Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều sai phạm trong quy hoạch đường Lê Văn Lương - Tố Hữu
Kéo dài khoảng 2km, đường Lê Văn Lương (Hà Nội) mọc lên tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến và tiếp đó, đường Tố Hữu cũng chịu cảnh quá tải tương tự. Tuyến đường rộng, đẹp nhưng luôn quá tải về hạ tầng đã biến nơi đây thành “điểm nóng” của Thủ đô trong những khung giờ cao điểm.
Nguyên nhân chính là những sai phạm nghiêm trọng trong việc điều chỉnh quy hoạch sai quy định, buông lỏng quản lý xây dựng.
Đây là một trong những nội dung được ghi nhận tại Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính do Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn vừa ký ban hành.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót, tồn tại trong quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, quản lý xây dựng theo quy hoạch tại một loạt dự án. Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, về quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, chấp thuận, điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án thiết kế, việc lập, thẩm định, phê duyệt đồ án đã vi phạm khi chỉ tiêu quy hoạch tại đồ án phê duyệt sau không phù hợp đồ án đã phê duyệt trước. Đồ án có tỷ lệ nhỏ hơn không phù hợp với đồ án tỷ lệ lớn hơn mà không thuyết minh về sự sai khác, không tính toán sự đáp ứng về kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, đã có những vi phạm nghiêm trọng Luật Quy hoạch đô thị 2009. Theo quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 có 8 dự án có chỉ tiêu quy hoạch không phù hợp quy hoạch phân khu được phê duyệt năm 2015. Quy hoạch chi tiết hai bên đường Tố Hữu phê duyệt năm 2016 có 5 dự án có chỉ tiêu quy hoạch không phù hợp với quy hoạch phân khu được phê duyệt năm 2015.
Cùng đó, Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở Ngân Hà Vạn Phúc (TSQ Galaxy 1), UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1807 có chỉ tiêu tầng cao công trình công cộng, trường mầm non không phù hợp với quy hoạch phân khu phê duyệt năm 2013 (tăng thêm 1-2 tầng).
Tương tự, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở Him Lam Vạn Phúc do UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2245, ô đất THCS có số tầng cao 3-12 tầng, không phù hợp với quy hoạch phân khu được phê duyệt năm 2013 là 1-4 tầng. Bên cạnh đó, còn có 3 đồ án, một số quy hoạch có chỉ tiêu không phù hợp với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 huyện Từ Liêm phê duyệt năm 2000 - Thanh tra Bộ Xây dựng dẫn chứng.
Ngoài ra, các đồ án cập nhật không đúng, không đầy đủ chỉ tiêu quy hoạch của các đồ án, tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được phê duyệt, chấp thuận trước đó. Một số ô quy hoạch không có chỉ tiêu dẫn đến số liệu hiện trạng không đầy đủ, không đủ cơ sở để nghiên cứu tính toán chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho từng ô, khu và toàn đồ án.
Điển hình như quy hoạch phân khu H2-2, cập nhật 6 dự án không có chỉ tiêu quy hoạch. Đáng chú ý có 11 dự án cập nhật sai quy hoạch chi tiết đã được duyệt, 21 dự án cập nhật sai tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được chấp thuận trước đó. Thậm chí, số liệu dân số hiện trạng không ghi cụ thể nguồn cung cấp, năm cung cấp, dự báo dân số không có thuyết minh, không tính toán đầy đủ theo quy định. Do vậy, chưa có đủ cơ sở để dự báo dân số, tính toán chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, tại quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu phê duyệt năm 2016 chỉ cập nhật, ghép cơ học các tổng mặt bằng, phương án kiến trúc đã được chấp thuận, dự báo dân số không thuyết minh, không tính toán đầy đủ dẫn đến chưa có đủ cơ sở cho việc nghiên cứu tính toán hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Ngay như quy hoạch phân khu đô thị H2-2 dự báo dân số năm 2050 giảm so với năm 2020 mà không nêu cơ sở tính toán, lý do giảm, biện pháp giảm dân số.
Thanh tra Bộ Xây dựng dẫn chứng, năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tại Quyết định số 108. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội tại Quyết định số 1259.
Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án gây quá tải về hạ tầng, xã hội.
Cụ thể, quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 có một số chỉ tiêu quy hoạch không đúng với quy chuẩn không thuyết minh, tính toán như không đảm bảo nội dung về bố trí vườn hoa, sân chơi trong các nhóm nhà bán kính phục vụ không lớn hơn 300 m; không bố trí trạm y tế, sân luyện tập, chợ, trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học; đất công trình giáo dục không đạt 2,7 m2/người. Diện tích trường mầm non thì thiếu 12.174 m2, diện tích đất cây xanh công cộng đơn vị ở thiếu 34.828 m2.
Đáng chú ý, trong số 13 dự án nhà chung cư được thanh tra có 12 dự án không bố trí cây xanh, một dự án thiếu diện tích cây xanh, chỉ đạt 10%. Một số chỉ tiêu quy hoạch không đúng với quy chuẩn mà không thuyết minh, tính toán. Như việc không bố trí trạm y tế, trường trung học cơ sở, sân luyện tập, chợ, đất công trình giáo dục không đạt 2,7 m2/người, diện tích trường mầm non thiếu 20.190 m2; đất trường tiểu học thiếu 15.904 m2; đất trường trung học phổ thông thiếu 5.535 m2; không bố trí hoặc bố trí cây xanh không đạt 20%. Đáng chú ý, có tới 5 dự án thiếu rất nhiều, không đạt 20% (chỉ 2,36-7,4%); có một dự án còn không quy định diện tích cây xanh, có 12 dự án không bố trí diện tích cây xanh...
Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là việc điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, lập, điều chỉnh bản vẽ tổng mặt bằng, phương án kiến trúc. Kết luận chỉ rõ, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, cụ thể là Sở Quy hoạch Kiến trúc đã điều chỉnh quy hoạch sai quy định của pháp luật; thậm chí “chạy” theo đề xuất của chủ đầu tư, điều chỉnh từ quy mô công trình từ 5 lên 30 tầng.
Mặc dù quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhưng khi triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn. Có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán; có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo quy chuẩn xây dựng Việt Nam đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ - Thanh tra Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
UBND Thành phố Hà Nội đã điều chỉnh sai quy định khi điều chỉnh không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiếu thủ tục theo quy định về điều chỉnh, điều chỉnh có nội dung vi phạm quy chuẩn xây dựng Việt Nam tại 14/56 đồ án, dự án, công trình được kiểm tra. Trong số đó, điều chỉnh 4 đồ án quy hoạch chi tiết, 16 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết, 22 lần điều chỉnh bằng các văn bản chấp thuận.
Sở Quy hoạch Kiến trúc sau khi chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc lại tiếp tục chấp thuận điều chỉnh sai thẩm quyền, điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, điều chỉnh không tính toán sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại 16 dự án, công trình. Đơn vị này cũng chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định tại 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, vi phạm xây dựng tầng hầm công trình làm cơ sở cấp phép xây dựng và đầu tư xây dựng. Điều này đã vi phạm Luật Xây dựng.
- Vụ 'Vòi tiền' tại Vĩnh Phúc: Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị tuyên 15 năm tù giam
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm vụ việc Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị tạm giữ về hành vi 'vòi tiền'
Theo thống kê, tại 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng, 21 dự án có tầng hầm vượt quá chỉ giới xây dựng nhưng không được UBND TP Hà Nội cho phép là "vượt thẩm quyền, vi phạm Nghị định 39". Ngoài ra, tại 32 dự án công trình có nội dung vi phạm quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành theo Quyết định 682, gồm: 1 dự án về mật độ; 31 dự án công trình về cây xanh (Tiểu học Lý Thái Tổ, 14 dự án hai bên đường Lê Văn Lương, 15 dự án hai bên đường Tố Hữu).
Không dừng ở đó, các dự án sai phép, không phép xảy ra nhiều. Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp giấy phép xây dựng một số nội dung sai quy định; trong đó, có 12 giấy phép xây dựng không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở; 3 giấy phép xây dựng cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận; 9 giấy phép xây dựng cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng; 2 giấy phép xây dựng ghi số tầng không đúng…
Việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công cộng, không đúng tiến độ, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009, dẫn đến không đảm bảo về môi trường, kiến trúc cảnh quan và đời sống cư dân đô thị…
Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, nhiều cấp ở Hà Nội đã tuỳ tiện điều chỉnh quy hoạch là một trong những nguyên nhân băm nát quy hoạch ở tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu.
Thu Hằng/TTXVN