hiện đã được EMA và ECDC chính thức khuyến nghị.
Để cung cấp cơ sở khoa học và tính linh hoạt hơn nữa cho các chương trình tiêm chủng, EMA và ECDC đã xem xét các bằng chứng thực tế có sẵn và phát hiện ra rằng vaccine vectơ virus (chẳng hạn như vaccine của các hãng AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson) kết hợp với vaccine mRNA (của Pfizer hoặc Moderna) tạo ra “Mức độ kháng thể tốt” và phản ứng tế bào T cao hơn so với việc chỉ sử dụng cùng một loại vaccine. Điều này đã được xác nhận đối với liệu trình vaccine ban đầu (sử dụng các loại vaccine khác nhau cho liều thứ nhất và thứ hai) cũng như đối với mũi tiêm nhắc lại.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 7/12 cũng đã kêu gọi 27 quốc gia thành viên phối hợp hạn chế hoạt động đi lại nhằm đối phó sự bùng phát của dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa các chiến dịch tiêm chủng. Ủy viên châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm - bà Stella Kyriakides - nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì một cách tiếp cận phối hợp đầy đủ trong các hạn chế nhập cảnh và khuyến nghị đi lại để đảm bảo khả năng dự đoán cho người dân.
Ngoài việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, bà Stella Kyriakides cho rằng cần phải duy trì hoặc khôi phục các biện pháp y tế công cộng có mục tiêu và thông minh, đặc biệt khi Giáng sinh và các lễ hội cuối năm đang đến gần.
Theo ECDC, tính đến ngày 6/12, đã có 212 trường hợp đã được xác nhận nhiễm biến thể Omicron ở EU và các nước liên quan (Iceland, Na Uy). Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 sẽ là nội dung đầu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh châu Âu, dự kiến diễn ra vào các ngày 16-17/12.
Thanh Phương/TTXVN
loading...