loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 20/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 274.995.307 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.370.105 ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 246.665.397 ca.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Thị trưởng London Sadiq Khan tuyên bố, London đang gặp “sự cố lớn” sau khi ghi nhận 26.418 ca nhiễm COVID-19 mới trong vòng 24 giờ.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 466.749 ca nhiễm mới, trong đó những nước có số ca nhiễm mới cao nhất là Anh với 82.886 ca, Mỹ với 66.751 ca, Pháp với 48.473 ca, Nga với 27.967 ca, Italy với 24.259 ca và Đức với 24.190 ca.
Trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan của biến thể Omicron, Chính phủ Italy đang xem xét ban hành các biện pháp phòng chống mới để tránh sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm Mới. Dự kiến, sau cuộc họp nội các vào ngày 23/12 tới, Thủ tướng Mario Draghi có thể ra quy định buộc những người đã tiêm vaccine phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính để được vào những nơi đông người, bao gồm vũ trường, sân vận động, rạp chiếu phim và rạp hát.
Vốn đã bắt buộc các nhân viên y tế, nhân viên trường học, lực lượng cảnh sát và quân đội phải tiêm vaccine, nay Italy cũng đang cân nhắc quy định buộc tất cả những người lao động phải tiêm vaccine từ tháng 1/2022.
Tại Đức, giới chuyên gia nước này cho rằng Đức cần tăng cường các biện pháp khẩn cấp mới để chống lại sự gia tăng các ca nhiễm mới do biến thể Omicron gây ra. Hội đồng gồm 19 chuyên gia khoa học cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện, các dịch vụ y tế và an ninh cùng các tiện ích cơ bản khác có thể bị gián đoạn nếu các biện pháp tăng cường chống dịch không được sớm đưa ra.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đã loại trừ khả năng nước này áp đặt phong tỏa trong dịp lễ Giáng sinh sắp tới, nhưng cảnh báo đợt dịch thứ 5 có thể sớm xảy ra và cho rằng tiêm chủng bắt buộc là cách duy nhất để ngăn chặn đại dịch.
Lo ngại dịch bệnh gia tăng trở lại tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một thỏa thuận với hãng Pfizer/BioNtech về việc cung cấp 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 bổ sung cho các quốc gia thành viên vào đầu năm 2022 để tạo điều kiện cho các chiến dịch tiêm chủng. EC cho biết cơ quan này cũng đã kích hoạt "lựa chọn đầu tiên để đặt hàng hơn 200 triệu liều theo hợp đồng thứ ba với Pfizer/BioNTech".
Đơn đặt hàng này cũng có cả các loại vaccine có thể ngăn ngừa biến thể Omicron, nếu những loại vaccine này có sẵn. Việc giao hàng sẽ diễn ra từ quý II/2022. EC cũng đã đạt được một thỏa thuận khác với hãng Moderna về việc cung cấp các liều bổ sung trong quý I/2022.
Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết quốc gia này sẽ chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào các cơ quan nhà nước. Quy định mới này sẽ được áp dụng kể từ ngày 3/1/2022, trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Mặc dù số ca mắc mới ở quốc gia vùng Vịnh này ổn định ở mức thấp trong vài tháng gần đây, song Bộ Y tế UAE ngày 19/12 thông báo ghi nhận số trường hợp mắc COVID-19 cao nhất kể từ ngày 27/9 với tổng cộng 285 ca mới. Cho tới nay, UAE không cho biết liệu các ca mắc COVID-19 này có liên quan tới biến thể Omicron hay không.
UAE hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19, đồng thời là một “điểm sáng” trong kiểm soát dịch bệnh và duy trì mở cửa nền kinh tế. Tháng 11 vừa qua, UAE cho biết 100% dân số nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi 90,3% dân số đã tiêm đủ liều. UAE cũng sẵn sàng tiêm mũi tăng cường cho người dân trên 18 tuổi trước lo ngại biến thể Omicron.
Trần Quyên/TTXVN
loading...